Vì sao Vũ 'nhôm' chưa bị khởi tố trong đại án DongA Bank?

05/04/2018 14:10:25

Cơ quan điều tra xác định Vũ "nhôm" gây thiệt hại cho DongA Bank 200 tỷ đồng chưa được khắc phục, là đồng phạm với Trần Phương Bình, nhưng đến nay chưa khởi tố...

Cơ quan điều tra xác định, Vũ “nhôm” gây thiệt hại cho DongA Bank 200 tỷ đồng chưa được khắc phục, có dấu hiệu của tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, vai trò đồng phạm với Trần Phương Bình, nhưng đến nay chưa khởi tố...

Như đã thông tin, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra (KLĐT), chuyển hồ sơ sang Viện KSND tối cao đề nghị truy tố ông Trần Phương Bình, nguyên Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT và Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA  Bank), cùng 20 đồng phạm trong vụ án cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại DongA Bank.

Trong đó, ông Trần Phương Bình được xác định đã tổ chức, chỉ đạo các hoạt động ngân quỹ và đầu tư tại DongA Bank, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại cho ngân hàng này hơn 3.405 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, trong KLĐT, ngoài các bị can, cái tên Phan Văn Anh Vũ (còn gọi Vũ “nhôm”, đã bị khởi tố về các tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước, trốn thuế và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ trong vụ án khác) được nhắc đến khá nhiều với hậu quả rõ ràng là gây thiệt hại cho DongA Bank 200 tỷ đồng đến nay chưa khắc phục.

Cổ đông chi phối

Theo KLĐT, ông Phan Văn Anh Vũ là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79, sở hữu hơn 92% cổ phần của công ty. Nhóm Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79 sở hữu 12,73% cổ phần Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank). Việc Vũ “nhôm” sở hữu số cổ phần này ở DongA Bank cho thấy có rất nhiều sai phạm.

Cụ thể, năm 2013, DongA Bank bị sa sút, thua lỗ kéo dài, thiếu hụt số lượng lớn tiền và vàng trong kho quỹ, nên ông Trần Phương Bình (nguyên Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT và Chủ tịch Hội đồng tín dụng DongABank) muốn tăng vốn điều lệ từ 5.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng vào năm 2014 để thu hút vốn đầu tư, có tiền trang trải, xử lý khó khăn tại ngân hàng, đồng thời nâng cao thương hiệu, vị thế và ảnh hưởng của DongA Bank. Cuối năm 2013, ông Bình và Vũ “nhôm” bàn bạc, thống nhất để Vũ mua 60 triệu cổ phần DongA Bank với giá hơn 600 tỷ đồng nhằm để ông Vũ thành cổ đông lớn, có quyền chi phối tại DongA Bank. Nguồn tiền gồm ông Vũ thế chấp 220 lô đất tại TP.Đà Nẵng để vay DongA Bank 400 tỷ đồng, còn thiếu 200 tỷ đồng DongA Bank xuất quỹ chi cho Vũ bằng cách Vũ phải ký chứng từ nộp khống 200 tỷ đồng tại DongA ank.

Đến ngày 16/1/2014, Vũ "nhôm" làm thủ tục chuyển 600 tỷ đồng vào DongA Bank để mua 60 triệu cổ phần của DongABank, nhưng phi vụ này bất thành do DongA Bank tăng vốn điều lệ lên 6.000 tỷ đồng không thành công. Ngày 8/4/2014, ông Bình chỉ đạo DongA Bank trả 600 tỷ đồng lại cho công ty của Vũ "nhôm".

Vì kế hoạch ban đầu không thành, ông Bình bàn cách bán cho công ty của Vũ “nhôm” 50 triệu cổ phần DongA Bank từ 4 cổ đông hiện hữu của DongA Bank (đều là công ty sân sau của ông Bình) với giá 500 tỷ đồng. Đồng thời, tháng 8/2015, trước khi DongA Bank bị kiểm soát đặc biệt, Vũ “nhôm” mua hơn 13 triệu cổ phần DongA Bank từ công ty sân sau của ông Bình với giá hơn 136 tỷ đồng. Thời điểm này, ông Bình biết rõ nếu bị kiểm soát thì hơn 13 triệu cổ phần sẽ bị cấm chuyển nhượng. Hai vụ mua bán sau này đã thành công.

KLĐT nêu rõ, trong 500 tỷ đồng Vũ “nhôm” dùng mua cổ phần của ông Bình, có 200 tỷ đồng nguồn gốc từ việc thu khống nói trên. Đến nay Vũ "nhôm" vẫn chưa trả số tiền này cho DongA Bank.

Cơ quan điều tra xác định việc Vũ “nhôm” ký chứng từ nộp khống tiền tại DongA Bank là vi phạm pháp luật, nhưng vì động cơ vụ lợi nên vẫn làm. Hành vi của ông Vũ đã gây thiệt hại cho DongA Bank 200 tỷ đồng chưa được khắc phục, có dấu hiệu của tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, vai trò đồng phạm với Trần Phương Bình.
Thế nhưng, đến nay Vũ “nhôm” vẫn chưa bị khởi tố do “thời hạn điều tra đã hết, Cơ quan CSĐT Bộ Công an sẽ phối hợp với Viện KSND tối cao để làm rõ và xử lý đối với Trần Phương Bình và Phan Văn Anh Vũ về hành vi nộp khống 200 tỷ đồng”.

