Tình trạng cướp giật ở Sài Gòn là câu chuyện không hề mới như thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP.HCM, thừa nhận với Zing.vn tại cuộc họp báo hôm 15/5. Thậm chí, thời gian qua, nạn cướp giật diễn ra ngày càng phức tạp và táo tợn.
"Theo thống kê của Công an TP.HCM, số liệu cướp giật có lúc tăng có lúc giảm nhưng xu hướng chung trên tổng thể thì giảm về số. Còn về tính chất, tôi cho rằng vẫn còn nhiều vụ cướp giật, thậm chí cướp rất nhiều", thiếu tướng Phan Anh Minh nói.
Vụ 2 hiệp sĩ bị đâm chết khi vây bắt nhóm trộm xe khuya 13/5 xảy ra ngay giữa con đường trung tâm, đông đúc đã giống lên hồi chuông cảnh báo về việc mất an toàn của người dân, trong khi các băng nhóm tội phạm ngày càng manh động, táo tợn.
"Sống ở thành phố lớn nhất cả nước với đầy đủ tiện nghi, hiện đại mà chẳng lẽ cứ suốt ngày nơm nớp lo sợ trộm cướp vậy sao?", một người dân lo lắng.
Ở Sài Gòn, chỉ cần cầm điện thoại khi đứng bên đường là đều bị nhắc nhở: "Cất đi. Bị giật bây giờ". Các chị em có dây chuyền, bông tay hay vòng tay cũng không dám đeo hoặc có đeo thì lấy khăn, áo che đậy. Bởi những tên cướp sẵn sàng kéo nạn nhân đi hàng chục mét để giật cho được tài sản.
Chị Lê Thị Diễm Hằng (ở phường Tân Quý, quận Tân Phú, TP. HCM) từng bị cướp giật dây chuyền vàng, chia sẻ: "Tôi sợ lắm! Nhiều lúc đi ngang qua tiệm vàng muốn ghé vào sắm vài chỉ để dành cũng không dám vì sợ bọn cướp theo dõi. Bây giờ ra đường cũng không dám mang bất cứ thứ gì, có gì quý giá cất hết đi và kể cả điện thoại cũng không dám dừng lại ngoài đường để nghe".
Trong khi đó, ông Hoàng (lái xe ôm ở quận Phú Nhuận) tặc lưỡi: “Cướp giật bây giờ dữ tợn lắm, một mình với lại tay không thì không thể làm gì được vì bọn chúng đi đông và có cả hung khí".
Cứ vậy, người Sài Gòn giờ đây hễ ra đường là nơm nớp lo sợ cướp. Túi xách không dám mang, trang sức không dám đeo, thậm chí có người không dám mua xe sang vì sợ bị cướp để ý. “Giờ thanh niên ăn mặc lịch sự, đàng hoàng cũng ăn cướp chứ nói chi. Biết sao mà lường!”, một phụ nữ 55 tuổi thở dài.
Đến nay người dân Sài Gòn vẫn chưa thể quên cô gái Lê Thị Bích Tuyền (25 tuổi, ở Đồng Tháp), nạn nhân đã tử vong sau khi bị kẻ cướp giật túi xách trên đường Võ Thị Sáu (phường Tân Định, quận 1) ngày 27/6/2016. Cô gái chết khi trên đường về quê giỗ cha.
Trước đó, năm 2012, người dân Sài Gòn bàng hoàng khi hay tin chị Nguyễn Thị Ngọc Thúy bị Hồ Duy Trúc chặt tay trên cầu Phú Mỹ (quận 7, TP.HCM), để cướp xe SH.
Gần đây, ngày 19/4 vừa qua, mạng xã hội xuất hiện clip ghi lại cảnh cô gái bị kẻ cướp chạy xe máy tốc độ cao kéo lê qua ngã tư giao lộ Nguyễn Thái Học - Trần Hưng Đạo (quận 1, TP.HCM).
Kẻ cướp sau khi kéo lê cô gái hàng chục mét đã buông giỏ xách cùng nạn nhân ra và chạy về hướng cầu Ông Lãnh tẩu thoát. Nạn nhân may mắn chỉ bị xây xát.
