Liên quan đến vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát dự kiến xét xử vào ngày 5/3 tới đây, một trong những bị can bị truy tố về tội "tham ô tài sản" là ông Dương Tấn Trước (41 tuổi, ngụ quận 7, TP HCM), Tổng giám đốc Công ty Tường Việt.
Theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao, với vai trò giúp sức cho bà chủ Vạn Thịnh Phát, ông Dương Tấn Trước được bà Lan cho số tiền đặc biệt lớn. Cụ thể, sau khi trừ giá trị tài sản đảm bảo, cơ quan điều tra xác định Trước giúp sức cho bà Lan chiếm đoạt của Ngân hàng SCB số tiền 4.700 tỷ đồng, gây thiệt hại số tiền lãi phát sinh 605 tỷ đồng.
Trong đó, Trước được bà Lan cho 1.498 tỷ đồng, Trước sử dụng vào mục đích cá nhân.
Sau khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án, Trước đã khắc phục hậu quả, trả lại cho Ngân hàng SCB 813 tỷ đồng đối với 2 khoản vay của Công ty Tường Việt và Công ty Việt Đức.
Ngoài ra, Trước còn xin nộp lại toàn bộ số tiền 2.200 tỷ đồng đã nhận của bà Lan để khắc phục hậu quả.
Theo cáo trạng, Công ty Tường Việt được thành lập năm 2002, là tổng thầu chuyên xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp. Tại công ty này, Chủ tịch HĐTV là ông Cao Việt Dũng, TGĐ điều hành là ông Dương Tấn Trước. Hai người còn lập thêm 14 công ty khác.
Ông Trước quen bà Lan khoảng cuối năm 2020. Tháng 4/2021, bà Lan thoả thuận bán dự án chung cư Thanh Yến, phường Bình An, quận 2 (nay là TP Thủ Đức), TP HCM cho ông Trước và Công ty Tường Việt với giá 2.500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Trước không phải thanh toán tiền mà chỉ cần lập hồ sơ vay vốn tại Ngân hàng SCB với số tiền nhận nợ là 3.500 tỷ đồng.
Trong đó, 2.500 tỷ đồng tiền nhận chuyển nhượng dự án Thanh Yến, 1.000 tỷ đồng để Trương Mỹ Lan sử dụng và có trách nhiệm trả nợ Ngân hàng SCB.
Dương Tấn Trước chỉ đạo nhân viên liên hệ với Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung (cựu phó tổng giám đốc Ngân hàng SCB) thực hiện phương án vay bằng cách thành lập Công ty Thuận Tiến và Công ty Khánh Minh đứng tên hồ sơ vay.
Ngày 19/5/2021, Ngân hàng SCB ký thỏa thuận cho Công ty Thuận Tiến và Công ty Khánh Minh vay với số tiền vay giải ngân lần lượt là 1.700 và 1.800 tỷ đồng.
Mục đích vay đều là bổ sung vốn nhận chuyển nhượng phần vốn góp trong Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và thương mại Sông Hàn (công ty nắm 100% cổ phần Công ty cổ phần Đầu tư Hermes Power - chủ sở hữu dự án Thanh Yến).
Tài sản bảo đảm cho 2 khoản vay nêu trên là hơn 7.000m2 đất ở dự án Thanh Yến (phường Bình An, TP Thủ Đức). Tính đến ngày 17/10/2022, 2 khoản vay trên còn dư nợ gốc là 3.500 tỉ đồng, nợ lãi là 589 tỉ đồng.
Sau khi giải ngân, tiền được chuyển lòng vòng vào tài khoản của nhiều cá nhân, công ty thuộc nhóm Vạn Thịnh Phát để dùng vào nhiều mục đích khác nhau của Trương Mỹ Lan.
Ngoài vai trò là bên mua dự án chung cư Thanh Yến như nói trên, ông Trước còn giúp bà Lan thực hiện thủ tục pháp lý cho một số dự án bất động sản khác. Do đó, bà Lan đã chỉ đạo nhân viên Ngân hàng SCB làm hồ sơ cho Công ty Tường Việt vay 1.500 tỷ đồng, thực chất đây là khoản tiền bà Lan cho ông Trước.
Sau đó, ông Trước chỉ đạo nhân viên Công ty Tường Việt lập hồ sơ vay vốn với phương án kinh doanh là các hợp đồng mua bán khống giữa các công ty trực thuộc. Khoản vay này đã được giải ngân 18 đợt với tổng số tiền 1.498 tỷ đồng.
Để hợp thức hoá cho khoản vay trên, bà Lan đã dùng 3 giấy chứng nhận nhà đất tại quận 1 làm tài sản đảm bảo. Sau khi được giải ngân 1.498 tỷ đồng, bà Lan giữ 240 tỷ đồng để sử dụng và tiếp tục chỉ đạo làm hồ sơ vay khống để vay thêm 248 tỷ đồng bù lại cho Công ty Tường Việt.
Trong khoản vay 1.746,5 tỷ đồng của Công ty Tường Việt, bà Lan sử dụng 240 tỷ đồng, ông Trước sử dụng 1.368,5 tỷ đồng và Công ty Tường Việt dùng cho hoạt động kinh doanh 138 tỷ đồng.
Như vậy, tính cả khoản vay để mua dự án chung cư Thanh Yến, tính đến tháng 10/2022, tổng dư nợ gốc của nhóm Công ty Tường Việt tại Ngân hàng SCB là 5.095 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng giá trị tài sản đảm bảo đủ điều kiện pháp lý được định giá chỉ 337 tỷ đồng.
Tổng hợp
PTH (SHTT)