“Nguyện vọng của gia đình tôi là kẻ gây tội ác phải trả giá chứ không thể lấy lý do già cả, bệnh tật mà nhởn nhơ bên ngoài”, bố nạn nhân tâm sự.
Là người trực tiếp liên quan đến quyền lợi và là bố của cháu Bùi Ngọc Nga (SN 2012), anh Thế (SN 1987, quê Lào Cai) cay đắng kể lại cuộc hành trình khổ cực đi gõ cửa cơ quan chức năng để làm sáng tỏ sự việc.
“Vợ chồng tôi bỏ cả công việc để tìm các bằng chứng tố cáo tội của ông Vĩnh. Lúc đầu, chúng tôi không muốn đưa vụ việc lên báo đài. Bởi nhỡ sau này, cháu vô tình đọc lại những bài báo đó, cháu sẽ nghĩ lại ký ức. Nhưng chúng tôi đành phải nhờ báo chí vào cuộc để sự việc sớm được sáng tỏ.
Dù ông Vĩnh đã cao tuổi và là hàng xóm nhà mẹ vợ tôi, thế nhưng gia đình mong muốn tòa phải đưa ra hình phạt xác đáng để con tôi không bị oan ức”, anh Thế chia sẻ.
Anh Thế (bố nạn nhân) cho rằng mức án dành cho bị cáo là quá rẻ, chưa đủ tính răn đe. Ảnh: PV |
Anh Thế cho biết hiện vợ chồng anh và 2 con đã thuê trọ ở Hà Nội, anh cũng hạn chế cho con về thăm ông bà ngoại, trừ khi có việc gì đó cần thiết vì lo sợ về lại nơi xảy ra sự việc, cháu bé lại bị tổn thương tinh thần.
“Thời điểm xảy ra sự việc cháu mới hơn 3 tuổi, nếu là người lớn hơn, nhận thức được thì không biết sẽ thế nào. Tôi không quan tâm đến bồi thường, điều quan trọng là kẻ gây ra vụ việc phải trả giá cho tội lỗi của mình”, cha nạn nhân nói.
Bà Lan (53 tuổi, bà ngoại nạn nhân) tâm sự, kể từ khi xảy ra sự việc, cuộc sống gia đình các con, cháu gia đình bà bị đảo lộn.
“Cháu tôi ít được bố mẹ nó đưa về thăm quê, trừ khi gia đình có công việc quan trọng. Mỗi lần về, cháu vẫn ra ngoài ngõ chơi nhưng cứ thấy người nhà của ông ấy nó lại khóc rưng rức chạy về nhà”, bà Lan cho hay.
Nghĩ lại những tháng ngày mới xảy ra sự việc, bà Lan chưa bao giờ nghĩ phía gia đình bị cáo lại tệ bạc đến mức không thèm thăm hỏi, xin lỗi mà còn quay lại thách thức.
“Việc xảy ra, chúng tôi có qua nhà họ nói chuyện cho ra lẽ nhưng không nhận được sự hợp tác. Thậm chí, họ còn thách thức và bảo cứ để pháp luật can thiệp.
Bức xúc hơn khi cơ quan công an đã xác định rõ hành vi phạm tôi của đối tượng nhưng không bắt giam. Cứ mỗi lần công an triệu tập thì ông ấy lại đi bệnh viện chữa bệnh. Tôi có đầy đủ clip hình ảnh ghi nhận sự nhởn nhơ, đi lại một cách rất ngang nhiên ở làng xóm…”, bà ngoại nạn nhân kể.
Tại phiên tòa, người thân phải ngồi bên cạnh cho bị cáo tựa vào. |
Gia đình nạn nhân Nga cho biết, việc HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Danh Vĩnh 8 năm tù giam và bồi thường tổng cộng 33 triệu đồng (bao gồm tiền chi phí khám chữa bệnh cho cháu Nga, đền bù tổn thất tinh thần và tổn hại về kinh tế trong quá trình gia đình bé gái theo đuổi sự việc) là chưa công bằng.
“Dù có là người cao tuổi nhưng cũng nên phải xét xử theo đúng khung hình phạt đối với tội danh mắc phải. Tôi sẽ kháng cáo lại để đòi lại quyền lợi chính đáng cho con tôi”, anh Thế khẳng định.
Trong ngày 7/9, thông tin đến Báo Gia đình & Xã hội, cả bà Lan và anh Thế thắc mắc: “Vì sao sau khi kết thúc phiên tòa xét xử với bản án đã tuyên, ông Vĩnh vẫn được con cháu đưa về nhà và sinh hoạt bình thường?”.
Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Nguyễn Anh Thơm, luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Danh Vĩnh cho biết: Do tuổi đã cao nên ngay từ thời điểm khởi tố bị can ông Vĩnh đã không bị tạm giam mà được cơ quan tố tụng áp dụng biện pháp ngăn chặn, cho tại ngoại.
“Do vậy, ông Vĩnh vẫn được tại ngoại đến khi bản án có hiệu lực. Đó là chưa kể đến việc nếu cơ quan chuyên môn có kết luận ông Vĩnh đang mang trọng bệnh, sức khỏe yếu, không đủ điều kiện thi hành án sẽ được tạm hoãn”, Luật sư Thơm nhấn mạnh.
Con trai bị cáo Nguyễn Danh Vĩnh cõng bố rời khỏi phòng xét xử ra xe ô tô về nhà. |
Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Văn Tú, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích cho bị hại trong vụ án trên cho biết: Theo quy định, sau khi có bản án sơ thẩm, các đương sự có 15 ngày kháng cáo để mở phiên tòa phúc thẩm. Phải đến khi tòa phúc thẩm tuyên bản án và bản án ấy có hiệu lực thì cơ quan thi hành án mới áp dụng.
Nói thêm về bản án sau phiên tòa sơ thẩm, Luật sư Tú chia sẻ: “Tôi cho rằng việc tuyên phạt bị cáo Nguyễn Danh Vĩnh 8 năm tù giam là quá nhẹ không đủ răn đe, nghiêm minh với bối cảnh hiện nay. Tại phiên tòa, tôi đã đề nghị VKS không để hình phạt dưới mức tối thiểu (chiếu theo Khoản 4, Điều 112 - Tội hiếp dâm trẻ em, Nguyễn Danh Vĩnh sẽ bị phạt tù từ 12 đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình)”.
Vị luật sư cũng cho biết, thiệt hại tinh thần đối với cháu bé là vô cùng lớn. Bằng chứng, hàng ngày ông Vĩnh vẫn nhởn nhơ, không bị tạm giam khiến gia đình cùng cháu bé không có cuộc sống bình yên. Bố mẹ bé vất vả chuyển trường, lo chữa trị… cho bé đó là những thiệt hại thực tế vô cùng lớn. Do vậy việc tòa yêu cầu bị cáo chỉ phải bồi thường 33 triệu đồng là chưa tương xứng.
Luật sư Tú mong rằng, tại phiên tòa phúc thẩm tới đây, HĐXX sẽ đưa ra phán quyết nghiêm minh, xử lý đúng người, đúng tội và làm bài học răn đe cho xã hội.
* Tên gia đình bị hại đã được thay đổi.
Theo Nhật Tân (Giadinh.net.vn)