Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ vụ án Cố ý làm trái, vi phạm quy định trong cho vay xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DAB) sang VKSND Tối cao đề nghị truy tố ông Trần Phương Bình (nguyên Tổng giám đốc DAB) và 20 đồng phạm.
Cơ quan điều tra xác định sai phạm của ông Bình có liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) - người bị khởi tố về các tội Cố ý làm lộ bí mật nhà nước, Trốn thuế và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Mua cổ phần DAB bằng tiền của DAB
Tờ Tuổi Trẻ dẫn kết luận điều tra thể hiện trong hàng loạt sai phạm của ông Trần Phương Bình có việc ông này xuất quỹ sai nguyên tắc, chi 200 tỷ cho Phan Văn Anh Vũ - người sở hữu 92% cổ phần Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79 - để Vũ mua cổ phần của DAB.
Sự việc diễn ra 5 năm trước khi DAB làm ăn thua lỗ kéo dài, thiếu hụt lượng lớn tiền và vàng trong kho quỹ. Mong muốn có doanh nghiệp tiềm lực về tài chính, quan hệ đầu tư vào DAB, ông Bình đề ra chủ trương tăng vốn điều lệ DAB từ 5.000 tỷ lên 6.000 tỷ đồng.
Cuối năm 2013, ông Bình và Phan Văn Anh Vũ thống nhất việc Vũ sẽ mua 60 triệu cổ phần của DAB với giá 600 tỷ đồng. Nếu việc mua bán thành công, Vũ trở thành cổ đông lớn, nắm quyền chi phối hoạt động DAB.
Theo Thanh niên, Vũ thế chấp 220 lô đất tại TP Đà Nẵng lấy 400 tỷ đồng của DAB rồi dùng chính số tiền này mua cổ phần ngân hàng. Số tiền 200 tỷ đồng con thiếu, ông Bình chỉ đạo cấp dưới xuất quỹ chi cho Vũ. Sau đó, Vũ ký chứng từ nộp khống 200 tỷ đồng tại DAB.
Do việc tăng vốn điều lệ lên 6.000 tỷ đồng không thành, tháng 4/2014, ông Bình chỉ đạo DAB trả lại 600 tỷ đồng lại cho công ty của Vũ.
Lúc này, ông Trần Phương Bình và Vũ tiếp tục bàn bạc, đi đến thống nhất ông Bình sẽ bán cho công ty của Vũ 50 triệu cổ phần DAB từ 4 cổ đông hiện hữu là 4 công ty sân sau của ông Bình với giá 500 tỷ.
Trong số 500 tỷ có 200 tỷ được thu khống nên ông Bình đề nghị Vũ hoàn trả. Phan Văn Anh Vũ đề nghị ông Bình chờ đến lúc ông ta bán đất ở Đà Nẵng để trả tiền nhưng đến nay chưa thực hiện.
Tháng 8/2015, trước khi DAB bị kiểm soát đặc biệt, Vũ còn mua hơn 13 triệu cổ phần DAB từ công ty sân sau của ông Bình với giá hơn 136 tỷ đồng. Tuy nhiên, Vũ mới thanh toán 46 tỷ.
Kết luận điều tra xác định ông Bình đã gây thiệt hại cho DAB 200 tỷ đồng, đến nay chưa khắc phục, còn Phan Văn Anh Vũ là đồng phạm.
Vũ 'nhôm' thay đổi lời khai
"Cuối năm 2013 có thỏa thuận với ông Bình hợp tác đầu tư 60 triệu cổ phần DAB nếu lỗ thì ông Bình chịu, còn lời thì tính toán sau", Thanh Niên đưa tin và cho biết đến nay Vũ đã thay đổi lời khai, không thừa nhận việc hợp tác với ông Bình để mua cổ phần của DAB.
Phan Văn Anh Vũ khai mình đứng tên mua cổ phần giúp ông Trần Phương Bình và thực hiện ký nhận các loại giấy tờ cũng theo chỉ đạo của nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á.
Tờ Tuổi Trẻ cũng đưa, lời khai sau đó của Vũ không thừa nhận đã bàn bạc hợp tác đầu tư với ông Bình để mua cổ phần DAB.
Phan Văn Anh Vũ khai mua cổ phần DAB cho ông Bình. Việc anh ta ký khống chứng từ và chi 500 tỷ mua cổ phần theo chỉ đạo của nguyên Tổng giám đốc DAB.
