Sáng 11-4, Bộ Ngoại giao Việt Nam phát thông cáo cho biết nhận lời mời của Tổng Bí thư Tô Lâm và Chủ tịch nước Lương Cường, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm cấp nhà nước đến Việt Nam trong hai ngày 14 và 15-4.
Đây là chuyến thăm cấp nhà nước thứ hai của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam trong nhiệm kỳ thứ ba này.
Thông qua các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao 2 nước, Việt Nam và Trung Quốc có nhiều động thái mạnh mẽ, tích cực để tăng cường hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực.
Lĩnh vực đường sắt
Trong các lĩnh vực đường sắt, Việt Nam và Trung Quốc hiện đang tập trung triển khai vào 3 dự án chính: tuyến Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, tuyến Lạng Sơn – Hà Nội, tuyến Móng Cái – Hạ Long – Hải Phòng.
Trong đó, tuyến Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng phấn đấu khởi công trong năm 2025, mục tiêu hoàn thành vào năm 2030. Tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn này được kỳ vọng tăng cường kết nối Việt Nam – Trung Quốc, thúc đẩy giao thương hàng hóa và hành khách, giảm áp lực cho giao thông đường bộ và tạo động lực phát triển kinh tế vùng Tây Bắc cũng như khu vực cảng biển phía Bắc
Dự án dài khoảng 390,9 km, đi qua địa phận 9 tỉnh, thành phố, khổ ray 1.435 mm (khổ tiêu chuẩn quốc tế), tốc độ thiết kế tối đa 160 km/h, tổng mức đầu tư là 203.231 tỷ đồng, tương đương 8,37 tỷ USD.
Trên tinh thần coi trọng dự án, cả Việt Nam và Trung Quốc đều có những động thái tích cực để đưa kế hoạch vào thực tiễn. Ngày 19/2/2025, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, coi đây là dự án ưu tiên quốc gia.
Trước đó, vào cuối năm 2024, hai nước đã ký thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc về việc phát triển ba tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối hai nước, trong đó có tuyến Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng. Tại cuộc họp Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt – Trung (tháng 12/2024 ở Bắc Kinh), phía Trung Quốc khẳng định sẽ ưu tiên hỗ trợ Việt Nam triển khai dự án này.
Còn Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Trung Quốc (CIDCA) tuyên bố sẵn sàng cung cấp viện trợ để giúp Việt Nam lập báo cáo nghiên cứu khả thi tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, phối hợp quy hoạch các tuyến kết nối khác và hỗ trợ đào tạo nhân lực đường sắt cho Việt Nam.
Bên cạnh đó, dự án tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng có chiều dài khoảng 156 km, điểm đầu tại cửa khẩu Đồng Đăng, điểm cuối tại ga Yên Viên, kết nối Thủ đô Hà Nội với một số tỉnh phía Đông Bắc (Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn) và kết nối liên vận quốc tế với Trung Quốc qua cửa khẩu liên vận quốc tế đường sắt Đồng Đăng.
Dự kiến quy mô đầu tư khổ đường 1.435 mm, điện khí hóa, vận tải hành khách và hàng hóa; tốc độ tàu khách 160 km/h, tàu hàng khoảng 120 km/h; tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6 tỷ USD.
Còn dự án tuyến đường sắt Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái có chiều dài khoảng 187 km, thuộc tuyến đường sắt Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định, điểm đầu tại ga Nam Đình Vũ (phường Hải An, TP. Hải Phòng), điểm cuối tại điểm nối ray gần khu vực cầu Bắc Luân (TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh). Tuyến kết nối các tỉnh ven biển phía Bắc và kết nối liên vận quốc tế với Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái.
Dự kiến quy mô đầu tư khổ đường 1.435mm, điện khí hóa, vận tải hành khách và hàng hóa; tốc độ tàu khách 160 km/h, tàu hàng khoảng 120 km/h; tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 7 tỷ USD.
Cả ba dự án trên không chỉ đem lại lợi ích cho Việt Nam và Trung Quốc mà còn có ý nghĩa trong kết nối khu vực. Những dấu mốc này cho thấy giấc mơ về tuyến đường sắt xuyên Á đang dần trở thành hiện thực, và sau khi hoàn thành sẽ thúc đẩy gia tăng đáng kể thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam, góp phần tăng cường kết nối giữa Trung Quốc và ASEAN.
Lĩnh vực hạ tầng xây dựng
Ngày 31/3/2025, tại xã Bản Vược, huyện Bát Xát (Lào Cai, Việt Nam) và thị trấn Bá Sái (Vân Nam, Trung Quốc), hai nước đã đồng thời tổ chức lễ khởi công xây dựng cầu đường bộ Bát Xát – Bá Sái vượt sông Hồng – một công trình hạ tầng trọng điểm nhằm tăng cường kết nối giao thương giữa hai nước.
Cây cầu được thiết kế theo dạng cầu dây văng tháp thấp, gồm ba nhịp với tổng chiều dài 230 mét, mỗi bên Việt Nam và Trung Quốc xây dựng 115 mét, dự kiến hoàn thành trước ngày 30/6/2026.
Ông Chu Vinh Phong, Cục trưởng Cục Đường bộ, Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc, cho biết tại lễ khởi công rằng: Hợp tác xây dựng hạ tầng giao thông là cầu nối quan trọng trong hợp tác hai bên. Từ lịch sử hợp tác trăm năm đến sự kiện khởi công cầu đường bộ qua sông Hồng ngày hôm nay, mỗi một lần kết nối liên thông đều tạo động lực cho việc phát triển hai nước.
Ngoài dự án cầu đường bộ Bát Xát – Bá Sái được thúc đẩy triển khai thành công, thời gian qua, các Tập đoàn Trung Quốc đã tham gia tích cực, sâu rộng vào hàng loạt dự án hạ tầng xây dựng ở Việt Nam.
