Sức mạnh đồng tiền giúp bà Trương Mỹ Lan ‘một tay che cả bầu trời’

10/03/2024 06:11:57

Đối với nhân viên, bà Trương Mỹ Lan trả mức lương cao ngất ngưởng để nhận sự hỗ trợ đắc lực trong việc rút tiền của Ngân hàng SCB. Đối với cán bộ Nhà nước, bà không ngại chung chi số tiền “khủng” để được bỏ qua các sai phạm.

Bà Trương Mỹ Lan và các đồng phạm đã phải ra tòa để trả giá cho hành vi phạm tội của mình. Theo cáo buộc, cuối năm 2011, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (Ngân hàng SCB) được thành lập trên cơ sở hợp nhất 3 ngân hàng gồm: Ngân hàng TMCP Sài Gòn, Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa và Ngân hàng TMCP Đệ Nhất. 

Do đã sở hữu phần lớn Ngân hàng TMCP Sài Gòn nên khi hợp nhất, bà Lan tiếp tục mua thêm cổ phần của SCB nên số cổ phần của bà tăng lên tới 91,5%.

Sức mạnh đồng tiền giúp bà Trương Mỹ Lan ‘một tay che cả bầu trời’
Bà Trương Mỹ Lan

Từ đây, bà Lan đã thao túng mọi hoạt động của SCB, sử dụng ngân hàng này như một công cụ tài chính, huy động tiền gửi và vốn từ các nguồn khác. Sau đó chỉ đạo rút tiền bằng cách tạo lập các khoản vay khống, phục vụ cho mục đích cá nhân. Bằng thủ đoạn này, bà Trương Mỹ Lan đã chiếm đoạt của Ngân hàng SCB hơn 304.000 tỷ đồng.

Để thực hiện hành vi phạm tội, bà Trương Mỹ Lan đã dùng tiền để mua chuộc từ nhân viên trong chính Ngân hàng SCB và các cán bộ Nhà nước.

Đối với những người giữ vị trí chủ chốt trong SCB, bà Lan tỏ ra rất rộng rãi. Bà sẵn sàng trả cho họ mức lương từ 200-500 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, dịp lễ tết còn tặng quà, tiền rất hậu hĩnh.

Như trường hợp của bị cáo Bùi Anh Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT SCB), dù biết rõ ngân hàng này không hề thẩm định khách hàng, thẩm định tài sản đảm bảo, không quan tâm đến phương án vay vốn…nhưng vẫn ký tờ trình thẩm định, biên bản biểu quyết, phiếu biểu quyết của HĐQT đồng ý cho khách hàng ở các công ty "ma" của bà Trương Mỹ Lan vay, gây thiệt hại cho SCB hơn 26 nghìn tỷ đồng.

Chính sự “ngoan ngoãn” này của bị cáo Dũng đã được bà Trương Mỹ Lan thưởng thêm 500 ngàn cổ phiếu (tương đương 5 tỷ đồng). 

Sức mạnh đồng tiền giúp bà Trương Mỹ Lan ‘một tay che cả bầu trời’ - 1
Bà Đỗ Thị Nhàn

Hay như bị cáo Trương Khánh Hoàng (quyền Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB), dù biết rõ các khoản vay của bà Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đều trái quy định của pháp luật, nhưng do được trả mức lương cao và còn được bà Lan cho tới 10 triệu cổ phiếu (tương đương 100 tỷ đồng) nên bị cáo tích cực giúp sức cho bà Lan rút tiền của SCB.

Không giúp bà Trương Mỹ Lan rút tiền của SCB như các đồng nghiệp nhưng bị cáo Phạm Thu Phong (Trưởng ban kiểm soát SCB) đã không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ quy định của Ban kiểm soát trong quá trình ngân hàng này cấp tín dụng đối với khách hàng Trương Mỹ Lan nên đã không phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý đối với các sai phạm của SCB trong hoạt động cấp tín dụng. Khi nghỉ việc, Phong được bà Lan hỗ trợ tới 20 tỷ đồng.

Không chỉ chi lương thưởng hậu hĩnh cho nhân viên, bà Trương Mỹ Lan còn chung chi rất mạnh tay khi SCB bị “sờ gáy” để được bỏ qua.

Cụ thể, theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và Văn phòng Chính phủ về thanh tra Ngân hàng SCB, bị cáo Nguyễn Văn Hưng (cựu Phó Chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước) đã thành lập đoàn thanh tra và triển khai 2 đợt thanh tra vào năm 2017-2018.

Bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra - giám sát ngân hàng II, thuộc Ngân hàng Nhà nước) được cử làm trưởng đoàn tiến hành thanh tra SCB.

Sức mạnh đồng tiền giúp bà Trương Mỹ Lan ‘một tay che cả bầu trời’ - 2
Các bị cáo tại tòa

Quá trình thanh tra, bà Nhàn và thuộc cấp phát hiện hàng loạt sai phạm tại SCB. Biết sự việc bại lộ, bà Trương Mỹ Lan đã cho Võ Tấn Hoàng Văn (nguyên Tổng giám đốc) và Đinh Văn Thành (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB - hiện đã bỏ trốn) 4 lần tới gặp bà Nhàn để “lót tay” 5,2 triệu USD (tương đương 130 tỷ đồng).

Bị cáo Nguyễn Văn Hưng cũng được bà Trương Mỹ Lan biếu 390.000 USD. Các bị cán bộ khác trong 2 tổ thanh tra đều nhận được quà từ bà Trương Mỹ Lan, người ít nhất là 1.000 USD và 20 triệu đồng, người nhiều là 20.000 USD và 210 triệu đồng.

Dù thực trạng tài chính của SCB rất nghiêm trọng, lẽ ra phải đưa vào diện kiểm soát đặc biệt; chuyển cơ quan chức năng xem xét, xử lý. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, bà Nhàn, ông Hưng và các thành viên 2 tổ thanh tra đã bưng bít, bao che sai phạm.

Khi kết luận thanh tra được ban hành, rất nhiều nội dung đã bị bỏ, làm thay đổi hoàn toàn bản chất hoạt động tín dụng trái pháp luật và thực trạng tài chính của SCB.

Chính điều này đã khiến sai phạm của bà Trương Thị Mỹ Lan và đồng phạm không bị ngăn chặn kịp thời, dẫn tới hậu quả vô cùng lớn.

Theo Thanh Phương (VietNamNet)