Chân dung ông Phạm Hoàng Anh vừa bị bắt vì nhận hối lộ
Sáng 28/3, Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với ông Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc về tội "Nhận hối lộ", quy định tại khoản 4 Điều 354 Bộ luật Hình sự.
Đây là kết quả mở rộng điều tra vụ án "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Nhận hối lộ; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi", xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Bất động sản Thăng Long, tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh Vĩnh Phúc và các đơn vị, địa phương liên quan.
Ông Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc sinh năm 1975, nguyên quán huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Ông đã từng đảm nhiệm qua nhiều chức vụ quan trọng của tỉnh Vĩnh Phúc như: Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Xây dựng Vĩnh Phúc.
Tháng 9/2017, ông Phạm Hoàng Anh được Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ định làm Bí thư Thành uỷ Vĩnh Yên.
Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, ông Phạm Hoàng Anh - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc, Bí thư Thành ủy Vĩnh Yên được Đại hội tín nhiệm bầu giữ chức Phó Bí thư tỉnh uỷ Vĩnh Phúc, nhiệm kỳ 2020-2025.
Tại buổi tọa đàm khoa học “Một số vấn đề lý luận - thực tiễn về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ” do Tỉnh ủy Vĩnh Phúc phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức, ông Phạm Hoàng Anh đã có bài phát biểu đáng chú ý.
Ông cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII, góp phần rất quan trọng để xây dựng Đảng bộ, chính quyền tỉnh trong sạch vững mạnh.
Tuy nhiên, người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị còn có “tư duy nhiệm kỳ”, tư tưởng “chợ chiều, cuối khóa”, chưa thực hiện nghiêm túc các quy định nêu gương, còn bố trí người nhà, người thân tham gia đấu thầu và thực hiện các dự án do ngành mình làm chủ đầu tư, gây dư luận không tốt.
Một số tổ chức Đảng, cán bộ, Đảng viên, kể cả cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý còn vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, gây mất đoàn kết nội bộ, để xảy ra sai phạm đến mức phải xử lý kỷ luật.
Sai phạm trong dự án nào khiến ông Phạm Hoàng Anh bị bắt?
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định bị can Phạm Hoàng Anh đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu (tức Hậu "pháo", Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn) để tạo điều kiện cho doanh nghiệp của Hậu thực hiện dự án Chợ Đầu mối Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc.
Đây là kết quả mở rộng điều tra vụ án "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Nhận hối lộ; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi", xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Bất động sản Thăng Long, tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh Vĩnh Phúc và các đơn vị, địa phương liên quan.
Dự án Chợ đầu mối Vĩnh Tường có tên đầy đủ là Khu chợ đầu mối nông sản thực phẩm, hệ thống kho vận và khu đô thị thương mại Vĩnh Tường.
Ban đầu, dự án do Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Bất động sản Thăng Long làm chủ đầu tư, đến năm 2019, dự án được chuyển nhượng cho Tập đoàn Phúc Sơn. Tính đến nay, dự án đã trải qua 4 lần điều chỉnh quy hoạch.
Tổng diện tích dự án là trên 186ha, thuộc địa phận huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc). Dự án được chia thành các phân khu: đô thị thương mại, chợ đầu mối nông sản thực phẩm, hệ thống kho vận và chợ điện tử, vật liệu xây dựng. Tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỉ đồng.
Ngày 6/3/2019, Thanh tra Sở Xây dựng Sở Xây dựng Vĩnh Phúc đã kiểm tra, xử phạt hành chính đối với Chủ đầu tư dự án chợ đầu mối Vĩnh Tường về hành vi vi phạm hành chính trong việc thi công xây dựng không có giấy phép xây dựng.
Dự án này được đánh giá hội tụ đủ các yếu tố “thiên thời - địa lợi - nhân hòa” để trở thành đầu mối giao thương sầm uất nhất khu vực phía Bắc nhưng đến nay ở trong tình trạng cửa đóng, then cài, xây dựng dang dở.
Theo Chi Chi (Đời Sống & Pháp Luật)