Chiều 12/3, 12 bị cáo và các luật sư tiếp tục tranh luận với đại diện VKSND Hà Nội trong phiên xét xử vụ án xảy ra tại dự án Ethanol Phú Thọ.
Trong gần 20 phút trình bày, ông Trịnh Xuân Thanh phản bác mọi cáo buộc, cho rằng chỉ ký hai văn bản xin cho PVC làm dự án với danh nghĩa chủ tịch HĐQT để gửi công khai cho PVB.
"Tôi là lãnh đạo doanh nghiệp nên lúc nào cũng muốn nhận công trình, trường hợp không làm được sẽ không xin. Quyền quyết định hay không do chủ đầu tư. Tuy nhiên cáo trạng lại nói chúng tôi không đủ năng lực mà vẫn xin làm dự án là không đúng, bởi chúng tôi chỉ thiếu 1-2 tiêu chí", ông Thanh trình bày.
Cựu chủ tịch PVC phủ nhận cáo buộc mình và các đồng phạm cấu kết thành "một nhóm lợi ích tiêu cực". PVC là công ty con chịu sự chỉ đạo của PVN nên ở đây là quan hệ cấp dưới cấp chứ không phải đồng phạm.
"Tôi hiện lĩnh án chung thân ở các bản án rồi, giờ thêm 5-10 năm nữa không vấn đề nhưng tôi phải kêu vì những anh em của tôi không phạm tội mà vẫn đi tù", ông Thanh nói.
Theo ông Thanh, dự án Ethanol tại Phú Thọ đã được đưa ra khỏi danh sách 12 "đại dự án thua lỗ" của ngành công thương bởi vốn nhà nước ở đây thấp. Dự án bị dừng không phải cho PVC không có năng lực thi công. "Mấu chốt là người có tiền muốn quyết định làm nữa hay không. Tóm lại thất bại vẫn do thiếu tiền. Vậy tương lai dự án vẫn đình trệ và thiệt hại thì ai sẽ là người đi tù", cựu chủ tịch PVC nêu vấn đề.
Cuối phần bào chữa, ông Thanh nói: "Ông Đinh La Thăng không thích tôi nhắc đến tên ông ấy nhưng tôi vẫn phải nhắc bởi tôi làm gì sai mà ông ấy buộc tội tôi, làm vậy là sỉ nhục người khác".
Suốt phần tranh luận ông Thanh đã nhiều lần chỉ tay vào các bị cáo khác và xưng hô không đúng mực nên vừa nói đến đây liền bị HĐXX nhắc nhở. Ông Thanh phản ứng rằng VKS nói nhiều mà không bị nhắc.
Trước đó trong phần bào chữa, ông Thăng cho rằng Trịnh Xuân Thanh nói nhận thầu dự án với giá 59 triệu USD do PVN có công văn chỉ đạo "khác nào tự tát vào mồm".
Bào chữa cho ông Thanh, luật sư Nguyễn Văn Quynh cho biết Liên danh nhà thầu PVC/Alfa Lava/ Delta-T nhận chỉ định thực hiện gói thầu TK05 dự án Ethanol Phú Thọ là đúng chủ trương, phù hợp với bối cảnh thời điẻm đó về việc đầu tư xây dựng các công trình ngành dầu khí. Hơn nữa, việc nhận chỉ định thầu còn đúng với điều lệ về định hướng phát triển của các công ty con theo chiến lược kinh doanh của PVN.
Theo luật sư Quynh, dự án dừng thi công do nguồn thu từ hợp đồng EPC không thể bù đắp cho những chi phí thực tế phát sinh của dự án. Cụ thể, chủ đầu tư PVB không đảm bảo được nguồn tài chính để thực hiện dự án. Bởi vậy, ông Quynh phản bác quan điểm của VKS cho rằng dự án dừng do PVC thiếu năng lực.
Ngược với bào chữa của ông Thanh, đại diện VKS cho rằng cựu chủ tịch PVC tại toà thường tỏ thái độ thiếu thành khẩn, không nhận tội nên không đươc áp dụng tình tiết giảm nhẹ thành khẩn khai báo.
Ông Thanh là đồng phạm tích cực trong vụ án, phạm tội lệ thuộc chỉ đạo của cấp trên. Cựu chủ tịch PVC biết rõ liên danh của mình không đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện gói thầu EPC của dự án Ethanol Phú Thọ nhưng vẫn thực hiện chỉ đạo của ông Thăng để ký nghị quyết đồng ý thực hiện dự án với giá hơn 59 triệu USD trong 18 tháng, dù trước đó đưa ra mức giá 85 triệu USD. Hành vi làm trái của ông Thanh và các đồng phạm dẫn đến thiệt hại cho PVB 543 tỷ đồng. Dự án hiện đình trệ nhiều năm.
Cựu chủ tịch PVC Trịnh Xuân Thanh bị đề nghị phạt 11-12 năm tù về tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng; 10-11 năm tù về Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ. Đây là người duy nhất trong vụ án bị truy tố hai tội danh.
Đây là vụ thứ ba ông Thanh bị xét xử. Trong năm 2018, ông Thanh bị tuyên phạt tù chung thân về các tội Tham ô tài sản và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng trong hai vụ án xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).
Theo Thanh Lam - Phạm Dự (VnExpress.net)