Video xét xử Phạm Công Danh: Không có căn cứ thu hồi 6.126 tỷ cho VNCB
Chiều 12/1, để làm rõ trách nhiệm của các lãnh đạo và cán bộ Ngân hàng BIDV trong việc phê duyệt cho các công ty của ông Phạm Công Danh (cựu Chủ tịch HĐQT VNCB, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh) vay 4.700 tỷ đồng, HĐXX và VKS lần lượt thẩm vấn các bị cáo và những người liên quan.
Tuy nhiên, nhiều cán bộ và những người liên quan thuộc BIDV vắng mặt, trong đó có ông Trần Lục Lang (Phó giám đốc BIDV).
Đại diện VKS cho biết, sẽ xem xét nếu ông Lang không phải trường hợp được vắng mặt vì lý do bất khả kháng cần triệu tập bằng được. Còn chủ tọa Phạm Lương Toản cho hay sẽ ký giấy triệu tập lần ba, nếu những người này vẫn không có mặt sẽ áp dụng biện pháp nghiêm khắc hơn.
Trườc đó, toà cũng triệu tập ông Trần Bắc Hà (cựu Chủ tịch HĐQT BIDV) nhưng ông này có đơn xin không tham gia phiên toà vì đang điều trị ung thư gan ở nước ngoài.
Theo cáo buộc, giữa năm 2013, để có tiền tăng vốn điều lệ theo phương án tái cơ cấu VNCB, ông Danh đặt vấn đề với lãnh đạo BIDV gồm ông Đoàn Ánh Sáng và Trần Lục Lang (hai phó Tổng giám đốc phụ trách Ban khách hàng doanh nghiệp và phụ trách ban quản lý rủi ro) vay 4.700 tỷ đồng. Vì được ông Danh cam kết đảm bảo các khoản vay bằng tiền của VNCB gửi tại BIDV nên lãnh đạo ngân hàng duyệt cho vay.
Cơ quan điều tra xác định nhiều lãnh đạo, nhân viên của BIDV sai phạm trong việc cho các công ty của ông Danh vay, chỉ kiểm tra, thẩm định đánh giá tính hiệu quả của phương án kinh doanh dựa trên hồ sơ khống. Sai phạm này không gây thiệt hại cho nhà băng, song gián tiếp giúp ông Danh rút tiền của VNCB và gây thiệt hại hơn 2.550 tỷ đồng.
Liên quan vụ việc, ông Hoàng Long Hà, Nguyễn Ngọc Sơn và Nguyễn Vũ Bảo (là lãnh đạo và cán bộ BIDV Chi nhánh Gia Định) bị cho là đã cố ý làm trái quy định, giúp sức cho ông Danh trong việc giải ngân khoản vay 430 tỷ đồng.
Cán bộ Ngân hàng BIDV đổ lỗi cho nhau
Trả lời HĐXX về việc gặp gỡ và đồng ý phê duyệt cho các công ty của ông Danh vay như thế nào, ông Đoàn Ánh Sáng (Phó tổng giám đốc khác của BIDV) cho biết, nhiều lần ông Danh và cấp dưới Phan Thành Mai đến đặt vấn đề vay tiền, nhưng không phải với tư cách cá nhân mà gặp lãnh đạo ngân hàng.
"Việc đồng ý cho các công ty của ông Danh vay là thống nhất trên cơ sở chủ trương, vì VNCB tham gia vào chuỗi liên kết bốn bên với BIDV. Lúc đó ông Danh cho biết muốn giới thiệu các đối tác của mình sang BIDV để vay tiền", ông Sáng nói như trong cáo trạng.
Tham gia thẩm vấn Phó tổng giám đốc BIDV, đại diện VKS tiếp tục truy trách nhiệm trong việc phê duyệt 12 khoản vay. Ông Sáng vẫn khẳng định "cho vay như thế nào là do các chi nhánh thực hiện theo quy trình". "Nhiệm vụ của tôi là khởi động chủ trương cho vay với điều kiện là có tài sản bảo đảm theo quy định, chứ tôi không cầm bất cứ hồ sơ hay tài sản cầm cố nào", ông Sáng nói.
