Thủ tục dẫn độ cựu Thứ trưởng Bộ Công thương về nước như thế nào?

18/07/2020 07:00:00

Thời điểm Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, cựu Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa được cho là đang ở nước ngoài. Dư luận băn khoăn, liệu cơ quan tố tụng của Việt Nam sẽ làm gì để dẫn độ bị can này về nước xử lý?

Ít ngày trước, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Hồ Thị Kim Thoa, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương để điều tra về hành vi "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí". Hiện bà Thoa được cho là đang ở nước ngoài nên cơ quan chức năng đã ra quyết định truy nã bị can này.

Tháng 5/2010, bị can Hồ Thị Kim Thoa được bổ nhiệm giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Công Thương, phụ trách trực tiếp Vụ Công nghiệp nhẹ và Tổng công ty Sabeco. Biết khu đất 2-4-6 Hai Bà Trung (TP HCM) đã được sắp xếp, giao cho Bộ Công thương, Sabeco để quản lý, sử dụng, đầu tư, xây dựng khách sạn 6 sao… không được thành lập pháp nhân mới nhưng bà Thoa vẫn báo cáo ông Vũ Huy Hoàng ký, phê duyệt 3 văn bản chấp thuận chủ trương cho Sabeco liên doanh, liên kết thành lập Công ty Sabeco Pearl.

Các bị can lợi dụng việc sắp xếp cơ sở nhà đất của doanh nghiệp nhà nước làm thủ đoạn để dần chuyển dịch quyền sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng từ Sabeco sang Công ty Sabeco Pearl (từ tài sản nhà nước sang tư nhân). Bằng các thủ đoạn thực hiện hành vi phạm tội nêu trên của bị can Hồ Thị Kim Thoa, quyền sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng có diện tích 6.080m2 bị dịch chuyển từ doanh nghiệp Nhà nước sang doanh nghiệp tư nhân. Hậu quả, thiệt hại, thất thoát và lãng phí cho ngân sách Nhà nước là đặc biệt lớn.

Cơ quan tố tụng xác định, hành vi của bị can Thoa đã cấu thành tội "Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" theo Điều 219 (BLHS 2015). Do bị can Hồ Thị Kim Thoa bỏ trốn, thời hạn điều tra vụ án đã hết, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định truy nã bị can, quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án và Quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can... Khi nào bắt được bị can sẽ tiến hành phục hồi điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật.

Thủ tục dẫn độ cựu Thứ trưởng Bộ Công thương về nước như thế nào?
Bị can Hồ Thị Kim Thoa khi còn đương chức (ảnh TL)

Trước thông tin bà Thoa không còn ở trong nước, dư luận băn khoăn việc dẫn độ bị can này từ nước ngoài về chịu tội sẽ được thực hiện như nào? Theo luật sư Vũ Đức Long (Đoàn luật sư Hà Nội), căn cứ khoản 1 (Điều 32, Luật Tương trợ tư pháp năm 2007), dẫn độ là việc một nước chuyển giao cho nước khác người có hành vi phạm tội hoặc người bị kết án hình sự đang có mặt trên lãnh thổ nước mình để nước được chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án đối với người đó.

Điều này có nghĩa, trên cơ sở sự thỏa thuận giữa các quốc gia, quốc gia được yêu cầu sẽ tiến hành trao trả cá nhân phạm tội đang hiện diện trên lãnh thổ của quốc gia mình cho quốc gia yêu cầu. Hai quốc gia này sẽ phải tiến hành dẫn độ theo đúng các trình tự, thủ tục mà các bên thỏa thuận: Về lệnh bắt giữ, bản miêu tả hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội…, đồng thời, các quốc gia phải thỏa thuận về thời gian, địa điểm cụ thể để tiến hành trao trả cá nhân này.

"Mục đích của hoạt động dẫn độ tội phạm là nhằm tiến hành xét xử hoặc thi hành một bản án đã có hiệu lực đối với cá nhân phạm tội. Chúng ta thường hiểu rằng nếu cá nhân tiến hành hành vi phạm tội trên lãnh thổ của một quốc gia thì cá nhân đó đương nhiên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật của quốc gia đó. Tuy nhiên, trong trường hợp cá nhân lẩn trốn sang lãnh thổ của quốc gia khác, thẩm quyền xét xử quốc gia nơi kẻ phạm tội thực hiện hành vi vi phạm đã bị giới hạn về thẩm quyền tài phán đối với cá nhân đó.

Bởi vậy, mục đích của hoạt động dẫn độ chính là việc buộc cá nhân phải trở về quốc gia mà người đó đã tiến hành hành vi phạm tội, chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Việc dẫn độ cũng có thể nhằm mục đích thực hiện một bản án đã được cơ quan tài phán của quốc gia này tiến hành xét xử đối với cá nhân thực hiện hành vi phạm tội trước khi lẩn trốn sang lãnh thổ quốc gia khác" luật sư Long phân tích.

Cũng theo luật sư Long, yêu cầu về dẫn độ phải được lập thành văn bản theo thể thức quy định. Trình tự, thủ tục gửi yêu cầu về dẫn độ được thực hiện theo kênh ngoại giao hoặc tư pháp của các quốc gia có liên quan. Theo đó, văn bản yêu cầu dẫn độ phải ghi nhận các nội dung quan trọng như sau: Tên của cơ quan được yêu cầu dẫn độ tội phạm; Trình bày có tính chất miêu tả các hoàn cảnh thực tế của hành vi phạm tội và văn bản pháp lý trong nước của quốc gia yêu cầu dẫn độ khẳng định cơ sở pháp lý để công nhận hành vi đã thực hiện là hành vi tội phạm theo pháp luật nước này;

Họ và tên của cá nhân bị yêu cầu dẫn độ, quốc tịch, nơi thường trú hoặc tạm trú của người này và trong khả năng cho phép là bản nhân dạng cùng các thông tin dữ liệu về lý lịch nhân thân và ảnh của cá nhân phạm tội; Mức độ thiệt hại vật chất nếu có do hành vi tội phạm gây ra.

"Đối với yêu cầu dẫn độ tội phạm để tiến hành các thủ tục tố tụng truy cứu trách nhiệm hình sự cần phải có bản sao được công chứng quyết định bắt giữ của cơ quan có thẩm quyền. Đối với trường hợp để thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật cần kèm theo bản sao bản án được công chứng đã có hiệu lực thi hành và nội dung các quy định của luật hình sự mà bản án đã được tuyên dựa trên cơ sở của các quy định này", luật sư Long nói.

Theo Bình Minh (Giaidinh.net.vn)

Nổi bật