Vào đầu giờ phiên phúc thẩm chiều 23/10, công an bất ngờ còng tay bị cáo Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường, đưa ra khỏi phòng xử án, trước khi tống đạt lệnh bắt tạm giam 2 bị cáo 90 ngày. Sự việc trên khiến chính bị cáo, luật sư và cả những người đến dự phiên xử không khỏi bất ngờ. Thậm chí bị cáo Hùng đã choáng váng đến ngất, phải nhờ y tá hỗ trợ, kiểm tra sức khỏe.
Trong khi vị chủ tọa phiên tòa chỉ thông báo lý do thay đổi biện pháp ngăn chặn với 2 bị cáo một cách ngắn gọn là để phục vụ việc xét xử, nhiều người vẫn chưa thực sự hiểu vì sao ông Hùng và Cường bị bắt tạm giam đột ngột như vậy.
Đảm bảo việc điều tra, xét xử
Chia sẻ về vấn đề này, luật sư Trần Thu Nam (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng: “Đây là điều hết sức bình thường, thuộc phạm vi quyền hạn của Tòa án cấp phúc thẩm. Thậm chí, Tòa còn có thể ra lệnh khởi tố bị cáo tại phiên tòa nếu cảm thấy cần thiết. Điều này để đảm bảo cho việc điều tra, xét xử và thi hành án. Việc ra lệnh bắt tạm giam có khi là cần thiết vì nếu có hủy án để điều tra lại thì việc tại ngoại của các bị cáo có thể dẫn đến sự thông cung hoặc tác động đến nhân chứng, ảnh hưởng đến quá trình xét xử vụ án”.
Khoản 1 Điều 243 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 về việc Tòa án cấp phúc thẩm áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn quy định:
“Sau khi nhận hồ sơ vụ án, Tòa án cấp phúc thẩm có quyền quyết định việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn. Việc áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp tạm giam do Chánh án, Phó chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh, Toà án quân sự cấp quân khu, Thẩm phán giữ chức vụ Chánh toà, Phó chánh toà Toà phúc thẩm, Toà án nhân dân tối cao (hiện nay theo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 là Chánh án, Phó chánh án Tòa án nhân dân cấp cao) quyết định. Thời hạn tạm giam không được quá thời hạn xét xử phúc thẩm quy định tại Điều 242 của BLTTHS”.
Trong phần tranh luận chiều 20/10, đại diện VKS cho rằng còn quá nhiều khuất tất trong vụ án và phải tuyên huỷ án sơ thẩm để điều tra lại vì còn nhiều tình tiết chưa sáng tỏ |
Theo Điều 242 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003, thời hạn xét xử phúc thẩm là trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án.
Đồng quan điểm với vị luật sư đồng nghiệp, nhưng luật sư Trần Bá Học (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định việc này thường xảy ra sau khi tuyên án HĐXX tuyên án.
Phải có người chứng kiến
Xét về quy trình, căn cứ theo quy định tại các Điều 79, 80 và 88 và các quy định khác của Bộ luật Tố tụng Hình sự về tạm giam, khi xét thấy để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ bị can, bị cáo sẽ gây khó khăn cho việc xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội, cũng như khi cần bảo đảm thi hành án, thì Chánh án, Phó chánh án Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp, Hội đồng xét xử có quyền ra quyết định (lệnh) tạm giam hoặc ra quyết định (lệnh) bắt bị can, bị cáo để tạm giam.
Đồng thời, theo Khoản 2 Điều 80 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003, về bắt bị can, bị cáo để tạm giam quy định:
"Người thi hành lệnh phải đọc lệnh, giải thích lệnh, quyền và nghĩa vụ của người bị bắt và phải lập biên bản về việc bắt. Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó cư trú phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người láng giềng của người bị bắt chứng kiến.
"Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó làm việc, phải có đại diện cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi khác phải có sự chứng kiến của đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi tiến hành bắt người.”
Tuy nhiên, luật sư Trần Đình Dũng (Trung tâm Tư vấn pháp luật TP.HCM - Trung ương Hội Luật gia Việt Nam) phân tích: "Pháp luật quy định bị cáo tại ngoại bị tòa án bắt trong hai trường hợp tương ứng với hai lý do. Thứ nhất là tạm giam để đảm bảo bị cáo có mặt khi xét xử. Thứ hai là bắt để đảm bảo thi hành án".
Luật sư Dũng nhận xét trong trường hợp thứ nhất, Tòa án xét thấy bị cáo sẽ không đảm bảo có mặt trong thời gian xét xử với các lý do không chính đáng hoặc có dấu hiệu bỏ trốn, khi đó tòa sẽ ra quyết định tạm giam để buộc bị cáo có mặt tại phiên tòa. Quyết định tạm giam tòa án sẽ thực hiện trước ngày đưa vụ án ra xét xử. Trường hợp này diễn ra rất nhiều trong thực tế, bởi bị cáo tại ngoại không có mặt khi tòa triệu tập.
Trường hợp thứ hai, bắt bị cáo để đảm bảo thi hành án diễn ra tại phiên tòa hoặc sau phiên tòa. Nếu bắt tại phiên tòa thì bắt ở thời điểm vừa tuyên án phúc thẩm (án có hiệu lực ngay) xong, Tòa sẽ đọc luôn quyết định bắt bị cáo lúc đó đã có án trở thành phạm nhân.
"Như vậy, ngoài hai trường hợp trên, tôi cho rằng Tòa án không cần thiết áp dụng biện pháp tạm giam đối với hai bị cáo này trong thời gian diễn ra phiên tòa, nếu hai bị cáo nói trên vẫn đảm bảo sự có mặt trong những ngày xét xử. Đồng thời, hai bị cáo Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường vẫn đang bị cấm đi khỏi nơi cư trú sau khi được tại ngoại cách đây vài tháng", vị luật sư kết luận.
Phiên phúc thẩm vụ án VN Pharma dự kiến diễn ra trong 2 ngày (19 và 20/10) nay đã kéo dài đến ngày thứ 4 và chưa có dấu hiệu kết thúc. Ngày 23/10, sau khi áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với Nguyễn Minh Hùng, Võ Mạnh Cường và truy ra đường đi của 7,5 tỷ đồng là tiền "hoa hồng" chi cho bác sĩ, HĐXX đã quyết định triệu tập đại diện Bộ Công thương, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) và Bộ Ngoại giao đến tòa để làm rõ nhiều vấn đề.
HĐXX yêu cầu làm rõ vì sao dòng tiền của VN Pharma di chuyển vòng vèo ra nước ngoài trước khi quay lại Việt Nam. |
Theo Nhóm Phóng Viên (Tri Thức Trực Tuyến)