Tài xế gây tai nạn có bị khởi tố nếu nạn nhân xin miễn xử lý hình sự?

08/02/2019 08:13:09

Nếu tài xế gây tai nạn khắc phục toàn bộ thiệt hại, bồi thường tổn thất và nạn nhân không đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì liệu công an có khởi tố bị can?

Sau khi đi chúc Tết đầu năm mới cùng các đồng nghiệp, vợ tôi uống rượu rồi lái ôtô về nhà. Trên đường đi, cô ấy đã lỡ đạp nhầm chân ga, đâm liên tiếp vào 2 xe máy chở 4 người. Các nạn nhân đều bị thương, có người gãy chân, có người chấn thương sọ não.

Một người nói, nếu vợ tôi khắc phục toàn bộ thiệt hại, bồi thường tổn thất và 4 nạn nhân không đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì công an sẽ không khởi tố bị can. Điều đó có đúng không? Nếu vẫn bị khởi tố, vợ tôi có dấu hiệu phạm tội gì? Hình phạt có nặng không?

Giải đáp thắc mắc của anh Nguyễn Quang Huy (ở quận Ba Đình, Hà Nội), luật sư Giang Hồng Thanh (Văn phòng luật sư Giang Thanh) cho rằng:

Theo quy định tại Khoản 8, Điều 8 Luật Giao thông đường bộ, một trong những hành vi bị nghiêm cấm là: Điều khiển ôtô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Đối chiếu với điều luật này, vợ bạn đã vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ và gây tai nạn trong lúc vi phạm.

Tuy nhiên, tài xế có bị xử lý hình sự hay không phụ thuộc vào hậu quả xảy ra. Hậu quả ở đây là thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tài xế gây tai nạn có bị khởi tố nếu nạn nhân xin miễn xử lý hình sự?
Hiện trường vụ ôtô Lexus tông hàng loạt xe máy ở Hà Nội chiều 18/12/2018. Ảnh: Trần Anh.

Điều 260 Bộ luật hình sự quy định về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Cụ thể, người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30 triệu đến 100 triệu, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương có thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đến dưới 500 triệu đồng.

Căn cứ Điều 260, nếu những người bị thương được giám định và có tỷ lệ thương tật phù hợp với điểm b, điểm c nêu trên hoặc thiệt hại về tài sản phù hợp với điểm d, thì vợ bạn hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn nếu không phù hợp với các điểm này thì kể cả vợ bạn vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, hành vi đó cũng chỉ bị xử phạt hành chính.

Trong trường hợp những người bị thương đã được giám định và có tỷ lệ thương tật phù hợp với điều luật nêu trên thì dù cho họ có không đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự vợ bạn, cơ quan công an vẫn có quyền xử lý không phụ thuộc vào đề nghị đó.

Mức phạt phụ thuộc vào hậu quả xảy ra. Tỷ lệ thương tật càng cao hoặc giá trị tài sản bị thiệt hại càng lớn, hình phạt sẽ tỷ lệ thuận với hậu quả.

Đối với tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, hình phạt thấp nhất là phạt tiền từ 30 triệu đến 100 triệu, cao nhất là 15 năm tù.

Theo Hoàng Lam (Tri Thức Trực Tuyến)