Diễn biến vụ 2 hiệp sĩ ở Sài Gòn bị băng trộm đâm thiệt mạng
Theo dõi sát vụ 2 “hiệp sĩ” ở TP.HCM bị tội phạm tấn công tử vong qua báo chí, trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, "cha đẻ" của mô hình 141, bày tỏ sự cảm kích trước tinh thần xả thân đấu tranh với tội phạm của các "hiệp sĩ".
Những Lục Vân Tiên của thời đại mới
Ông cho rằng ngoài việc quan tâm đến chế độ chính sách đối với những người đã xả thân vì nghĩa, cơ quan chức năng cần trang bị phương tiện, kỹ năng cần thiết để đảm bảo tính mạng, sức khỏe của “hiệp sĩ” cũng như nâng cao hơn nữa hiệu quả của mô hình tự phát này.
Tướng công an nói về vụ 2' hiệp sĩ' bị nhóm cướp đâm tử vong. Nguyên Giám đốc Công an Hà Nội bày tỏ sự cảm kích trước tinh thần xả thân đấu tranh với tội phạm của các "hiệp sĩ". Ông nói cần trang bị phương tiện, kỹ năng cho lực lượng này. |
Sau vụ 2 “hiệp sĩ” tử vong do bị tội phạm tấn công ở TP.HCM, ông nghĩ gì về trách nhiệm của lực lượng công an và người dân trong việc phòng chống tội phạm? Các mô hình tự phát như “hiệp sĩ” ở TP.HCM cần được tổ chức ra sao để hoạt động hiệu quả, an toàn hơn?
- Quan điểm của tôi, cảnh sát có trách nhiệm chính là phòng chống tội phạm và giữ gìn an ninh trật tự. Cảnh sát được học hành, trang bị, được huấn luyện, đào tạo, phong quân hàm, quân hiệu và hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Cho nên đây là lực lượng chuyên trách, có nhiệm vụ số 1 là phòng chống tội phạm. Còn chuyện người dân tham gia như dân phố, dân phòng, bảo vệ cơ quan, xí nghiệp cùng công an tuần tra... việc báo tin, bắt giữ tội phạm là rất tốt, nằm trong phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc.
Tôi hết sức coi trọng sự tham gia đóng góp của người dân vào phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc nhưng mà xác định chủ công vẫn phải là công an. Phong trào người dân tham gia cần phải động viên, khuyến khích, rút kinh nghiệm, khen thưởng hàng năm. Tôi nghĩ vẫn phải có việc huấn luyện, đào tạo thậm chí trang bị phương tiện, công cụ và kiến thức để ngừa ta tự phòng ngừa khi đối mặt tội phạm hết sức manh động có vũ khí.
Để mô hình như “hiệp sĩ” hoạt động hiệu quả cần rất nhiều yếu tố từ trang bị, phối hợp chặt chẽ với công an địa phương.
- Đánh giá của ông về các nhóm “hiệp sĩ” tự phát hiện này với tư cách một công dân cũng như một người có thâm niên công tác trong ngành công an?
- Tôi thấy rất là ấn tượng với CLB “hiệp sĩ” được thành lập tại một số tỉnh. Tôi cảm thấy họ đúng là những Lục Vân Tiên của thời đại mới trong khi xã hội có những biểu hiện vô cảm. Trước tội phạm, người dân không dám can thiệp, người dân không dám đấu tranh thì có những người dũng cảm xả thân, đổ máu.
Tôi rất xúc động về việc người dân nghèo, đáng lẽ có thể sống một cuộc đời bình dị nhưng làm "hiệp sĩ" không công. Rõ ràng người ta đã đổ máu, đã hi sinh trong cuộc chiến chống tội phạm.
- Từ trước đến nay, Hà Nội có câu lạc bộ phòng chống tội phạm tự phát nào không? Ông đánh giá thế nào về việc người dân tham gia đấu tranh giữ gìn an ninh trật tự.
- Hà Nội không thành lập hẳn các câu lạc bộ có tính chất như “hiệp sĩ”. Trong lịch sử, Công an Hà Nội chỉ có lực lượng săn bắt cướp chính quy giống SBC của Sài Gòn.
Tôi nhớ là những năm tôi còn làm Phó giám đốc, Trưởng phòng cảnh sát điều tra, Công an Hà Nội đã thành lập các lực lượng này. Sài Gòn lúc ấy có SBC rất hiệu quả và nổi tiếng. Hà Nội từng mời anh em SBC - những cảnh sát hình sự đặc nhiệm của Sài Gòn - ra báo cáo điển hình để trao đổi, học hỏi.