Vũ “nhôm” chi hơn 13 triệu USD vào việc gì?

Trong KLĐT cũng nêu rõ ông Bình chỉ đạo cấp dưới lấy tiền từ quỹ của DongA Bank để mua 13,9 triệu USD giúp Vũ “nhôm”. Cụ thể, quá trình điều tra, cơ quan điều tra thu giữ 5 tờ giấy viết tay của Đỗ Thanh Hùng (nguyên thủ quỹ Hội sở DongA Bank) ghi chép lại 12 khoản thu chi sai nguyên tắc từ 11/10/2012 - 12/3/2015 để mua 13,9 triệu USD cho ông Bình.

Ông Bình khai, từ 11/10/2012 - 12/3/2015 đã chỉ đạo cấp dưới xuất quỹ chi 12 khoản tổng cộng hơn 294 tỷ đồng để Nguyễn Thị Kim Loan (trưởng phòng kinh doanh DongA Bank) mua 13,9 triệu USD. Trong 13,9 triệu USD này, có 13,4 triệu USD (trị giá 283 tỷ đồng) là Vũ “nhôm” nhờ mua (tổng cộng 9 lần) để chi tiêu cá nhân.

Để mua được ngoại tệ, phòng kinh doanh Hội sở DongA Bank đã tổ chức cho các nhân viên thường trực ở một số chi nhánh, phòng giao dịch mua bán ngoại tệ. Từ ngày 6/3/2013 - 29/3/2014, nhân viên Phòng kinh doanh DongABank chuyển 274 tỷ đồng cho nhân viên chi nhánh Hà Nội mua 13,4 triệu USD.

Mặc dù là người nhờ mua lượng ngoại tệ khủng khiếp như vậy nhưng đến nay Vũ “nhôm” chưa trả tiền cho ông Bình và cũng chưa làm rõ được Vũ “nhôm” mua ngoại tệ để làm gì? Mỗi lần nhờ ông Bình mua USD, Vũ “nhôm” đều đến phòng làm việc của ông Bình nhận tiền, chỉ một lần nhận tiền từ cấp dưới của ông Bình.

Một số bị can là lãnh đạo tại DongA Bank khai nhận tại thời điểm nghỉ việc ở DongA Bank thì kho quỹ của DongA Bank vẫn bị âm quỹ hơn 294 tỷ đồng là tiền dùng để mua 13,9 triệu USD.

Trong khi đó, Vũ “nhôm” khai từ 11/10/2012 - 20/8/2014 có 2 lần nhờ ông Bình mua hộ 3,2 triệu USD, 7 lần Vũ "nhôm" vay của ông Bình 10,2 triệu USD, tổng cộng 13,4 triệu USD và đến nay chưa trả ông Bình. Vũ cũng khai không biết nguồn tiền USD ông Bình lấy từ đâu, và dùng hơn 13 triệu USD này để sử dụng cá nhân nhưng không nhớ vào việc gì.

Theo CQĐT, không có căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự đối với Vũ “nhôm” về hành vi nên trên, nhưng "nhôm" Vũ phải có trách nhiệm trả ông Bình 13,4 triệu USD.

Trong kết luận điều tra, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng đã ra quyết định tách 3 vụ việc trong vụ nêu trên để tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định. Cụ thể:

Ra quyết định tách vụ việc trong vụ án hình sự số 13/C46-P10 ngày 2/4/2018 tách hành vi Trần Phương Bình chỉ đạo DongA Bank cho 3 tổ chức và 5 cá nhân vay 1.671,6 tỷ đồng và xuất quỹ chi hơn 77,78 tỷ đồng để sử dụng; hơn 1.508,3 tỷ đồng mua tài sản của nhóm Công ty CP vốn Thái Thịnh; thu khống hơn 1.072,84 tỷ đồng để trả nợ cho các khoản vay và mua 20,33% vốn góp tại Công ty TNHH xây dựng và phát triển đô thị Thái An.

Ra quyết định tách vụ việc trong vụ án hình sự số 11/C46-P10 ngày 2/4/2018 tách hành vi có dấu hiệu buông lỏng quản lý, không hoàn thành nhiệm vụ được giao của ông Phạm Văn Bự, ông Cao Sỹ Kiêm và bà Nguyễn Thị Cúc.

Ra quyết định tách vụ việc trong vụ án hình sự số 12/C46-P10 ngày 2/4/2018 tách hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định về cho vay liên quan đến 8 nhóm khách hàng theo Kết luận thanh tra số 20/KLTT-Cục II.2.m ngày 23/7/2015 của Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước.

Theo Ngọc Lê (Thanh Niên Online)