Cơ quan điều tra cho rằng Phan Văn Anh Vũ nhận thức rõ ông Trần Phương Bình chỉ là một cổ đông được giao nhiệm vụ điều hành DAB. Việc Vũ ký chứng từ khống nộp tiền tại ngân hàng là vi phạm pháp luật, nhưng vì động cơ vụ lợi nên Vũ vẫn thực hiện.
Cơ quan điều tra cho rằng hành vi của Vũ đã gây thiệt hại cho DAB 200 tỷ đồng, hành vi này có dấu hiệu của tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với vai trò đồng phạm của Trần Phương Bình. Do đó Vũ phải có trách nhiệm hoàn trả 200 tỷ đồng cho DAB.
Do thời hạn điều tra đã hết nên cơ quan chức năng sẽ điều tra làm rõ và xử lý Phan Văn Anh Vũ sau.
Vũ 'nhôm' nhận 13,4 triệu USD từ Trần Phương Bình
Theo Tuổi Trẻ, quá trình điều tra vụ án, cơ quan điều tra đã thu giữ 5 tờ giấy viết tay của ông Đỗ Thanh Hùng (nguyên thủ quỹ Hội sở DAB) ghi chép lại những khoản chi sai nguyên tắc số tiền hơn 290 tỷ đồng để mua đô la Mỹ cho ông Trần Phương Bình.
Xác minh tại DAB cho thấy nhân viên phòng kinh doanh chi nhánh Hà Nội đã mua hơn 13,4 triệu USD nhưng chỉ nhập quỹ gần 3,4 triệu USD. Đến nay, các nhân viên của ông Bình không nhớ được khoản tiền để ngoài sổ sách này được sử dụng vào việc gì.
Theo lời khai của ông Bình, trong thời gian từ giữa tháng 10/2012 đến giữa tháng 3/2015 ông đã chỉ đạo cấp dưới xuất chi 12 khoản tiền để mua 13,9 triệu USD. Trong đó, ông Bình mua giúp Vũ “nhôm” 13,4 triệu USD, tương đương 284 tỷ đồng. Số tiền 0,5 triệu USD còn lại, ông Bình khai chi cho việc tìm kiếm đối tác.
Phan Văn Anh Vũ cũng thừa nhận 2 lần nhờ ông Trần Phương Bình mua giúp 3,2 triệu USD. Ngoài ra, ông Vũ còn 7 lần vay của ông Bình tổng cộng 10,2 triệu USD. Đến nay, Phan Văn Anh Vũ chưa trả lại cho ông Bình.
Toàn bộ số ngoại tệ Vũ “nhôm” khai đã sử dụng vào việc cá nhân nhưng chưa nhớ mục đích cụ thể.
Cơ quan điều tra cho rằng Phan Văn Anh Vũ là người đã nhận số tiền 13,4 triệu USD từ ông Bình và không biết ông Bình sử dụng nguồn tiền nào để mua số đô la Mỹ này nên không có căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự đối với Vũ. Tuy nhiên, ông Vũ phải có trách nhiệm hoàn trả số ngoại tệ đã nhận cho ông Bình.
Cuối tháng 12/2017, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố bị can, khám xét nhà riêng của ông Nguyễn Phan Anh Vũ ở Đà Nẵng để điều tra về tội Cố ý làm lộ tài liệu bí mật Nhà nước. Xác định Vũ không có mặt tại nơi cư trú, Bộ Công an đã ra quyết định truy nã.
Ngày 2/1, Cơ quan Xuất nhập cảnh và Cửa khẩu Singapore (ICA) cho biết đang tạm giữ người có tên Phan Van Anh Vu từ ngày 28/12/2017 vì vi phạm Luật di trú. Hai hôm sau, chuyến bay Vietnam Airlines từ Singapore về Hà Nội chở ông Vũ đã hạ cánh tại sân bay quốc tế Nội Bài.
Quá trình điều tra vụ án Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước và Trốn thuế, ngày 7/2, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, tạm giam 4 tháng đối với Vũ để điều tra, làm rõ hành vi vi phạm pháp luật của Vũ và các cá nhân, tổ chức có liên quan trong việc mua, bán các nhà, đất công sản tại địa bàn TP Đà Nẵng và một số địa phương khác.
Theo Tùng Lâm (Tri Thức Trực Tuyến)