Tôi nhớ Hà Nội lúc đó thành lập lực lượng F264 cũng làm nhiệm vụ tương tự. Anh em cũng làm được nhiều vụ hiệu quả nhưng do chuyển biến tình hình, thay đổi lãnh đạo chỉ huy, sau đó lực lượng này thuộc Phòng cảnh sát hình sự nhưng không gọi là F264 mà đến thế hệ bọn tôi gọi là cảnh sát hình sự đặc nhiệm.
Nếu "CLB Hiệp si" hiệu quả thì vẫn nên làm
- Xảy ra sự cố ngoài ý muốn như vụ 2 "hiệp sĩ" bị giết, theo ông chế độ đãi ngộ với họ cần được xem xét giải quyết ra sao?
- Việc truy tặng liệt sĩ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có quy định cụ thể về tiêu chuẩn. Với quan điểm cá nhân, người ta đổ máu, người ta hi sinh tính mạng trong cuộc chiến tội phạm, tôi cho rằng Nhà nước dứt khoát phải đãi ngộ bằng việc trợ cấp cho gia đình, vợ con. Trợ cấp bằng cách nào phụ thuộc chế độ chính sách của Nhà nước, do khả năng của mỗi địa phương.
Thứ hai là phải xét tặng hình thức khen thưởng cho người ta để còn động viên khuyến khích chung. Nếu đủ điều kiện có thể truy tặng liệt sĩ để vợ con được hưởng chế độ chính sách và cũng để xã hội nhìn vào thấy rằng ai hi sinh về sự bình yên tổ quốc đều được tôn vinh.
- Có nên duy trì mô hình “hiệp sĩ” sau khi người tham gia đổ máu, trong khi cơ quan chức năng chưa có giải pháp bảo vệ an toàn cho họ?
- Đó là chuyện riêng của mỗi địa phương, lãnh đạo địa phương căn cứ tình hình sẽ quyết định. Nếu câu lạc bộ "hiệp sĩ" hiệu quả thì vẫn nên làm, chỉ có điều là phải rút kinh nghiệp để làm tốt hơn hoạt động đó, không để xảy ra những vụ tấn công như thế nữa.
Nhưng cũng cần xác định trách nhiệm chủ công đấu tranh tội phạm là của công an, không thể đẩy người dân ra tuyến đầu được. Cũng như đánh giặc, không thể để dân quân du kích mà dứt khoát phải là các quân đoàn chủ lực.
- Ông có nghĩ tinh thần tố giác, đấu tranh tội phạm của người dân sẽ chùng xuống sau vụ trộm giết 2 "hiệp sĩ"?
- Tôi không nghĩ vậy. Tôi nghĩ dù máu của anh em đã đổ xuống rất thương tâm nhưng chắc chắn cuộc chiến chống tội phạm không thể chùng xuống.
Phòng trào nhân dân, đặc biệt trách nhiệm của công an các địa phương, các lực lượng phải nhìn vào đó thấy rằng tội phạm hết sức mạnh động. Cho nên phải có mô hình tốt, lực lượng tốt để phòng chống tội phạm có hiệu quả.
Cái gì có lợi cho dân thì phải học hỏi lẫn nhau
- Thời điểm thành lập liên quân 141, tình hình tội phạm ở Hà Nội có gì phức tạp? Mục đích của việc kết hợp cùng lúc 3 lực lượng cảnh sát hình sự, cảnh sát cơ động và cảnh sát giao thông là gì, thưa ông?
- Sau dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long năm 2010, Hà Nội xảy ra một số vụ tội phạm gây án trên đường phố, nơi công cộng và các tuyến giao thông. Các đối tượng mang theo vũ khí thô sơ, thậm chí vũ khí “nóng” khi va chạm giao thông liền sử dụng, gây nên trọng án. Cũng có vụ tội phạm lên xe buýt đánh, nổ súng đe dọa lái xe. Trên các tuyến giao thông, địa bàn công cộng cũng xảy ra khá nhiều vụ có tính chất côn đồ hung hãn.
Từ thực tế đó, Ban giám đốc Công an Hà Nội nghĩ rằng cần phải có biện pháp trấn áp, xử lý để đảm bảo bình yên cho thủ đô. Đánh giá tình hình, mọi người đều có suy nghĩ là trên đường phố có CSGT nhưng nhiệm vụ của lực lượng này chủ yếu là hướng dân giao thông, chống tội phạm chỉ có mức độ, thậm chí CSGT còn bị tấn công khi xử phạt.
