“Chốt đơn” vì tin “xe xịn, giá rẻ”
Khoảng tháng 6-2024, anh Nguyễn (sinh năm 1974, trú ở thị trấn Tân Uyên, tỉnh Lai Châu) đến Công an huyện Tân Uyên trình báo về việc bị lừa đảo, chiếm đoạt 200 triệu đồng tiền mua ô tô hải quan thanh lý. Theo trình bày của bị hại, vì có ý định mua xe ô tô nên anh lên mạng xã hội tìm kiếm. Trên không gian mạng, anh Nguyễn thấy tài khoản “Nam Miền Trung 666” giới thiệu bán xe hải quan thanh lý nên đã truy cập. Ít phút sau, hai bên nhắn tin trò chuyện qua Messenger. Tài khoản “Nam Miền Trung 666” gửi hình ảnh ngoại thất, nội thất giới thiệu mẫu xe Ford Everest Titanium 2.0AT cho anh Nguyễn xem và báo giá là 266,7 triệu đồng. Anh Nguyễn đã cảm thấy rất ưng bởi giá thị trường chiếc xe này lên đến gần 1,3 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trước khi đưa ra quyết định cuối cùng, anh Nguyễn nhắn hỏi thêm thông tin và địa chỉ của công ty thì được tài khoản “Nam Miền Trung 666” gửi thông tin, địa chỉ, hình ảnh giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, địa chỉ website: autonammientrung.net. Anh Nguyễn truy cập website và xem được đoạn clip có logo kênh VTV1, nội dung là cơ quan hải quan bắt giữ được lô xe ô tô nhập lậu và bán thanh lý. Anh Nguyễn tiếp tục tìm kiếm trên Google và thấy có tên Công ty Nam Miền Trung đúng địa chỉ như tài khoản “Nam Miền Trung 666” cung cấp. Từ đó, anh Nguyễn tin tưởng, quyết định đặt mua chiếc xe mà đối tượng quảng cáo.
Đối tượng yêu cầu và anh Nguyễn chuyển khoản trước 80% giá trị xe, (hơn 200 triệu đồng) đến số tài khoản mang tên Nguyễn Thị Cẩm mở tại Ngân hàng VPBank. Sau đó gửi tiếp cho anh Nguyễn hình ảnh các loại giấy tờ gồm: Phiếu xuất kho, biên lai thu tiền, hợp đồng mua bán xe ô tô để làm tin. Ngày hôm sau, đối tượng liên tục gọi điện, nhắn tin yêu cầu anh Nguyễn chuyển nốt 66,6 triệu đồng để giao xe, nhưng anh Nguyễn nói rõ khi nhận xe sẽ thanh toán nốt tiền. Đến ngày 11-6, các đối tượng thấy anh Nguyễn không chuyển tiền nên đã chặn liên lạc.
Giăng bẫy từ bên kia biên giới
Nhận được báo cáo của Công an huyện Tân Uyên về vụ việc trên, Ban Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu nhận định đây là vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản có tổ chức, các đối tượng lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội với kịch bản công phu. Và anh Nguyễn chắc chắn chưa phải là trường hợp duy nhất “dính bẫy”. Từ tình hình đó, Ban Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo xác lập chuyên án đấu tranh, đồng thời báo cáo đề xuất lãnh đạo Bộ Công an để tăng cường các đơn vị nghiệp vụ phối hợp, vào cuộc.
Cơ quan điều tra đã xác định được đối tượng liên quan đến phi vụ lừa đảo đối với anh Nguyễn cũng là kẻ cầm đầu đường dây lừa đảo là Dương Văn Thạnh (38 tuổi, quê quán ở thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên). Nghi can này sinh sống, hoạt động tại Campuchia.
Ngày 12-9-2024, Thạnh bị bắt khi vừa nhập cảnh Việt Nam tại khu vực cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh. Tại cơ quan điều tra, Thạnh khai nhận đã xuất cảnh sang Campuchia từ tháng 4-2024 để làm thuê tại tòa nhà ở khu Venus 2, thành phố BaVet, tỉnh Svay Rieng. Nơi xứ người, Thạnh được phân công làm trưởng nhóm điều hành một số đối tượng hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng. Nhóm của Thạnh dùng thủ đoạn bán xe ô tô của hải quan thanh lý giá rẻ, lừa chiếm đoạt được hơn 6 tỷ đồng của nhiều bị hại người Việt Nam. Riêng Thạnh được chi thù lao 16.300 USD.
