Video: Ông Trần Bắc Hà đã rời Việt Nam?
Phiên xét xử Phạm Công Danh, Trầm Bê và đồng phạm đã diễn ra được 1 tuần. Dù không thu hút sự chú ý nhiều như phiên xét xử ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh diễn ra đồng thời, nhưng cũng nhận được quan tâm của dư luận.
Vụ đại án liên quan tới lĩnh vực tài chính ngân hàng này có tới 46 bị cáo và hơn 200 người và 44 công ty liên quan, trong đó có tên tuổi nhiều đại gia đình đám như Hứa Thị Phấn (cố vấn cấp cao Ngân hàng Đại Tín); ông Trần Quý Thanh (GĐ tập đoàn Tân Hiệp Phát); bà Trần Ngọc Bích (con gái ông Thanh); ông Trần Bắc Hà (nguyên trưởng Phân ban rủi ro tín dụng đầu tư thuộc Ủy ban quản lý rủi ro ngân hàng BIDV)…
Trong số các bị cáo nguyên là lãnh đạo VNCB, nhiều bị cáo đã bị kết án trong đại án Phạm Công Danh giai đoạn 1. Ở giai đoạn 1, Phạm Công Danh đã bị tuyên phạt tổng hợp 30 năm tù cho hai tội cố ý làm trái và vi phạm quy định cho vay.
Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB) bị kết án 22 năm tù trong giai đoạn 1 của vụ án. Mai Hữu Khương (nguyên thành viên HĐQT, nguyên Phó giám đốc phụ trách VNCB chi nhánh Sài Gòn) cũng đang thi hành bản án 19 năm tù.
Do số lượng bị cáo và người có quyền lợi, nghĩa vụ và làm chứng quá đông, phần thủ tục và kiểm tra căn cước bị cáo diễn ra mất trọn một ngày và hai vị đại diện VKS cũng mất một ngày nữa để công bố bản cáo trạng dài 130 trang.
Được mời tới tòa với vai trò là người làm chứng và người có quyền lợi có liên quan, nhưng ông cả ông Trần Bắc Hà, Hứa Thị Phấn, Trần Lục Lang và Trần Quý Thanh đều vắng mặt. Trong đó, ông Trần Bắc Hà có nộp cho HĐXX hồ sơ bệnh án thể hiện ông này đang mắc bệnh ung thư gan và đang điều trị tại Singapore còn bà Hứa Thị Phấn hiện chỉ còn 7% sức khỏe. Ông Trần Lục Lang cũng gửi sổ khám bệnh tới HĐXX để cáo ốm, nhưng qua kiểm tra, bệnh của ông này không có gì nghiêm trọng.
Theo điều tra, Phạm Công Danh bị cáo buộc đã chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên ngân hàng VNCB và tập đoàn Thiên Thanh (do Danh sáng lập) sử dụng 29 lượt công ty do Phạm Công Danh thành lập hoặc mượn pháp nhân để lập hồ sơ khống vay hơn 6.000 tỉ đồng từ 3 ngân hàng TPBank, Sacombank và BIDV.
Phạm Công Danh dùng tiền của VNCB gửi sang 3 ngân hàng này để cầm cố, bảo lãnh cho các khoản vay. Sau khi cho các công ty vay tiền, 3 ngân hàng này thu hồi nợ từ số tiền gửi của VNCB với tổng số tiền hơn 6.000 tỉ đồng.
Toàn bộ số tiền vay được từ 3 ngân hàng, Phạm Công Danh chỉ đạo sử dụng vào các mục đích của Danh như chi tiêu, trả nợ, chi lãi suất ngoài vượt trần cho khách hàng.
Tại tòa, nhiều lần Trần Công Danh xin được trình bày về khoản lãi ngoài phải trả cho cha con ông chủ tập đoàn Tân Hiệp Phát -Trần Quý Thanh nhưng đều bị HĐXX gạt đi với lý do “Không được trình bày vấn đề này, lý do là các nội dung trên đã trình bày trong các phiên tòa giai đoạn 1 của vụ án và nay không thuộc phạm vi xét xử của giai đoạn 2”. Quyết định này của HĐXX khiến bị cáo Danh nói lớn: "Tôi rất bức xúc vì hành vi chi lãi ngoài nhưng chưa bao giờ được nói".
Giải thích về mục đích “chế” hồ sơ, dùng 12 công ty “ma” và thế chấp tiền gửi của VNCB đi vay 4.700 tỷ đồng của BIDV, các bị cáo cho rằng do áp lực tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ lên 7.500 tỷ theo ngân hàng NN yêu cầu, trong khi các cổ đông không còn khả năng góp thêm nên buộc Phạm Công Danh phải đi vay các ngân hàng bạn.
"Nếu như NHNN không thúc ép thì chúng tôi không thực hiện hành vi sai trái này. Nếu nói về lý thì chúng tôi sai, kính mong HĐXX xem lại bối cảnh, hoàn cảnh", bị cáo Danh bức xúc nói.
Phạm Công Danh và Phan Thành Mai đề nghị dùng số tiền 4.500 tỷ (được chuyển tới Sở giao dịch ngân hàng NN để tăng vốn điều lệ nhưng chưa tăng) cấn trừ vào phần thiệt hại.
Được triệu tập tới tòa, đại diện Ngân hàng Xây Dựng (sau khi Phạm Công Danh bị bắt, Ngân hàng NN mua lại với giá 0 đồng và đổi tên thành Ngân hàng Xây Dựng - CB) cho hay số tiền 4.500 tỷ, hiện NHNN là chủ sở hữu nên NHNN là bên quyết định chứ không phải là CB.
Là nhân vật thứ 2 được quan tâm trong vụ án là đại gia Trầm Bê (nguyên Phó chủ tịch HĐQT ngân hàng Sacombank). Trầm Bê đã phê duyệt cho Phạm Công Danh vay 1.800 tỷ đồng. Dù mới học tới lớp 6 nhưng Trầm Bê từng giữ trọng trách lớn ở 2 ngân hàng Phương Nam và Sacombank.
Theo Trầm Bê, luật không cấm việc cho chủ tịch các ngân hàng khác vay ngân hàng của mình và Phạm Công Danh đáp ứng được các yêu cầu nên đã đồng ý cho vay.
“Hôm nay đứng trước tòa, bị cáo thấy trách nhiệm của mình, nhưng mong tổ chức tín dụng nêu cho rõ, đừng để những người khác rơi vào như bị cáo. Bị cáo là một doanh nghiệp lớn mà để rơi vào sai lầm như thế này thì bị cáo không phục lắm. Luật hoàn toàn không cấm. Làm trái thì phải được tư lợi, rút được gì từ ông Danh. Cố ý làm trái, lấy gì để làm trái? Phải có tư lợi mới là làm trái. Truy tố bị cáo tội cố ý làm trái, bị cáo không phục”, bị cáo Trầm Bê bật khóc nói.
Kết thúc một tuần xét xử căng thẳng, nhiều vấn đề của vụ án đã được làm rõ nhưng cũng còn nhiều vấn đề vẫn chưa được bàn tới.
Theo diễn biến phiên tòa, sang tuần tới, các luật sư tiếp tục thẩm vấn các bị cáo về khoản vay 4.700 tỷ của BIDV và làm rõ về hành vi thứ 4 - hành vi cuối cùng của vụ án trong việc dùng tiền gửi tại Ngân hàng TPbank bảo lãnh và trả nợ thay cho 11 công ty vay vốn để mua trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Trung Dung.
Theo Đoàn Nga (VietNamNet)