Để giải quyết loại tội phạm manh động, có tính chất côn đồ hung hãn trên các tuyến giao thông, địa bàn công cộng, Công an Hà Nội quyết định thành lập một lực lượng được trang bị đủ mạnh. 141 ra đời tháng 7/2011, ngoài cảnh sát giao thông phải tăng cường cảnh sát hình sự vì lực lượng này quản lý đối tượng, có nhiệm vụ chính là chống tội phạm và sau khi bắt giữ sẽ lập hồ sơ xử lý. Lúc đó, cũng có thêm suy nghĩ nữa là cần cảnh sát cơ động vì những đối tượng hết sức mạnh động sử dụng vũ khí chống công an làm nhiệm vụ.
Vì sao mang tên 141? Do quyết định trình giám đốc ký được đánh số 141 nên lấy số này làm tên lực lượng liên quân.
- Tập hợp 3 lực lượng chính quy đủ mạnh để trấn áp tội phạm, Công an Hà Nội khi đó có điều gì phải băn khoăn khi là địa phương đầu tiên thành lập mô hình liên quân hoạt động chủ yếu vào ban đêm?
- Công an Hà Nội lúc đó đã tập huấn cho cán bộ, chiến sĩ về nghiệp vụ, phong cách làm việc vì đây là hoạt động trên đường phố. Ngoài ra, những người tham gia 141 còn được tập huấn lại vấn đề pháp luật để nắm các điều luật về các trường hợp được kiểm tra, bắt giữ, trấn áp, hoặc trường hợp nào được sử dụng công cụ hỗ trợ, sử dụng vũ khí.
Có một việc mà tôi rất suy nghĩ là đề phòng anh em làm sai. Nhiều khi phải đề phòng anh em lợi dụng rồi có việc tiêu cực. Tôi đồng ý cho anh em báo chí đi cùng 141 vừa để tuyên truyền, vừa là giám sát.
Bên cạnh đó, Công an Hà Nội quyết định trang bị công cụ hỗ trợ cho tất cả thành viên 141, thậm chí trang bị súng bắn đạn hơi cay, súng quân dụng kèm theo quy định nghiêm ngặt về việc sử dụng. Ban giám đốc cũng quan tâm đến việc bồi dưỡng cho anh em làm đêm và trang cấp phương tiện như ôtô, xe máy phân khối lớn, phương tiện bảo vệ tính mạng, sức khỏe cán bộ, chiến sĩ.
Sau một tháng triển khai, hiệu quả đem lại rất tích cực. Nhân dân ủng hộ, báo chí đồng hành, Bộ Công an cũng khen ngợi và có ý định nhân rộng mô hình này.
- Sau khi 2 “hiệp sĩ” bị tội phạm đâm tử vong, nhiều người thấy rằng chủ trương sử dụng nhiều lực lượng chuyên trách quyết liệt trấn áp tội phạm như 141 là cần thiết. Ông đánh giá như thế nào về cách làm mạnh tay, nhiều khi bị nghi ngờ có dấu hiệu lạm quyền của lực lượng này?
- Đến nay, mô hình này duy trì được 7-8 năm. Những năm tôi làm việc chưa có đơn thư gì nổi cộm quá lớn về sai phạm, tiêu cực của anh em mà đa phần là hiệu quả công việc tốt. Còn tôi được biết cũng có một vài việc có biểu hiện lạm dụng, tiêu cực khi kiểm tra ban đêm nhưng rất may chưa xảy ra vấn đề gì lớn mà hiệu quả đem lại to lớn hơn.
Tôi nghĩ tùy thời điểm mà áp dụng các mô hình khác nhau. Biết đâu một vài năm nữa người ta không duy trì 141, 142 mà ra đời các mô hình khác. Đó cũng là chuyện bình thường.
- Hàng nghìn độc giả Zing.vn kiến nghị TP.HCM và các tỉnh thành nên triển khai mô hình giống 141 ở Hà Nội? Nếu là lãnh đạo công an địa phương có tình hình tội phạm phức tạp, ông nghĩ gì về kiến nghị trên?
- Tôi nghĩ là nên áp dụng. Bộ Công an và công an các tỉnh, thành phố tùy theo đặc điểm của mỗi địa phương khác nhau nên có sự trao đổi, học hỏi lẫn nhau. Giống như lần tôi đã nói, Hà Nội tuy là thủ đô, là thành phố lớn nhưng cũng có nhiều việc phải học các tỉnh khác. Học hỏi lẫn nhau là câu chuyện hết sức đúng đắn, chứ không nên tự ái là tỉnh này làm được cái này tốt, sao mình là thành phố lớn hơn, là thủ đô mà lại phải học hỏi.
