Bà Lê Thuỳ, Trưởng phòng pháp chế, công ty Tuần Châu Hà Nội (Tuần Châu) cho biết: Trong phiên toà ngày 20/3, TAND TP Hà Nội tuyên tác phẩm "Ngày xưa" thuộc quyền sở hữu của Tuần Châu.
Tuy nhiên toà cũng tuyên, "Tinh hoa Bắc Bộ" là phái sinh của tác phẩm "Ngày xưa". Dù vậy, Tòa không cho triệu tập tác giả vở "Tinh hoa Bắc Bộ" là đạo diễn Hoàng Nhật Nam đến toà với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Bên cạnh đó, kết luận về vở "Tinh hoa Bắc Bộ" cũng không thuộc phạm vi của phiên toà này. Nó đã ảnh hưởng đến danh dự và quyền lợi của Tuần Châu khi mà "Tinh hoa Bắc Bộ" đã được Cục Bản quyền tác giả chứng nhận quyền tác giả như một tác phẩm độc lập.
"Chúng tôi cảm thấy khó hiểu và không thoả đáng, vì vậy Tuần Châu đã gửi đơn kháng án với mong muốn đi tìm sự minh bạch và công bằng ở phiên toà phúc thẩm. Khi nào nhận được bản án, chúng tôi sẽ đi vào kháng cáo chi tiết những phần ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Tuần Châu", bà Thùy cho hay.
Trước đó, trình bày tại phiên tòa xử vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ giữa Tuần Châu và công ty CP đầu tư tổng hợp truyền thông DS, đại diện phía Tuần Châu cho rằng, với phản tố của Việt Tú yêu cầu Tòa tuyên bố "Tinh hoa Bắc Bộ" là tác phẩm phái sinh của "Ngày xưa" đã được thụ lý bằng một vụ án khác nên giải quyết trong vụ án này không hợp lý.
Nhưng TAND TP Hà Nội cho rằng: Yêu cầu phản tố của bị đơn có liên quan đến yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, nên theo quy định của bộ luật Tố tụng dân sự, yêu cầu này được giải quyết trong cùng một vụ án là phù hợp, và như vậy vụ án mới được giải quyết triệt để.
Sau bản án, đạo diễn Hoàng Nhật Nam đã có thư tay gửi đến tòa Hà Nội nêu: "Tôi quá uất ức, vì quyền tác giả của tôi bị xâm phạm khi phán quyết của tòa về tác phẩm của mình mà mình không có mặt. Tôi nghĩ rằng, ở góc độ công dân và một nghệ sĩ mà lại không được pháp luật bảo vệ".
Theo luật sư Vũ Ngọc Chi, tại đoạn thứ 2 của khoản 4, điều 68 bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định: “Trường hợp việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”.
Sẽ còn những tranh chấp kéo dài?
Luật sư Lê Quang Vinh nhìn nhận những vụ việc tranh chấp thời gian gần đây không chỉ dừng lại là câu chuyện hợp đồng giữa các bên mà còn là câu chuyện của của nhà lập pháp.
Theo ông Vinh, đối với hợp đồng mua bán hàng hóa thông thường, mọi thứ xem ra khá rõ ràng, vì bên mua nhận hàng và trở thành chủ sở hữu, trong khi bên bán nhận tiền và chấm dứt tư cách quyền chủ sở hữu.
Nhưng với hợp đồng có đối tượng là sở hữu trí tuệ lại phức tạp hơn nhiều vì đối tượng của hợp đồng dạng này không phải là một món hàng hóa cụ thể mà là một quyền tài sản - một thứ khá vô hình và trừu tượng.
Nói là bán, chuyển giao sở hữu quyền sở hữu trí tuệ, nhưng thực chất, người bán lại chưa chấm dứt hết quyền của họ đối với quyền tài sản đem bán.
Pháp luật quy định như vậy sẽ phát sinh một vấn đề hết sức trớ trêu và phức tạp ở chỗ, vào bất kỳ thời điểm nào, một tác giả hoặc người thừa kế của họ cũng có thể khởi kiện vì lý do xâm phạm quyền nhân thân, ngay cả khi tác giả đã bán sạch toàn bộ quyền tài sản.
Điều này dẫn đến nghịch lý là - chủ sở hữu thực sự của tác phẩm không thể thoải mái định đoạt với chính tài sản mình đi mua, chừng nào bị xem là cắt xén, sữa chữa tài sản đó (tác phẩm), gây tổn hại cho uy tín danh dự tác giả.
Đặc biệt là các dạng tác phẩm chung như chương trình phần mềm, tác phẩm điện ảnh có đến cả vài chục hoặc hàng trăm tác giả tham gia vào các công đoạn khác nhau. Đó là một mâu thuẫn nội tại phát sinh ngay trong chính cơ chế bảo hộ quyền tác giả ở Việt Nam mà được dự đoán sẽ làm đau đầu cơ quan lập pháp và hệ thống xét xử.
Vẫn theo luật sư, luật Sở hữu trí tuệ 2005 định nghĩa về tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn.
Như vậy, một tác phẩm phái sinh vẫn có thể được bảo hộ như một tác phẩm độc lập, miễn là nó được sáng tạo ra và không được xâm phạm quyền tác giả gốc.
Cần phải hiểu rằng, quyền làm tác phẩm phái sinh là một trong các quyền tài sản. Vậy nếu có tranh chấp xảy ra, cần phải xác định nó thuộc về ai. Tòa án phải xác định phiên bản A’ (tức tác phẩm mới) nằm trong quyền nào, quyền làm bản sao hay quyền làm tác phẩm phái sinh, hay quyền nhân thân? Đó là mấu chốt để tòa án giải quyết thấu đáo vụ việc.
Trên thực tế, việc xác định phiên bản A’ thuộc quyền nào sẽ rất phức tạp, dẫn đến nhiều tranh chấp kéo dài và bế tắc tìm cách giải quyết.
"Cá nhân tôi cho rằng, đã đến lúc chúng ta phải sửa đổi pháp luật về bản quyền tác giả. Vì Công ước Berne không có quy định ngăn tác giả tự nguyện tuyên bố miễn thực hiện quyền nhân thân đối với mình...
Nên chăng Việt Nam cũng nghiên cứu cách tiếp cận này, để giúp tránh xung đột giữa tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả", luật sư Vinh nêu.
Theo T.Nhung (VietNamNet)