Qua đấu tranh với Dương Văn Thạnh, trong các ngày từ 17-9 đến 20-10-2024, lực lượng phá án đã bắt thêm 5 đồng phạm của Thạnh, trong đó có Kiều Quang Sơn (34 tuổi, quê quán ở tỉnh Vĩnh Phúc), giữ vai trò chuyên làm giả giấy phép đăng ký kinh doanh, hợp đồng, hình ảnh căn cước công dân… “Để triệt xóa nhóm tội phạm này, chúng tôi đã phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự, các cục nghiệp vụ Bộ Công an và công an 16 tỉnh, thành phố, đồng thời thành lập đoàn công tác đặc biệt đến Vương quốc Campuchia phối hợp Cơ quan đại diện Bộ Công an Việt Nam và lực lượng chức năng nước bạn truy bắt các đối tượng. Khó khăn nhất trong quá trình phá án là mọi hoạt động tội phạm đều được thực hiện trên không gian mạng. Các đối tượng rất tinh vi khi thường cắt đứt chuỗi liên lạc, xóa dấu vết dòng tiền và xóa toàn bộ dữ liệu sau mỗi lần lừa đảo thành công. Để nắm được thông tin, quy luật hoạt động, trinh sát đã được cắt cử tới 16 tỉnh, thành phố, làm việc với nhiều cơ quan, tổ chức. Sau khi tiến hành truy vết trên 100 tài khoản ngân hàng, 105 tài khoản mạng xã hội, trên 3.000 cuộc gọi do nhóm đối tượng thực hiện để lừa đảo và hàng nghìn địa chỉ truy cập mạng Internet, ban chuyên án sơ bộ xác định được khu vực mà ổ nhóm tội phạm hoạt động” - điều tra viên tham gia ban chuyên án nhớ lại.
Được sự đồng ý, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Công an tỉnh Lai Châu đã cử một đoàn công tác, có sự phối hợp của Cục Cảnh sát hình sự, sang Vương quốc Campuchia để xác minh, truy bắt các đối tượng này. Ngày 11-12-2024, với sự phối hợp, hỗ trợ của Cơ quan đại diện Bộ Công an Việt Nam tại Campuchia; Cục Cảnh sát hình sự; Bộ Nội vụ Campuchia, Cảnh sát thành phố Bavet, ban chuyên án đã bắt giữ 12 đối tượng, thu giữ 18 điện thoại di động khi các đối tượng này đang thực hiện hành vi lừa đảo trên không gian mạng.
Theo ban chuyên án, một trong những thủ đoạn đáng chú ý nhất là việc các đối tượng sử dụng công nghệ chỉnh sửa, cắt ghép để tạo video giả mạo bản tin thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1). Trong video, chúng dàn dựng nội dung Công ty Nam Miền Trung - Ninh Thuận trúng đấu giá lô ô tô nhập lậu do cơ quan hải quan thu giữ và bán thanh lý với giá chỉ bằng 1/4 giá thị trường. Sau đó, các đối tượng đã lập các Fanpage như “Nam Miền Trung 666”, “Tổng kho Auto Nam Miền Trung”, “Auto Cam Ranh”, “Auto Nam Miền Trung Ninh Thuận” và website autonammientrung.net để giả danh những doanh nghiệp chuyên bán xe ô tô thanh lý hải quan. Trên các Fanpage, website này, các đối tượng chạy quảng cáo video, quay cảnh kho bãi ô tô thanh lý, kết hợp với các tài liệu giả mạo như giấy phép kinh doanh, hợp đồng đấu giá, để tiếp cận người dùng Facebook. Đặc biệt, các đối tượng dùng rất nhiều hình ảnh, clip bàn giao xe cho khách, nhận tiền cọc thành công từ khách hàng... lấy từ các showroom ô tô khác để “làm màu” khiến hàng trăm nạn nhân tin tưởng và chuyển tiền mua xe.
Quá trình đấu tranh, ban chuyên án thu giữ tang vật là 29 điện thoại di động, 3 máy tính xách tay cùng nhiều giấy tờ giả mạo; đồng thời, phong tỏa 5 tài khoản ngân hàng (1 tài khoản doanh nghiệp mang tên Công ty TNHH Việt Nam Miền Trung - Ninh Thuận, 4 tài khoản cá nhân), phong tỏa 3 giao dịch bất động sản tại tỉnh Đắk Lắk. Bước đầu cơ quan điều tra làm rõ, xác định nhóm người này đã chiếm đoạt số tiền 3,95 tỷ đồng của 52/200 bị hại ở 29 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Theo Ban chuyên án, hiện nay, thủ đoạn lừa đảo trực tuyến ngày càng đa dạng và tinh vi, nhất là khi công nghệ AI ra đời. Chiêu lừa thanh lý xe hải quan giá rẻ không phải là mới, thế nhưng các đối tượng lại dùng AI tạo ra một bản tin thời sự của VTV như thật để lừa đảo. Thực tế, không có việc cơ quan Nhà nước hay cá nhân nào được phép thanh lý xe nhập lậu, trốn thuế, giá rẻ như thông tin trên các trang mạng xã hội. Bởi vậy, người dân tuyệt đối không tin theo các thông tin quảng cáo, rao bán hàng giá rẻ, không rõ nguồn gốc trên mạng. Tất cả các tài sản, tang vật vi phạm bị cơ quan chức năng bắt giữ đều được bán đấu giá thông qua các trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản được Nhà nước cấp phép hoạt động.
Theo Ngọc Mai (An Ninh Thủ Đô)