Vì sao 2 cựu Tổng Giám đốc VEC bị bắt?

16/03/2022 14:09:04

Các bị can buông lỏng quản lý chỉ đạo điều hành thực hiện Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng trong quá trình thi công, nghiệm thu các gói thầu.

Như tin đã đưa, mới đây, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét đối với bị can Mai Tuấn Anh - Nguyên Tổng giám đốc, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty VEC, về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 360 Bộ luật hình sự năm 2015;

Ngoài ông Mai Tuấn Anh, Cơ quan CSĐT còn khởi tố, bắt tạm giam 6 đối tượng về tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, theo Điều 224 Bộ luật hình sự năm 2015. Sáu bị can gồm: Trần Văn Tám - cựu Tổng Giám đốc VEC, cựu Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cơ sở dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; Nguyễn Mạnh Hùng - cựu Phó Tổng Giám đốc VEC; Lê Quang Hào - cựu Phó Tổng Giám đốc VEC, cựu Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cơ sở dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi;

Nguyễn Tiến Thành - cựu Giám đốc Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; Đỗ Ngọc Ân - cựu Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; Hà Văn Bình - cựu Phó Giám đốc phụ trách gói thầu, Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Theo Bộ Công an, các đối tượng trên đã có hành vi buông lỏng quản lý chỉ đạo điều hành thực hiện dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, vi phạm các quy định của pháp luật về đầu tư công trình xây dựng trong quá trình tổ chức thi công, xác nhận nghiệm thu các gói thầu thuộc giai đoạn 2 của dự án này, dẫn đến đưa công trình xây dựng không đảm bảo chất lượng vào khai thác sử dụng, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản nhà nước.

Vì sao 2 cựu Tổng Giám đốc VEC bị bắt?
Ông Mai Tuấn Anh (ảnh trái) và ông Trần Văn Tám

Theo Doanh Nghiệp và Tiếp Thị, trước khi về VEC, ông Mai Tuấn Anh là Thượng tá, Phó Giám đốc Công ty Thiết kế và tư vấn xây dựng công trình hàng không (ADCC), Bộ Quốc phòng. 

Ông Mai Tuấn Anh giữ chức vụ Tổng Giám đốc VEC từ ngày 1/4/2011 đến ngày 31/5/2017, Chủ tịch HĐTV VEC từ ngày 31/5/2017 đến ngày 28/8/2020.

Theo kết luận điều tra vào năm 2021 thì VEC là chủ đầu tư dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Tuyến đường có tổng chiều dài 139,2 km với kinh phí được phê duyệt là hơn 34.500 tỷ đồng. Dự án được khởi công năm 2013, hoàn tất giai đoạn một vào tháng 9/2018.

Với vai trò là Tổng Giám đốc điều hành hoạt động của VEC, ông Mai Tuấn Anh đã không kiểm tra giám sát, không thực hiện đúng chỉ đạo và báo cáo Bộ Giao thông vận tải liên quan đến yêu cầu kiểm soát chặt chẽ, phương án khắc phục nguồn vật liệu từ các mỏ đá kém chất lượng của dự án.

Kết luận điều tra cho thấy ông Mai Tuấn Anh có dấu hiệu thiếu trách nhiệm trong công tác, ảnh hưởng đến chất lượng công trình xây dựng không đảm bảo.

Đối với ông Trần Văn Tám (Tổng Giám đốc VEC từ ngày 1/6/2017 đến ngày 28/8/2020), cơ quan điều tra xác định, ông Tám được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc VEC khi giai đoạn 1 của dự án (đoạn 65 km sử dụng vốn JICA) được nghiệm thu cơ sở và đưa vào sử dụng. Trong thời gian này, dự án được phân công cho ông Lê Quang Hào - Phó Tổng Giám đốc phụ trách.

Với vai trò là Tổng Giám đốc, ông Trần Văn Tám có phần trách nhiệm là người đứng đầu nhưng đã để VEC và cán bộ cấp dưới vi phạm pháp luật.

Cơ quan tố tụng xác định, bản thân ông Tám có liên quan đến quá trình thực hiện giai đoạn 2 của Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (75 km sử dụng vốn vay của World Bank) với vai trò là lãnh đạo VEC phụ trách trực tiếp, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cơ sở dự án nên sẽ được xem xét trách nhiệm trong giai đoạn 2 của vụ án, thông tin trên báo Dân Trí.

Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có tổng chiều dài toàn tuyến gần 140km, từ thành phố Đà Nẵng đến thành phố Quảng Ngãi, khởi công ngày 19/5/2013. Giai đoạn I dài 65 km, từ thành phố Đà Nẵng đến thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.

Dự án sử dụng nguồn vốn vay của cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA, vốn vay Ngân hàng Thế giới - WB và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam tổng hơn 34.500 tỷ đồng.

Ngày 1/8/2017, dự án thông xe, đưa vào khai thác sử dụng giai đoạn 1. Ngày 2/9/2018 khai thác sử dụng giai đoạn 2 với 74,2km từ thành phố Tam Kỳ đến thành phố Quảng Ngãi.

Tuy nhiên, khi vừa đi vào sử dụng, đường cao tốc đã xuất hiện rất nhiều điểm hư hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới vận hành khai thác, an toàn giao thông, gây bức xúc trong nhân dân.

Kết luận giám định cho thấy, 65km đường cao tốc thuộc giai đoạn 1 không đảm bảo chất lượng đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế, gây thiệt hại 811 tỉ đồng.

HL (Nguoiduatin.vn)