Sáng 6/8, sau 2 tuần xét xử, HĐXX tuyên phạt Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh) 20 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng hợp với bản án cũ, bị cáo phải chấp hành là 30 năm tù.
Trầm Bê (nguyên Phó chủ tịch thường trực HĐQT, Chủ tịch HĐTD Sacombank) lĩnh 4 năm tù; Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng xây dựng) lĩnh 10 năm tù cùng về tội danh trên, tổng hợp bản án phúc thẩm là 30 năm tù.
Mai Hữu Khương (nguyên Thành viên HĐQT, nguyên Giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn) lĩnh 10 năm tù, tổng hợp bản án cũ là 30 năm tù. Hoàng Đình Quyết (nguyên Phó giám đốc phụ trách VNCB chi nhánh Sài Gòn, Giám đốc VNCB chi nhánh Lam Giang) lĩnh 3 năm tù, tổng hợp bản án cũ là 22 năm.
Nguyễn Quốc Viễn (Trưởng ban kiểm soát VNCB) lĩnh 5 năm tù, tổng hợp bản án cũ là 14 năm. Phan Minh Tùng (Kế toán hành chính Tập đoàn Thiên Thanh) lĩnh 4 năm tù, tổng hợp bản án cũ là 11 năm. Phan Huy Khang (nguyên Tổng giám đốc Sacombank) lĩnh 3 năm tù.
36 bị cáo khác là giám đốc các công ty "ma", giám đốc, phó giám đốc các ngân hàng lĩnh 2-4 năm tù và cho hưởng án treo.
Phạm Công Danh xin xem xét cho nhân viên
Khi được nói lời sau cùng, Pham Công Danh đề nghị HĐXX ghi nhận nguyên nhân, bối cảnh xảy ra vụ án. Bị cáo Danh khẳng định Hứa Thị Phấn là nguyên nhân của vụ án, gây thất thoát tiền của VNCB. Ngoài ra, ông Danh còn đề nghị xem xét cho nhân viên của mình.
“Bị cáo mong HĐXX quan tâm, xem xét thêm tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo. Tôi không xin cho bản thân mà tôi xin cho tất cả những người có mặt tại đây, vì họ tin bị cáo mới rơi vào trường hợp này. Họ tin vào đề án tái cơ cấu, tin ngân hàng vượt qua được nhưng tôi đã không làm được", ông Danh nói.
Bị cáo Trầm Bê mong HĐXX xem xét cho bị cáo được giảm nhẹ hình phạt để sớm được về chăm sóc cho gia đình và giúp ích cho xã hội.
"Nếu tôi có sai là do hiểu biết của tôi đơn giản. Cái sai này của tôi hoàn toàn không cố ý. Tôi làm ngân hàng 38 năm không có cơ quan pháp luật nào cho là tôi làm sai. Tôi khai báo rõ ràng, chi tiết, chỉ nghĩ rằng có sự bảo lãnh bằng tiền thì cho vay. Còn bảo tôi cố ý cho vay để đến ngày hôm nay phải ngồi tòa thì không có”, bị cáo Trầm Bê tự bào chữa.
Bị cáo Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng xây dựng) bày tỏ: “6 năm trước đây, bị cáo là người có nhiều hoài bão, thực hiện những ước mơ, dự định của bản thân cũng như đối với rất nhiều người khác. Bị cáo kính mong HĐXX xem xét thu hồi dòng tiền của 3 ngân hàng để khắc phục hậu quả cho vụ án và các bên liên quan. Bị cáo mong đây là lần cuối cùng đứng ở phiên tòa này”.
Các bị cáo khác tỏ ra ân hận trước hành vi phạm tội của mình và mong HĐXX xem xét giảm án để sớm được trở về chăm lo cho gia đình.
Trầm Bê giúp sức cho Phạm Công Danh thế nào?
Theo cáo trạng, Phạm Công Danh nhận chuyển nhượng Ngân hàng Đại Tín từ bà Hứa Thị Phấn, ngân hàng này làm ăn thua lỗ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sau đó đã đặt Đại Tín (sau này là VNCB) vào tình trạng kiểm soát đặc biệt.
Phạm Công Danh đã chỉ đạo nhân viên thuộc Tập đoàn Thiên Thanh dùng 6.630 tỷ của VNCB gửi vào Sacombank, BIDV, TPBank để bảo lãnh khoản vay thông qua 29 lượt công ty do ông Danh thành lập hoặc mượn pháp nhân, rồi chuyển tiền về cho Phạm Công Danh sử dụng. Sau đó, 3 ngân hàng thu hồi nợ từ tiền gửi của VNCB, tổng số tiền là 6.126 tỷ đồng.
Do các công ty làm hồ sơ vay khống, không thực hiện kinh doanh theo phương án đã cam kết trong hợp đồng tín dụng nên không có tiền trả nợ, Ngân hàng VNCB thực hiện bảo lãnh nhưng không yêu cầu cầm cố, thế chấp tài sản nên không thu lại được tiền bảo lãnh, dẫn đến VNCB bị thiệt hại hơn 6.126 tỷ đồng.
Riêng Trầm Bê đã giới thiệu Phạm Công Danh với nguyên Tổng giám đốc Phan Huy Khang, sau đó chỉ đạo nhân viên dưới quyền hợp pháp hóa thủ tục giải ngân cho các công ty của Danh vay 1.800 tỷ đồng bằng các hồ sơ khống, gây thiệt hại cho VNCB 1.840 tỷ đồng.
Theo Hoài Thanh (Tri Thức Trực Tuyến)