Ở Hà Nội, Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu đầu tư xây dựng dự án cầu Tứ Liên và dự án đường sắt đô thị số 5, đoạn Văn Cao - Hòa Lạc.
Trong đó, tuyến metro số 5 Văn Cao - Hòa Lạc, là tuyến đường sắt xuyên tâm với tổng mức đầu tư lên tới 65.404 tỷ đồng, là một phần quan trọng trong kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông của thành phố. Đây chính là công trình đường sắt đô thị có chiều dài và quy mô vốn lớn nhất trong số 8 tuyến metro được quy hoạch triển khai tại Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn đến năm 2030.
Còn dự án xây dựng cầu Tứ Liên trị giá 20.000 tỷ đồng cũng là một trong những dự án hạ tầng giao thông trọng điểm của thành phố Hà Nội. Cây cầu này khi hoàn thành sẽ giảm ách tắc cho các lộ trình giao thông từ thủ đô Hà Nội lên các tỉnh phía Bắc, hình thành nên cửa ngõ thứ 3 từ sân bay quốc tế Nội Bài về trung tâm thành phố, góp phần mở rộng sự phát triển của thủ đô Hà Nội lên phía Bắc, giãn mật độ dân cư trong đô thị, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế bền vững của Hà Nội.
Tại TP.HCM, liên danh Tổng Công ty Cầu đường Trung Quốc (CRBC) đã gửi văn bản đến UBND TP. HCM đề xuất tham gia Dự án đường cao tốc TP. HCM - Mộc Bài. Đây là lần thứ hai, CRBC gửi văn bản đến UBND TP. HCM mong muốn được đầu tư vào dự án này.
Theo tìm hiểu, Dự án đường cao tốc TP. HCM - Mộc Bài có tổng chiều dài 51km; điểm đầu kết nối với đường Vành đai 3 - TP. HCM thuộc huyện Củ Chi, TP. HCM; điểm cuối giao với Quốc lộ 22 (Km53+850) thuộc huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh. Giai đoạn 1 đầu tư 4 làn xe, vận tốc thiết kế 120km/h. Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 19.617 tỷ đồng, được đầu tư theo hình thức PPP (Hợp đồng BOT).
Lĩnh vực năng lượng
Hợp tác năng lượng là một trụ cột quan trọng trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc. Các dự án điện có sự góp mặt của doanh nghiệp Trung Quốc đã bổ sung đáng kể cho an ninh năng lượng của Việt Nam, phục vụ tăng trưởng kinh tế và nhu cầu điện ngày càng cao.
Thời gian qua, nhiều dự án và thỏa thuận được triển khai nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững và chuyển dịch sang năng lượng xanh.
Ngày 30/11/2023, Trung Nam Group và PowerChina đã ký hợp đồng EPC cho cụm dự án điện gió với tổng công suất 916 MW. PowerChina, với kinh nghiệm triển khai các dự án trị giá hơn 6 tỷ USD tại Việt Nam, sẽ đảm nhận vai trò tổng thầu EPC cho dự án này.
Tháng 5/2024, Tập đoàn Sungrow Renewables (Trung Quốc) đã công bố kế hoạch đầu tư hơn 1 tỷ USD vào các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam, bao gồm điện gió và điện mặt trời. Mục tiêu của tập đoàn là xây dựng các dự án bền vững, góp phần hiện thực hóa cam kết Net Zero của Chính phủ Việt Nam vào năm 2050.
Tháng 11/2024, Tập đoàn Huadian (Hoa Điện) và Tập đoàn Kỹ thuật Năng lượng Trung Quốc (Energy China) bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực như năng lượng gió, hydro xanh, tích trữ năng lượng, cải tạo nâng cấp hệ thống điện và chuyển giao công nghệ.
Đối với Energy China, đơn vị này đang triển khai 16 dự án với 12 doanh nghiệp liên danh tại Việt Nam và tổng vốn đầu tư hơn 2,2 tỷ USD, bao gồm các dự án nhà máy sản xuất nhiệt điện tại Hải Dương (2x600 MW, tổng vốn đầu tư 1,86 tỷ USD) và điện gió tại tỉnh Ninh Thuận (50 MW); tham gia các gói thầu EPC tại các nhà máy nhiệt điện lớn như Vĩnh Tân I (2x600 MW), Duyên Hải I (2x622 MW), Vũng Áng I (2x600 MW)…
Đối với Tập đoàn Hoa Điện, một số dự án Tập đoàn đang triển khai tại Việt Nam gồm: Nhà máy điện Duyên Hải 2 (Trà Vinh, Việt Nam) (2x660 MW) là dự án điện có công suất lắp đặt lớn nhất và quy mô đầu tư lớn nhất ở nước ngoài của tập đoàn; Dự án điện gió tại tỉnh Đắk Lắk (4x50 MW) là dự án năng lượng tái tạo trên bờ đầu tiên được tập đoàn đầu tư tại nước ngoài.
Đầu tháng 3/2025, lãnh đạo Công ty Kỹ thuật Năng lượng Trung Quốc (CPECC) đã đề xuất phát triển các trung tâm năng lượng tổng hợp tại Việt Nam, bao gồm xây dựng đường dây truyền tải điện cao áp và sản xuất nhiên liệu xanh mới. CPECC cũng đã ký kết 127 dự án tại Việt Nam với tổng giá trị hợp đồng trên 10 tỷ USD.
Những dự án và kế hoạch hợp tác này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam và Trung Quốc trong việc phát triển năng lượng bền vững, góp phần vào mục tiêu giảm phát thải carbon và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh.
Theo Thái Hà (nguoiduatin.vn)