Trong vụ án AIC, quá trình điều hành Công ty, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (người thành lập và điều hành hoạt động Công ty AIC, ngồi ghế Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc) yêu cầu lãnh đạo và nhân viên Công ty AIC phải thực hiện “Quy trình 70 bước”, trong đó có nội dung thực hiện thông thầu và gian lận trong đấu thầu, trái quy định của Luật Đấu thầu.
Khi đó, bà Hoàng Thị Thúy Nga là Phó Tổng giám đốc, kiêm Trưởng Ban 1, phụ trách địa bàn các tỉnh phía Nam. Bà Nga được coi là “cánh tay phải” của bà Nhàn.
Trong vụ án vi phạm đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở GD&ĐT Quảng Ninh, bà Nga được xác định là Chủ tịch Hội đồng sáng lập NSJ Group.
Từ năm 2016- 2019, bà Nga cùng đồng phạm đã thông đồng với bà Vũ Liên Oanh (nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh), để Công ty NSJ của bà Nga và các công ty được bà Nga mượn pháp nhân trúng 6 gói thầu, tổng giá trị hơn 636 tỷ đồng, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 80 tỷ đồng.
Liên quan đến vụ AIC, để thực hiện hành vi phạm tội, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn từng yêu cầu lãnh đạo và nhân viên Công ty AIC phải thực hiện “Quy trình 70 bước”; liên quan đến vi phạm đấu thầu Sở GD&ĐT Quảng Ninh, bà Nga cũng phân công các phòng, ban, nhân viên cấp dưới ở công ty của mình thực hiện hành vi vi phạm theo “Quy trình 93 bước”.
Kết luận điều tra cho rằng, do tất cả 6 gói thầu đều được tổ chức bằng hình thức đấu thầu rộng rãi, nộp hồ sơ dự thầu bằng hồ sơ giấy nên bà Nga đã chỉ đạo Phòng Dự án lập hồ sơ dự thầu 1 “quân chính” (là Công ty NSJ, hoặc liên danh Công ty NSJ với các công ty khác) và đồng thời lập thêm 2 hoặc 3 hồ sơ công ty “quân xanh” để cùng dự thầu.
Đối với hồ sơ “quân xanh”, nhân viên Phòng Dự án liên hệ lấy hồ sơ dự thầu theo các tiêu chí của hồ sơ mời thầu, nhưng cố tình đưa vào các tiêu chí về kỹ thuật, năng lực kinh nghiệm, hồ sơ tài chính không đáp ứng yêu cầu hồ sơ mời thầu.
Lập xong hồ sơ, các nhân viên của bà Nga chuyển cho Giám đốc của các công ty “quân xanh” ký đóng dấu hoàn tất thủ tục hồ sơ dự thầu, ký đóng dấu sẵn giấy giới thiệu để Phòng Dự án của Công ty NSJ cử người đi nộp hồ sơ và dự đấu thầu với mục đích đủ số lượng nhà thầu tham dự và chắc chắn sẽ bị loại khi chấm thầu, tạo điều kiện cho Công ty NSJ (hoặc liên danh mà bà Nga mượn tư cách pháp nhân) trúng thầu.
Để đảm bảo giá bán các sản phẩm hàng hóa thiết bị giáo dục và các gói thầu đúng với mức giá dự kiến, bà Nga chỉ đạo Phòng dự án phối hợp với chủ đầu tư làm việc với đơn vị tư vấn thẩm định giá: Công ty AIC và Công ty Gia Lộc phát hành chứng thư thẩm định giá và đưa ra đúng mức giá mà bà Nga đã chỉ đạo.
Theo kết luận điều tra, Ban Tài chính Công ty NSJ do Bùi Thị Tình là Trưởng ban, Lê Huy Bình là TGĐ phụ trách, nhưng thực tế bà Nga là người trực tiếp chỉ đạo.
Ban tài chính có nhiệm vụ tính toán, cân đối tài chính để lựa chọn Công ty NSJ hoặc MQF là đơn vị nhập khẩu; phối hợp với Phòng sản phẩm để tính hiệu quả dự án, cung cấp cho Ban hàng hóa giá các thiết bị đã được nâng khống “giá nối, giá đẩy” (do bà Nga đưa cho Tình) để Ban hàng hóa lập hợp đồng nối giữa các công ty trung gian với Công ty NSJ/MQF và thực hiện nhập khẩu hàng hóa.
Ngoài ra, Ban Tài chính còn thực hiện việc tạm ứng rút tiền hoặc nộp tiền, chuyển tiền từ các công của bà Nga hoặc cá nhân để cân đối tài chính, rút tiền mặt chuyển cho bị can Nga để đưa cho các cá nhân tại Sở GD&ĐT Quảng Ninh cảm ơn đã tạo điều kiện cho Công ty NSJ trúng các gói thầu.
Theo T.Nhung (VietNamNet)