TP.HCM: Thêm nhiều phụ huynh mất hàng trăm triệu vì cuộc gọi lừa đảo

27/04/2023 21:45:11

Công an quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận và làm việc với 4 phụ huynh đến trình báo cơ quan công an về việc bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với tổng số tiền là 340 triệu đồng.

TP.HCM: Thêm nhiều phụ huynh mất hàng trăm triệu vì cuộc gọi lừa đảo
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Thời gian vừa qua, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao để hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi.

Phổ biến là hành vi gọi điện lừa đảo khiến nhiều người dân bị thiệt hại lớn về tài sản và gây bức xúc trong xã hội.

Công an Thành phố Hồ Chí Minh đang tích cực tiếp nhận, xác minh và điều tra với các trường hợp người dân trình báo là nạn nhân của các hoạt động lừa đảo trên.

Trao đổi với báo chí tại cuộc họp thông tin về tình hình dịch bệnh và phát triển kinh tế-xã hội Thành phố chiều 27/4, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu (Công an Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết các thủ đoạn phổ biến của tội phạm sử dụng công nghệ cao trong thời gian gần đây là mạo danh giáo viên hoặc nhân viên y tế báo tin cho phụ huynh về việc học sinh bị tai nạn cấp cứu, yêu cầu nhanh chóng chuyển tiền để đóng viện phí, cấp cứu, từ đó chiếm đoạt tài sản.

Bên cạnh đó còn có thủ đoạn giả danh cán bộ công an, viện kiểm soát, tòa án, nhân viên bảo hiểm, nhân viên viễn thông... bịa đặt thông tin, hù dọa nạn nhân liên quan đến vụ việc đang bị điều tra, làm nạn nhân hoang mang rồi yêu cầu phải chuyển tiền đảm bảo hoặc cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP rồi chiếm đoạt.

Về tiến độ điều tra các vụ việc trên, đặc biệt là các cuộc gọi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản dưới thủ đoạn giả mạo giáo viên, nhân viên y tế, Thượng tá Lê Mạnh Hà thông tin theo báo cáo, Công an quận 5 đã tiếp nhận và làm việc với 4 phụ huynh đến trình báo cơ quan công an về việc bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với tổng số tiền là 340 triệu đồng.

Ngoài ra, Công an Thành phố Hồ Chí Minh cũng ghi nhận thông tin phản ánh của 2 trường hợp khác nhưng không trình báo cơ quan công an, trong đó một trường hợp đã chuyển 90 triệu đồng và một trường hợp chưa chuyển tiền.

Bên cạnh đó, có 3 trường hợp phản ánh đến bệnh viện cũng được cơ quan công an mời làm việc nhưng không tới.

Kết quả xác minh ban đầu của Công an Thành phố Hồ Chí Minh, các số điện thoại lừa đảo đều tắt máy, không còn hoạt động và không xác định được chủ thuê bao, tại thời điểm gọi cũng không thể hiện vị trí GPS.

Về xác minh số tài khoản nhận tiền chiếm đoạt, Công an thành phố xác định được hai số tài khoản được mở tại hai ngân hàng và bán lại cho hai đối tượng khác với số tiền 1,5-2 triệu đồng/tài khoản.

Liên quan trường hợp này, sau xác minh, Công an tỉnh Trà Vinh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can một đối tượng với tội danh thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai trái phép thông tin tài khoản ngân hàng.

Thượng tá Lê Mạnh Hà nhận định các vụ việc liên quan đến thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao gần đây khá phức tạp và tinh vi; liên quan đến nhiều đối tượng, nhiều địa phương, trong đó có khả năng đối tượng cầm đầu nằm ngoài khu vực lãnh thổ Việt Nam.

Cơ quan Công an Thành phố Hồ Chí Minh cùng các phòng nghiệp vụ sẽ tiếp tục điều tra, phối hợp xác minh, xử lý vụ việc.

Thượng tá Lê Mạnh Hà cũng khuyến cáo người dân cảnh giác, không chuyển tiền cho bất kỳ ai khi chưa rõ về họ; xác minh kỹ thông tin khi có người thân nhắn mượn tiền và không cung cấp mã OTP cho bất cứ ai.

Bên cạnh đó, Thượng tá Lê Mạnh Hà cảnh báo những cách kiếm tiền được quảng cáo trên mạng xã hội phần lớn là lừa đảo. Đặc biệt, người dân cần xác định rõ, các cơ quan Nhà nước như cơ quan công an, bệnh viện, trường học không làm việc qua điện thoại; do đó, khi nhận được cuộc gọi mạo danh những cơ quan trên, người dân không nên hoảng loạn mà phải lập tức liên hệ lại theo số điện thoại chính thức để xác minh./.

Theo Hồng Giang (VietNam+)

Nổi bật