Năm 2010 tại bản án sơ thẩm TAND TP HCM xác định ông Huỳnh Ngọc Sĩ khi đương chức giám đốc Ban quản lý dự án Đại lộ Đông - Tây đã tạo điều kiện cho nhà thầu PCI (Nhật Bản) thắng hai gói thầu và được "lại quả" 10-11% "hoa hồng".
Theo tòa, PCI bảy lần đưa tiền cho ông Sĩ nhưng cơ quan điều tra chỉ chứng minh được một lần vào ngày 28/3/3003 với 262.000 USD (hơn 5,1 tỷ đồng) từ nguyên giám đốc điều hành PCI.
TAND TP HCM tuyên phạt ông Sĩ án tù chung thân do phạm tội Nhận hối lộ, buộc nộp lại toàn bộ số tiền phạm tội để sung công quỹ. Tòa cũng kiến nghị làm rõ hành vi ông Sĩ nhận tiền 6 lần trước đó.
Năm 2011, tại phiên tòa phúc thẩm, gia đình ông Sĩ đã nộp 3 tỷ đồng. Tòa phúc thẩm chấp nhận một phần đơn kháng cáo, giảm hình phạt từ chung thân xuống còn 20 năm. Suốt quá trình điều tra và xét xử ông Sĩ đều kêu oan, phủ nhận cáo buộc.
Giữa năm 2018 tại phiên xét vử vụ án sai phạm xảy ra ở Công ty CP Hóa dầu Xơ sợi Dầu khí (PVTex), TAND Hà Nội tuyên phạt ông Trần Trung Chí Hiếu (55 tuổi, cựu chủ tịch Hội đồng quản trị PVTex) mức 15 năm tù về tội Nhận hối lộ.
Theo tòa, khi nghe Vũ Đình Duy (nguyên tổng giám đốc PVTex, đang bỏ trốn) trình bày về việc Đỗ Văn Hồng (nguyên chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc PVC.KBC) muốn lập công ty CP PVTex Kinh Bắc để làm "sân sau", ông Hiếu đã làm tờ trình gửi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Theo thoả thuận, nếu mọi việc trót lọt, ông Hiếu và Duy mỗi người sẽ có 10% cổ phần (tương đương ba tỷ đồng) trong PVTex Kinh Bắc.
Trong vụ án ở Long An, Nguyễn Trọng Tính được phân công làm làm trưởng đoàn kiểm tra thuế doanh nghiệp tại doanh nghiệp ở Bến Lức. Phát hiện công ty có sai phạm, Tính nhiều lần gọi điện gợi ý giám đốc chi tiền bồi dưỡng để được sửa báo cáo, giảm tiền phạt. Giám đốc công ty đồng ý bồi dưỡng 200 triệu đồng nhưng Tính không chịu.
Tính sau đó gọi điện ép nhiều lần nên công ty thỏa thuận sẽ chi 400 triệu đồng, đổi lại cán bộ thuế sẽ sửa báo cáo để giảm mức phạt từ 1,4 tỷ đồng xuống dưới 600 triệu đồng. Tháng 7/2016, Tính đang nhận 200 triệu đồng thì bị bắt quả tang. Một năm sau, cán bộ thuế này bị phạt 6 năm tù về tội Nhận hối lộ.
Từ 1/1/2018, hình phạt với tội Nhận hối lộ theo Bộ luật Hình sự 2015 đã thay đổi so với quy định cũ (Bộ luật Hình sự 1999), trong đó xử lý cả những có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước.
Luật mới cho phép người bị kết tội nếu chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì hình phạt tử hình được chuyển thành chung thân.
Pháp luật hiện hành quy định về hành vi Nhận hối lộ như sau: Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng; lợi ích phi vật chất.
Mức phạt từ 7 năm đến 15 năm tù được áp dụng với trường hợp: đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt; của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước.... Theo luật cũ, giá trị tài sản từ 10 triệu đến dưới 50 triệu đồng.
Án tù tăng lên 15 năm đến 20 năm nếu của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500 triệu đồng đến dưới một tỷ đồng; gây thiệt hại về tài sản từ 3 tỷ đồng đến dưới 5 tỷ đồng. Theo luật cũ, giá trị tài sản từ 300 triệu đồng.
Trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ một tỷ đồng hoặc gây thiệt hại về tài sản 5 tỷ đồng trở lên, mức phạt lên tới 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Theo luật cũ, nếu "của hối lộ" có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên hoặc hành vi gây hậu quả nghiêm trọng, người nhận hối lộ sẽ bị phạt mức này.
Theo Phạm Dự (VnExpress.net)