Lãnh đạo các chi nhánh đã giải ngân cho 12 công ty của ông Danh lần lượt được gọi lên thẩm vấn. Trong đó, có người thừa nhận đã chủ quan khi chỉ phê duyệt trên hồ sơ mà không đi kiểm tra thực tế vì tin tưởng "hồ sơ đã được hội sở phê duyệt". Về việc này, họ cho rằng lãnh đạo hội sở cũng có trách nhiệm.
Cũng xung quanh khoản vay này, HĐXX đặt câu hỏi với ông Trần Hoài Lâm (cán bộ BIDV thuộc nhóm phụ trách hỗ trợ chi nhánh thuộc địa bàn TP HCM). Ông này cho biết khi thực hiện chỉ đạo của cấp trên, đã đề xuất chủ trương cấp tín dụng cho 12 doanh nghiệp do VNCB giới thiệu. "Thời gian vay ngắn nên việc cấp gói tín dụng này phù hợp với quy định của BIDV", ông Lâm trả lời.
Theo toà, Ngân hàng Nhà nước có quy chế 1627 về việc cho vay phải có đủ 5 điều kiện, trong đó điều kiện chủ chốt là có phương án kinh doanh. Tuy nhiên, phía BIDV khi cho vay không biết khách hàng là ai, phương án trả nợ chưa thẩm định thực tế, phương án kinh doanh chưa có.
"Như vậy có đúng không?", chủ tọa chất vấn nhưng ông Lâm không trả lời mà nói "xin rút kinh nghiệm".
Nhiều cán bộ của BIDV vi phạm
HĐXX sau đó hỏi bà Nguyễn Thị Phương (Giám đốc Ban Pháp chế của BIDV, đại diện cho BIDV) có ý kiến gì về kết luận giám định của Ngân hàng Nhà nước đối với những người cho ông Danh vay 4.700 tỷ đồng là "có hành vi vi phạm cho vay nhưng không gây thiệt hại".
Bà Phương nói những cá nhân này "có sai sót chứ không phải là vi phạm trọng yếu" và BIDV kỷ luật những người liên quan". Theo quy trình, các lãnh đạo và cán bộ BIDV đã thực hiện đầy đủ và đúng với các quy định của pháp luật, quy định về cho vay của BIDV cùng quy chế 1627 của Ngân hàng Nhà nước.
VKS cũng đặt câu hỏi: "BIDV nghĩ thế nào khi ông Danh đã dùng tiền phạm tội mà có (rút trái phép từ VNCB) để đảm bảo cho khoản vay 4.700 tỷ đồng tại BIDV, và số tiền này cần phải thu hồi để khắc phục hậu quả?".
Đại diện BIDV cho rằng không biết tiền ông Danh đem bảo bảo có nguồn gốc từ đâu.
Kết thúc phiên làm việc, HĐXX cho biết ngày mai tòa tiếp tục làm rõ sự thật khách quan trong việc cấp tín dụng khoản vay 4.700 tỷ đồng cho các công ty của ông Danh. Chủ toạ lưu ý tất cả những người liên quan phải có mặt.
Trong giai đoạn tham gia tái cơ cấu VNCB, để có tiền chi chăm sóc khách hàng, trả nợ… ông Danh chỉ đạo cấp dưới sử dụng 29 lượt pháp nhân các công ty do mình thành lập hoặc đi mượn để lập hợp đồng vay khống tiền của các ngân hàng Sacombank, BIDV, TPBank.
Do những công ty này không hoạt động kinh doanh, ông Danh cam kết sử dụng tiền của VNCB để đảm bảo cho các khoản vay, dẫn đến thất thoát hơn 6.000 tỷ đồng. Trong đó, ông Trầm Bê bị cáo buộc giúp ông Danh rút trái phép 1.800 tỷ đồng của VNCB. Nhóm bị cáo thuộc Ngân hàng BIDV gián tiếp gây thiệt hại cho VNCB 2.550 tỷ đồng, số thiệt hại còn lại do người của TPBank giúp sức ông Danh gây ra.
Ngoài ra, trong thời gian điều hành VNCB, ông Danh và đồng phạm còn thực hiện nhiều hành vi sai phạm gây thiệt hại số tiền 9.000 tỷ đồng của nhà băng này. Vụ việc được đưa ra xét xử trong giai đoạn đầu của vụ án.
Năm ngoái ông bị TAND Cấp cao tại TP HCM giữ nguyên mức án 30 năm tù, buộc cùng người liên đới bồi thường số tiền thất thoát.
Theo Hải Duyên (VnExpress.net)