Gương mặt lộ vẻ mệt mỏi, sáng 24/10, Nguyễn Minh Hùng (cựu Chủ tịch VN Pharma) và Võ Mạnh Cường (Giám đốc Công ty thương mại hàng hải quốc tế H&C) được dẫn giải đến TAND Cấp cao tại TP HCM.
HĐXX cho biết đã triệu tập các cán bộ Cục quản lý Dược, đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế và Bộ Công thương. Họ sẽ phải trả lời về các vấn đề liên quan vụ VN Pharma nhập thuốc trị ung thư H-Capita không rõ nguồn gốc.
Tuy nhiên, các cá nhân liên quan, thuộc Cục quản lý Dược, không có mặt tại tòa.
Trả lời HĐXX, đại diện Bộ Y tế - ông Đỗ Trung Hưng (Vụ phó vụ pháp chế) - lặp lại quan điểm như các lần trước (người khác là đại diện), rằng "Bộ sẽ trả lời bằng văn bản".
Không chấp nhận lý do này, song giọng chủ tọa ôn tồn: "Các cá nhân liên quan đến kháng nghị của VKS, cần phải có mặt tại tòa".
Công ty Helix Canada được Bộ Y tế cấp phép hoạt động
Gần trưa, ngoài ông Hưng, một số cán bộ Cục quản lý Dược đã có mặt tại tòa. Trả lời HĐXX, Vụ phó vụ pháp chế Bộ Y tế xác nhận: "Qua tra cứu và nghiên cứu hồ sơ được biết Bộ Y tế có cấp phép cho Công ty Helix Canada". Ông Hưng cũng đọc nhiều căn cứ pháp luật mà Bộ Y tế dựa vào đó cấp phép cho một doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.
"Ông nghĩ gì khi Bộ Ngoại giao trả lời cơ quan điều tra 'công ty này không có đăng ký kinh doanh, hoạt động'?", chủ tọa hỏi.
"Trong thành phần hồ sơ xin cấp phép của công ty Canada, Bộ Y tế thấy có giấy đăng ký kinh doanh được hợp pháp hóa lãnh sự", ông Hưng đáp.
"Việc xác định tính hợp pháp của hồ sơ xin cấp phép này có phải là bắt buộc không?", tòa tiếp tục hỏi. Ông Hưng trả lời "bắt buộc phải xác minh" nhưng xác minh thế nào thì ông không rõ, mà do bà Phạm Thị Vân Hạnh (Phó trưởng phòng quản lý Dược, Cục quản lý Dược) phụ trách.
Trình bày với HĐXX, bà Hạnh cho biết: "Điều kiện trình tự thủ tục cấp phép cho doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam thì việc xác minh, truy xuất nguồn gốc của doanh nghiệp đó là quy định bắt buộc". Tuy nhiên, khi tòa chất vấn "Cục đã làm việc này chưa?" thì bà Hạnh nói: "Chỉ xem xét trên giấy tờ".
"Như vậy là người ta cung cấp gì thì mình biết cái đó à?", tòa hỏi. Bà Hạnh cho rằng, khi thực hiện việc cấp phép đã "làm theo quy trình" và đơn giản hóa thủ tục hành chính.
"Bà cho là đúng quy trình nhưng lại không xác minh?", chủ tọa hỏi tiếp. Phó phòng quản lý Dược khẳng định lại "những giấy tờ doanh nghiệp cung cấp có hợp pháp hóa lãnh sự và chứng thực".
Liên quan đến việc cấp phép này, hồ sơ vụ án thể hiện, sau khi Hùng đặt mua thuốc H-Capita 500mg (trị ung thư), Cường liên hệ Raymundo (thương gia ở Philippines, đại diện Công ty Helix Canada) đặt hàng. Tuy nhiên, quá trình điều tra các sai phạm, cơ quan điều tra xác định Helix Canada là công ty "ma", nhân vật Raymundo không có lai lịch rõ ràng.
Trả lời thẩm vấn tại tòa, Cường và luật sư nhiều lần khẳng định Công ty Helix Canada được Bộ Y tế cấp phép, có hoạt động tại Việt Nam. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến căn cứ buộc tội Cường.
