Chiều 2/4, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, phóng viên đã đặt câu hỏi về hiện tượng Khá "Bảnh" tức là Ngô Bá Khá (tức Khá "Bảnh") có tiền án, tiền sự, công an đã nắm rõ và đối tượng thường xuyên đăng tải các clip "phản cảm, tục tĩu" lên mạng xã hội, tuy nhiên, tại sao bây giờ lực lượng chức năng mới xử lý?.
Trả lời câu hỏi này, Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, ngày hôm qua, Công an tỉnh Bắc Ninh đã tiến hành bắt giữ đối với Ngô Bá Khá (tức Khá "Bảnh") về tội đánh bạc và tổ chức đánh bạc.
Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định, lực lượng công an đã nắm chắc về các hoạt động của trường hợp này và tiến hành các biện pháp về mặt pháp luật.
Về quá trình Khá "Bảnh" có nhiều hoạt động gây bức xúc trên mạng xã hội, Thượng tướng Bùi Văn Nam nêu rõ, đây là việc làm, hiện tượng cần phải phối hợp ngăn chặn kịp thời.
"Việc ngày hôm qua công an tỉnh Bắc Ninh tiến hành bắt tạm giữ, tiến hành khám xét, thể hiện hết sức cương quyết đối với Khá "Bảnh"", Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh.
Trả lời thêm về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, nói việc giới trẻ tiếp xúc với những vấn đề như Khá "Bảnh" trên mạng xã hội rất nguy hiểm và cực kỳ không tốt.
Ông nói, trong phiên họp Chính phủ hôm nay, Thủ tướng rất gắt gao vấn đề này và cho rằng liên quan đến công tác quản lý Nhà nước của Bộ TT-TT, về quản lý mã độc, thông tin không đúng sự thật.
"Hôm nay, rất mừng, Bộ Công an đã điều tra vụ án Khá "Bảnh". Chúng ta thấy rằng, những trường hợp như thế này không thể chấp nhận được. Một xã hội lành mạnh như thế này không thể chấp nhận hành vi đó", Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Về trách nhiệm của Bộ TT-TT liên quan đến việc xuất hiện nhiều clip, thông tin xấu của Khá "Bảnh" trên mạng xã hội, Thứ trưởng Bộ TT-TT Hoàng Vĩnh Bảo cho hay, hiện Bộ đang phối hợp với các doanh nghiệp như Facebook, Google để giảm thiểu những thông tin này.
Đồng thời, đang tiếp tục điều chỉnh các văn bản pháp luật liên quan vấn đề này, trên cơ sở đó, tạo sự công bằng giữa doanh nghiệp trong nước và ngoài nước trong việc cung cấp mạng xã hội.
Mục đích chính phải quản lý được các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ mạng xã hội ở Việt Nam, trong đó, tuân thủ các quy định pháp luật, thực hiện nghĩa vụ tài chính...
Bên cạnh đó, Bộ đang xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của mọi người trên mạng xã hội.
"Trách nhiệm của gia đình, xã hội, nhà trường trong việc giáo dục con cái tham gia mạng xã hội như thế nào. Báo chí cần nói rõ tác dụng của mạng xã hội và lên án, phê phán những hành vi vi phạm trên đây", ông Bảo nêu thêm.
Theo Hoàng Đan (Trí Thức Trẻ)