Quan điểm của tôi không phải như vậy. Nơi nào làm cái gì tốt, nơi nào làm cái gì hay thì nên có sự trao đổi, rút kinh nghiệm. Không chỉ 141, 142, tôi mong muốn trên lĩnh vực phòng chống tội phạm nói chung thì công an các tỉnh, thành phố ngoài thi đua, cần có sự học hỏi lẫn nhau. Miễn là nơi nào làm tốt, cái gì có lợi cho dân, làm tốt cho an ninh trật tự, làm cho cuộc sống bình yên hơn thì phải học hỏi lẫn nhau.
Nếu tôi là giám đốc công an một địa phương nào đó, tôi có thể trao đổi, áp dụng. Đó là chuyện rất là bình thường.
- Sau 7 năm hoạt động, mô hình 141 đã góp phần đảm bảo an ninh trật tự ở Thủ đô. Tuy nhiên, 141 thời gian gần đây không còn gây được nhiều tiếng vang như thời kì đầu ra quân. Là người thành lập mô hình này, theo ông 141 cần làm gì để phát huy hơn nữa sức mạnh?
- Hiệu quả của 141 không chỉ nằm ở việc bắt được nhiều tội phạm, thu được nhiều vũ khí. Hiệu quả cao nhất là răn đe, trấn áp để không còn tội phạm trên đường phố, không còn tội phạm côn đồ hung hãn trên các tuyến giao thông, nơi công cộng. Chúng ta mong các vụ án không xảy ra, chứ mong bắt được nhiều đối tượng, thu được quá nhiều vũ khí. Khi tội phạm đường phố không còn có nghĩa 141 và các lực lượng khác đã hoàn thành nhiệm vụ.
Để 141 tiếp tục triển khai có hiệu quả, tôi nghĩ sự đòi hỏi không có gì mới. Đầu tiên là sự quan tâm của lãnh đạo. Dứt khoát lãnh đạo công an TP phải hết sức quan tâm. Khi còn làm, tôi vẫn giao ban trực tiếp với các phó giám đốc, trưởng đơn vị và tổ trưởng các tổ 141. Khi mình chỉ đạo, trả lời, hướng dẫn các vấn đề thì anh em làm rất yên tâm.
Thứ hai là phải quan tâm đến đời sống, trang bị kiến thức pháp luật, công cụ hỗ trợ và cả vũ khí cho cán bộ, chiến sĩ. Ngoài ra cần có ôtô, môtô phân khối lớn rồi tiền ăn đêm. Tất cả những cái đó muốn duy trì phải hết sức quan tâm.
- Xin cám ơn trung tướng!
- Tối 13/5, nhóm “hiệp sĩ” đường phố gần chục người phát hiện nhóm tội phạm đang bẻ khóa một xe SH trên đường Cách Mạng Tháng Tám (phường 10, quận 3). Trong lúc vây bắt nghi can, họ bị nhóm tội phạm rút dao chống trả. Sau sự việc, 2 "hiệp sĩ" tử vong, 3 người khác phải nhập viện cấp cứu.
- Đến chiều 17/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Tấn Tài (Tài “mụn”, 24 tuổi, ngụ quận 12), Nguyễn Hoàng Châu Phú (24 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn), để điều tra về hành vi Trộm cắp tài sản và Giết người.
Riêng bị can Ngô Văn Hùng (32 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) bị khởi tố về hành vi Che giấu tội phạm.
- Cùng ngày 17/5, đại diện Văn phòng UBND TP.HCM cho biết đã nhận được tờ trình từ Sở Lao động - Thương binh & Xã hội. Trong tuần này UBND TP.HCM sẽ gửi hồ sơ lên Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội xem xét công nhận liệt sĩ đối với 2 “hiệp sĩ” Nguyễn Văn Thôi và Nguyễn Hoàng Nam; trình Thủ tướng cấp bằng Tổ quốc ghi công cho 2 trường hợp này.
Chân dung nhóm 'hiệp sĩ Sài Gòn' bị tấn công trong vụ trộm SH. Nhóm hiệp sĩ của ông Trần Văn Hoàng tối 13/5 bị tấn công khiến 2 người thiệt mạng và 4 người bị thương. Zing.vn từng đi theo nhóm ghi nhận trong một lần bắt cướp đêm. |
Theo Bá Chiêm - Hoàng Lam (Tri Thức Trực Tuyến)