Theo dự kiến phiên xử diễn ra trong hai ngày 12-13.7. Có khoảng hơn trăm người dân đã đến trụ sở tòa, tuy nhiên do không được vào bên trong nên họ tụ tập thành từng nhóm ngồi phía bên ngoài đường.
Khu vực cổng trụ sở TAND tỉnh Hưng Yên đường bị cấm. |
Trước khi phiên xử diễn ra, các bị cáo từ chối luật sư bào chữa nên khi họ ra tòa không có luật sư. Phía bên đơn vị có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng (chủ đầu tư dự án xây dựng khu đô thị Ecopark, Hưng Yên) có 3 luật sư: Nguyễn Chiến, Trần Hồng Phúc và Ngô Thị Thu Hằng (cùng ở Đoàn luật sư TP.Hà Nội).
Điểm đáng chú ý trong vụ án này, có hai bị cáo là Nguyễn Văn Hoạnh và Nguyễn Văn Phát (hai người đang được tại ngoại) có đơn xin xét xử vắng mặt. Đề nghị đó được Hội đồng xét xử chấp nhận. Như vậy, đứng trước vành móng ngựa chỉ còn 6 bị cáo.
Nhiều người dân không được vào trong phòng xử phải ngồi trước cổng tòa. |
Trong phần thẩm vấn, Hội đồng xét xử đã áp dụng biện pháp cách ly các bị cáo để hỏi.
Bị cáo Quyền là người được xét hỏi đầu tiên. Thẩm phán - chủ tọa phiên tòa Trần Đình Hiền tập trung làm rõ việc bị cáo Quyền có tham gia cùng nhiều người ra hiện trường cản trở thi công ở dự án Ecopark không, có đội mũ bảo hiểm, đeo khẩu trang và cầm gậy không, có đất bị thu hồi đã nhận tiền đền bù chưa?
Trong phần trả lời, bị cáo Quyền cho biết, gia đình bị thu hồi gần 800m2đất với giá đền bù 36 triệu đồng/sào, cộng thêm một số khoản hỗ trợ khác. Bị cáo Quyền nói thời điểm xảy ra vụ án gia đình chưa nhận tiền đền bù.
"Bị cáo rất yêu ruộng, gia đình chủ yếu sống bằng nông nghiệp, không có ruộng không biết xoay xở thế nào. Giờ bị cáo rơi vào hoàn cảnh này cũng không biết gia đình xoay xở thế nào nữa", bị cáo Quyền trình bày.
Các bị cáo trong sự kiểm soát chặt chẽ của lực lượng công an. |
Bị cáo Quyền cho biết thêm, trong thời gian bị tạm giam đã suy nghĩ nhiều và thấy ăn năn, hối hận, mong được xem xét để nhanh chóng về đoàn tụ với gia đình. Đối với 5 bị cáo còn lại, Hội đồng xét xử cũng tập trung thẩm vấn với nội dung giống như bị cáo Quyền.
Trong phần xét hỏi 6 bị cáo, Thẩm phán - chủ tọa Trần Đình Hiền cũng tập trung làm rõ khi bị lấy lời khai ở cơ quan điều tra, các bị cáo có bị đánh đập, cưỡng ép gì không? Cả 6 bị cáo đều cho biết không bị đánh đập, cưỡng ép gì.
Đối với hai bị cáo xin xét xử vắng mặt, Thẩm phán - chủ tọa Trần Đình Hiền đã công bố lời khai của họ tại cơ quan điều tra trước phiên tòa.
Đến gần 12h trưa nay, phiên tòa tạm nghỉ, đến chiều sẽ tiếp tục.
Theo cáo trạng của vụ án, dự án xây dựng khu đô thị Ecopark được UBND tỉnh Hưng Yên phê duyệt từ tháng 6.2004, do Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng (Công ty Việt Hưng) làm chủ đầu tư. Trong quá trình giải phóng mặt bằng, tổ chức thi công, Công ty Việt Hưng đã ký hợp đồng với nhiều đơn vị nhà thầu để thực hiện dự án, trong đó có Công ty trách nhiệm hữu hạn V&T (V&T - Văn Giang) do ông Nguyễn Văn Vĩnh làm giám đốc. Vào ngày 5.10.2014, Công ty Việt Hưng đang tổ chức triển khai thi công san ủi tại cánh đồng thôn Hạ, xã Cửu Cao (Văn Giang) thì có khoảng 500 người dân, đầu đội mũ bảo hiểm, đeo khẩu trang, tay cầm gậy tre, bùi nhùi, xăng, vôi... ra khu vực thi công hô hào đuổi đánh lực lượng thi công và đốt, phá tài sản của Công ty TNHH V&T. Hậu quả của vụ việc là anh Nguyễn Văn Hiệp và Trần Văn Thủy - người của Công ty V&T - bị đánh đến mức tử vong, anh Phạm Thành Được bị đánh gây tổn hại 8% sức khỏe, anh Trần Tiến Giang bị đánh tổn hại 32% sức khỏe. Một chiếc máy xúc có giá trị trên 568 triệu đồng bị đốt cháy. Đám đông còn xông vào đập phá tài sản tại nhà ông Nguyễn Văn Vĩnh thuê, gây thiệt hại hơn 864 triệu đồng. Quá trình điều tra, Công an tỉnh Hưng Yên xác định các ông: Nguyễn Văn Hoạnh, Vũ Thế Trường, Nguyễn Văn Quyền, Nguyễn Văn Hải, Hoàng Văn Ngự, Nguyễn Văn Long, Nguyễn Thanh Nhàn, Nguyễn Văn Phát có hành vi Gây rối trật tự công cộng. Hành vi đó đã bị truy tố theo điểm c khoản 2 Điều 245 Bộ luật Hình sự với mức án từ 2 đến 7 năm tù. |