VKS đề nghị tòa triệu tập Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường
Cuối buổi làm việc, VKS cho biết, tòa đã triệu tập rất nhiều người thuộc Bộ Y tế đến tòa để thẩm vấn. Tuy nhiên, hai người liên quan trực tiếp việc cấp phép cho VN Pharma nhập thuốc H-Capita lại vắng mặt.
"Ông Trương Quốc Cường - Thứ Trưởng Bộ Y tế; ông Nguyễn Tấn Đạt - phó Cục trưởng Cục quản lý Dược, là những người quan trọng. Dù tòa đã có văn bản triệu tập nhưng không đến, đề nghị HĐXX có biện pháp nhắc nhở", đại diện VKS nói.
Trong khi đó, trả lời tòa về quy trình cấp phép cho lô thuốc H-Capita, Vụ phó vụ pháp chế Bộ Y tế Đỗ Trung Hưng cho biết, khi tiếp nhận hồ sơ phòng nghiệp vụ sẽ chuyển cho phòng kinh doanh Cục quản lý Dược.
Tiếp đó hồ sơ đến tổ thẩm định gồm thư ký và tổ chuyên môn. Tổ này thẩm định tính pháp lý, rồi làm công văn gửi lên Bộ hoàn thiện hồ sơ, cuối cùng là chuyển lên xin ý kiến chuyên gia. Từ đó Cục quản lý Dược quyết định.
"Với thuốc H-Capita thì có được cấp phép nhập khẩu không?", chủ tọa hỏi. Ông Hưng đáp: "Theo hồ sơ thì H-Capita đã thực hiện đúng quy trình". Nghe ông Hưng nói, chủ tọa bày tỏ "rất tiếc" vì ông Nguyễn Tấn Đạt là tổ trưởng tổ thẩm định, song tòa triệu tập không được.
"Vậy việc cấp phép cho VN Pharma có đúng quy trình hay chưa, khi chỉ có 7/10 chuyên gia đồng ý ký vào hồ sơ thẩm định, 3 người còn lại không ký tên và cũng không ý kiến", VKS hỏi ông Hưng.
Ông Hưng khẳng định "đúng" vì không nhất thiết tất cả các chuyên gia thẩm định đồng ý mới được cấp phép.
Nhân viên VN Pharma xóa file dữ liệu, cản trở điều tra
Trước khi thẩm vấn đại diện các Bộ, VKS hỏi bị cáo Bùi Ngọc Duy (Trưởng phòng nghiên cứu và phát triển VN Pharma) về con dấu của Công ty Helix được cảnh sát tìm thấy tại VN Pharma - nghi bị làm giả.
Trả lời HĐXX về lý do chỉ đạo nhân viên xóa hết các file tài liệu liên quan việc nhập thuốc của VN Pharma, Duy cho biết khi dọn về phòng làm việc mới đã yêu cầu các phòng ban "dọn dẹp giấy tờ", những gì không dùng nữa thì bỏ đi. "Trong đó có rất nhiều file, bị cáo không nhớ hết", Duy nói.
VKS công bố lời khai của Phạm Thị Hồng Hạnh (nhân viên VN Pharma): "Sau khi công ty bị khám xét, Bùi Ngọc Duy đã chỉ đạo nhân viên phòng nghiên cứu phát triển xóa các file liên quan đến công ty Helix".
Duy giải thích: "Bị cáo không chỉ đạo từng người mà chỉ đạo chung". Về việc đem vứt con dấu của Công ty Helix, Duy cho là "nghĩ con dấu này không còn sử dụng vì để lâu quá rồi" và nói thêm: "Lúc đó không hề biết anh Hùng đã bị khởi tố, không biết những con dấu, tài liệu này liên quan đến vụ án".
"Hành vi của bị cáo đã cản trở, gây khó khăn cho cơ quan điều tra", VKS nói.
Bác sĩ kê đơn thuốc của VN Pharma được chi hoa hồng
Là người kế tiếp bước lên vành móng ngựa, Ngô Anh Quốc (phó Giám đốc phụ trách tài chính của VN Pharma) và cựu Chủ tịch VN Pharma Nguyễn Minh Hùng bị thẩm vấn về số tiền 7,5 tỷ đồng - được cho là chi hoa hồng cho bác sĩ.