Mới nhất, tối 13/5, cả Sài Gòn như rúng động trước tin nhóm trộm xe SH đâm chết 2 hiệp sĩ đường phố và 3 người khác trọng thương. Hiện trường vụ án chỉ cách trụ sở công an phường khoảng 200 m.
Có thể thấy, kẻ cướp giật ngày càng táo tợn, tàn nhẫn và liều lĩnh đến rợn người. Nạn nhân nếu chịu buông xuôi thì may mắn thoát, còn cứ cố chống cự, giành lại tài sản thì bị thương hoặc thậm chí mất mạng.
Án nặng nhưng tội phạm vẫn nhiều
Những phiên tòa xét xử tội phạm trộm, cướp vẫn được mở ra thường xuyên, các bị cáo nhận mức án nặng. Thế nhưng, tình trạng cướp giật vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm.
Và hầu hết những kẻ gây ra các vụ cướp đều là những người nghiện ma túy. Như thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP.HCM, chỉ ra: "Tỷ lệ người nghiện ma túy còn nhiều và do nhu cầu, sự lệ thuộc về ma túy dẫn đến xâm hại tài sản, nhất là xâm hại tài sản trên đường phố (chiếm 30-50%). Thống kê đầy đủ hơn thì tỷ lệ đối tượng cướp giật là người nghiện ma túy có thể cao hơn nhiều".
Còn nhớ phiên tòa xét xử nhóm cướp nghiện ma túy chuyên cầm mã tấu tự chế và roi điện đi trên đường thu hút sự chú ý của dư luận năm 2016. Chỉ trong vòng 3 tháng, băng này đã gây ra 22 vụ cướp tại TP.HCM và Long An, chém bị thương 9 người. Tài sản chúng cướp được gồm: 21 xe máy, 5 điện thoại, 6 triệu đồng tiền mặt,... với tổng giá trị hơn 300 triệu đồng. Các bị cáo lần lượt nhận mức án từ 12-16 năm tù.
Hay vụ án Hồ Duy Trúc chặt tay chị Nguyễn Thị Ngọc Thúy để cướp xe SH trên cầu Phú Mỹ (quận 7, TP.HCM) vào năm 2012. Bàn tay chị Thúy bị Trúc chém đứt may mắn được nối lại nhưng chị Thúy không thể làm được việc gì. Cuộc sống của chị và gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trước khi ra tay với chị Thúy, Trúc và đồng bọn đã thực hiện trót lọt 14 vụ khác trên nhiều quận, huyện ở TP.HCM, làm 12 người bị thương. Tòa tuyên phạt Trúc án tử hình.
Trên đây chỉ là một vài trong số rất nhiều vụ cướp giật xảy ra ở TP.HCM thời gian gần đây. Từng ngày, từng giờ trên đường phố Sài Gòn, vẫn còn rất nhiều nạn nhân của các vụ cướp. Người dân Sài Gòn lo lắng mỗi khi ra đường, du khách hoang mang mỗi lúc cầm túi xách xuống phố.
Theo thiếu tướng Phan Anh Minh, có nhiều nguyên nhân khiến tội phạm ở TP.HCM gia tăng. Một trong số đó là do tỷ lệ người nghiện ma túy còn nhiều, nhu cầu, sự lệ thuộc về ma túy dẫn đến xâm hại tài sản.
Bên cạnh đó, theo tướng Minh, TP.HCM đang cơ cấu lại nền kinh tế trong khi lượng người nhập cư đổ về đông. Người lao động phổ thông không được giáo dục, thụ hưởng văn hóa một cách đầy đủ nên nguy cơ tha hóa trở thành vấn đề không thể chối cãi.
"Có nhiều nguyên nhân nhưng trở lại chuyện giải quyết vấn đề tội phạm, công an là lực lượng nòng cốt nhưng không chỉ có công an, mà cần phải có sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Tội phạm là hiện tượng xã hội và có nguyên nhân xã hội. Phải giải quyết bằng giải pháp xã hội chứ không chỉ dựa mỗi lực lượng công an", thiếu tướng Phan Anh Minh nói với Zing.vn.
Theo Hoài Thanh (Tri Thức Trực Tuyến)