Video: Cưỡng chế phần xây trái phép căn biệt thự nhà ông Nguyễn Thanh Hóa
Như đã đưa tin ngày 11.3, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam 4 tháng và khám xét nhà riêng đối với ông Nguyễn Thanh Hóa, nguyên Thiếu tướng, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) thuộc Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an về hành vi tổ chức đánh bạc.
Cùng ngày, Chủ tịch nước đã ký quyết định tước danh hiệu Công an nhân dân đối với ông Nguyễn Thanh Hóa.
Ông Nguyễn Thanh Hóa (60 tuổi, quê Bình Định, hiện ngụ Q.Đống Đa, TP.Hà Nội) bị khởi tố, bắt tạm giam do có liên quan đến vụ án hình sự: sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền, xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh thành, được Công an tỉnh Phú Thọ điều tra từ hồi cuối năm 2017.
Theo thông tin trên báo chí, Bộ Công an phát hiện đường dây đánh bạc nêu trên, sau đó Đảng ủy Công an T.Ư đã giao Công an tỉnh Phú Thọ phối hợp với một số đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an để điều tra.
Một đơn vị công an địa phương thực hiện thủ tục tố tụng ra sao đối với cán bộ cấp cao của Bộ Công an? Dân Việt đã trao đổi với luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) về vấn đề này.
Luật sư Tuấn Anh cho biết: "Để trả lời câu hỏi trên, trước tiên chúng ta sẽ nói về vấn đề bình đẳng trước pháp luật. Tại điều 9 Bộ luật tố tụng hình sự có quy định rõ về vấn đề bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật, đây cũng là một trong những nguyên tắc Hiến định".
Theo đó bất cứ người nào phạm tội, dù họ là ai, không phân biệt dân tộc, giới tính, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội khi thực hiện hành vi phạm tội thì đều bị xử lý theo quy định của pháp luật hình sự.
Việc tiến hành khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử và thi hành án đều phải tuân theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định, không có ngoại lệ về lý do dân tộc, tôn giáo, địa vị xã hội của người thực hiện tội phạm.
Ông Nguyễn Thanh Hóa đã bị Công an tỉnh Phú Thọ khởi tố, bắt tạm giam. Ảnh Cổng thông tin Bộ Công an.
"Như vậy, khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm, dù cho người thực hiện tội phạm là người có chức vụ đều bị xử lý, không có chuyện cấp trên hoặc cấp dưới trong trường hợp này" - luật sư Tuấn Anh cho hay.
Trong vụ án có liên quan đến ông Nguyễn Thanh Hóa, luật sư Trần Tuấn Anh cho rằng nếu Công an tỉnh Phú Thọ phát hiện dấu hiệu vi phạm trên địa bàn và tiến hành điều tra thì hoàn toàn có quyền khởi tố hình sự, bắt những người có dấu hiệu vi phạm tội hình sự. Việc này được tiến hành không kể người có dấu hiệu vi phạm là cấp trên của đơn vị công an đang điều tra.
Tiếp đó, để xử lý những hành vi có dấu hiệu phạm tội hình sự, cơ quan có thẩm quyền khởi tố sẽ tiến hành các bước sau:
1. Tiếp nhận tin (Điều 143 BLTTHS 2015)
Đầu tiên, việc khởi tố 1 vụ án sẽ phải dựa trên các căn cứ pháp luật như: Tố giác, tin báo của tổ chức, cá nhân; kiến nghị của cơ quan nhà nước; cơ quan có thẩm quyền khởi tố trực tiếp phát hiện dấu hiệu phạm tội hoặc người phạm tội ra tự thú.
Nguồn tin về tội phạm với các loại thông tin nêu trên được luật pháp coi là các căn cứ để xác định dấu hiệu tội phạm, hoạt động xác định dấu hiệu tội phạm sẽ không được tiến hành nếu không dựa trên các loại thông tin này.
2. Xác minh (Điều 145; 146 BLTTHS 2015)
Từ những nguồn thông tin tiếp nhận, Cơ quan điều tra sẽ tiến hành các hoạt động thu thập, kiểm tra, xác minh nguồn tin tố giác, tin báo đó liệu có đúng sự thật. Trong các vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp cần thêm thời hạn giải quyết có thể dài hơn nhưng không quá 02 tháng. Nếu trong sau 02 tháng mà vẫn chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh thì Viện kiểm sát có thể gia hạn thêm 02 tháng. Như vậy, tổng thời gian tối đa để xác minh 01 nguồn tin tố giác tội phạm là không quá 04 tháng kể từ ngày tiếp nhận.
Công an tỉnh Phú Thọ đang tiếp tục điều tra vụ án sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền, xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh thành
3. Ra quyết định (Điều 154 BLTTHS 2015)
Sau khi đã tiến hành xác minh nguồn tin, Cơ quan có thẩm quyền khởi tố sẽ phải ra một trong ba quyết định: Quyết định khởi tố vụ án hình sự; Quyết định không khởi tố vụ án hình sự hoặc Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác.
Trong khi quá trình thực hiện các hoạt động trên, cơ quan điều tra có thẩm quyền từ giai đoạn tiếp nhận nguồn tin báo đến khi ra quyết định khởi tố vụ án phải có trách nhiệm thông báo hoạt động của mình tới Viện kiểm sát cùng cấp để Viện kiểm sát có cơ sở kiểm tra, giám sát hoạt động thực thi đúng pháp luật.
Vụ án Tướng Nguyễn Thanh Hóa bắt nguồn từ đâu?
Từ vụ án lừa đảo chiếm đoạt 110 thẻ điện thoại của bà Võ Minh Phương trú tại phường Nông Trang, TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, CQĐT tỉnh Phú Thọ đã mở rộng điều tra và “khui” ra đường dây cờ bạc lớn có liên quan đến nguyên thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa.
“Sau khi xác minh, Công an tỉnh Phú Thọ đã lập chuyên án đấu tranh, đến tháng 7.2017 tiến hành bắt giữ đối tượng Lê Văn Huy (SN 1997) trú tại Quảng Trị là người lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của bà Phương”, một cán bộ điều tra Công an tỉnh Phú Thọ cho hay.
Cũng theo vị cán bộ này, trong quá trình thẩm tra, Huy khai nhận, sau khi chiếm đoạt tài sản của bà Phương, đối tượng này đổi thành tiền ảo của đại lý Lê Anh Dũng (ở TP.Đà Nẵng) để đánh bài trực tuyến qua hình thức game bài Rikvip.
Tiếp tục đấu tranh mở rộng, Phòng An ninh kinh tế, Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ phối hợp với Cục An ninh mạng – Bộ Công an tiến hành khám xét, bắt giữ các đối tượng cầm đầu tổ chức đánh bạc trực tuyến trên mạng internet tại Công ty TNHH dịch vụ phát triển đầu tư Nam Việt và Công ty đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao.
Đồng thời bắt khẩn cấp đối tượng Nguyễn Văn Dương (SN 1975), Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao) và bà Lưu Thị Hồng (SN 1976), Tổng giám đốc Công ty đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao.
Ngô Hùng
Theo Minh Phong - Ngô Hùng (Dân Việt)