Hai bị cáo đều khẳng định đây là tiền chi cho nhân viên bán hàng, song họ im lặng khi VKS công bố lời khai của Trần Lê Hồng Sơn (nhân viên VN Pharma): "Trên tờ đề nghị thanh toán được chia thành hai cột. Một bên là ghi tên thuốc, một bên là ghi việc chi phần trăm cho bác sĩ. Con số 7,5 tỷ đồng là chi cho bác sĩ. Căn cứ để đưa ra con số đó là dựa trên kinh nghiệm của nhân viên bán hàng đề xuất".
Thời điểm này, Phan Xuân Thiện (Phó tổng giám đốc VN Pharma) là người ký duyệt lệnh chi 7,5 tỷ đồng.
Chiều qua, HĐXX thay đổi biện pháp ngăn chặn, bắt giam Hùng và Cường ngay trong phòng lưu phạm, để phục vụ điều tra xét xử. Hai bị cáo từng bị tạm giam từ 19/9/2014 đến tháng 3 năm nay thì được tại ngoại.
Thảng thốt trước quyết định của tòa, Hùng ngã quỵ khiến HĐXX phải huy động nhân viên y tế.
Trả lời thẩm vấn của VKS, Hùng thừa nhận số tiền 7,5 tỷ đồng là chi cho trình dược viên để tiếp thị thuốc. Các trình dược viên sẽ chi tiền hoa hồng cho bác sĩ tại các bệnh viện để kê thuốc của VN Pharma. Tuy nhiên, cựu Chủ tịch VN Pharma cho rằng "đó là quyền của trình dược viên" chứ ông ta không biết.
Trước đó, nêu quan điểm về vụ án, VKS cho rằng còn nhiều tình tiết mâu thuẫn, chưa được điều tra làm rõ... Trong đó, Viện xác định, Công ty Austin Hong Kong (bán thuốc cho VN Pharma) đã hết hạn giấy phép hoạt động. Cục quản lý Dược (Bộ Y tế) là đơn vị cấp phép nhưng lại tham gia giám định lô hàng mình cấp phép là chưa đảm bảo tính khách quan.
Cấp sơ thẩm chưa làm rõ trách nhiệm của các cá nhân thuộc Cục quản lý Dược liên quan việc thẩm định hồ sơ và cấp phép nhập khẩu lô thuốc H-Capita 500mg.
"Chính việc làm tắc trách của Cục quản lý Dược đã tạo điều kiện thuận lợi cho các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội", VKS nêu quan điểm và cho rằng cần điều tra làm rõ hành vi thiếu trách nhiệm của tổ thẩm định và lãnh đạo Cục quản lý Dược.
Theo cáo buộc, sau khi Hùng đặt mua thuốc H-Capita 500mg (trị ung thư), Cường liên hệ Raymundo (thương gia ở Philippines, đại diện Công ty Helix Canada) đặt hàng. Để được Cục quản lý Dược cấp phép nhập lô hàng, Hùng chỉ đạo cấp dưới thuê người viết hồ sơ kỹ thuật thuốc, làm giả hợp đồng và chứng từ thanh toán. Sau khi nhập, Cục quản lý Dược phát hiện lô thuốc không đạt chất lượng, kết luận thuốc chứa 97% hoạt chất capecitabine - không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, "không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người". Bộ Y tế thanh tra VN Pharma niêm phong toàn bộ lô hàng. Cơ quan điều tra xác định Helix Canada là công ty "ma", nhân vật Raymundo không có lai lịch rõ ràng. Xử sơ thẩm hồi tháng 8, TAND TP HCM tuyên phạt Hùng, Cường mức án 12 năm tù về tội Buôn lậu; 7 bị cáo khác nhận từ 2 năm tù (cho hưởng án treo) tới 5 năm tù về tội Buôn lậu hoặc Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức. Các bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và kêu oan. Còn VKS kháng nghị hủy án điều tra xét xử lại. |
Theo Hải Duyên (VnExpress.net)