Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Phạm Nhật Vũ (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Nghe nhìn Toàn cầu - AVG) về tội Đưa hối lộ, quy định tại khoản 4, điều 364 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Việc khởi tố, bắt tạm giam ông Vũ nằm trong giai đoạn điều tra mở rộng vụ án Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại MobiFone và các đơn vị có liên quan.
Hình phạt tội đưa hối lộ quy định ra sao?
Thạc sĩ - luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư Hà Nội) cho hay, tội Đưa hối lộ và Nhận hối lộ thường xuất hiện trong nhóm tội liên quan đến hành vi tham nhũng.
Trong các tội này, người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì sẽ đủ căn cứ khởi tố.
"Sẽ đưa ở đây có thể được chứng minh thông qua hình thức một lời hứa hẹn, dù có thể chưa đưa tiền nhưng đã có lời hứa đó, thì vẫn bị xử lý hình sự", luật sư phân tích.
Một điểm mới trong Bộ luật Hình sự 2015 đó là đưa hay nhận hối lộ bằng "lợi ích phi vật chất". Những lợi ích này không thể hiện dưới dạng tài sản hoặc tiền mặt, mà đó có thể là hối lộ tình dục, hứa trả công, giúp đỡ hoặc cam kết nào đó có lợi cho người đưa hối lộ.
Tuy nhiên, để chứng minh được những lợi ích phi vật chất đó trong các vụ án đưa và nhận hối lộ, cơ quan tố tụng gặp rất nhiều khó khăn.
Theo Điều 364 Bộ luật Hình sự, người đưa hối lộ bằng vật chất (có thể nhìn, sờ, chạm) được hoặc lợi ích phi vật chất khác thì bị phạt nhẹ nhất 2 năm tù.
Trường hợp ông Phạm Nhật Vũ bị khởi tố theo khoản 4 Điều này, nghĩa là bị can đã phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỷ đồng trở lên, thì bị phạt từ tù 12 năm đến 20 năm.
Nhận hối lộ có thể bị tử hình
Liên quan vụ án, cơ quan điều tra cũng ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với các ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn và Lê Nam Trà (nguyên Chủ tịch HĐTV MobiFone), Cao Duy Hải (cựu Tổng giám đốc MobiFone) về tội Nhận hối lộ quy định tại khoản 4, điều 354 Bộ luật Hình sự.
Luật sư Cường chia sẻ, đối với tội Nhận hối lộ, người phạm tội có thể phải chịu mức án cao nhất lên đến tử hình.
"Cũng như tội đưa hối lộ, người nhận hối lộ dù bằng lợi ích vật chất hoặc phi vật chất đều bị xử lý hình sự", luật sư nhấn mạnh.
Đặc biệt, trường hợp người nhận hối lộ nhưng sau đó trả lại một phần hoặc toàn bộ vật chất đã nhận, thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Dấu hiệu tội cấu thành từ lúc nhận hoặc hứa hẹn để nhận lợi ích vật chất (hoặc phi vật chất).
Theo luật sư Cường, tội Nhận hối lộ có hình phạt nặng hơn. Theo khoản 4 Điều 354, người nhận hối lộ bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Thậm chí, người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì vẫn bị xử lý theo quy định tại Điều này.
Đầu 2016, MobiFone công bố thương vụ mua lại 95% cổ phần của AVG. Trong Báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016 được công bố tháng 11/2016, khoản tiền MobiFone đã chi để mua 95% AVG là 8.890 tỷ đồng.
Sau đó, Thanh tra Chính phủ chỉ ra vi phạm của các cá nhân liên quan đã gây nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn của nhà nước tại MobiFone khoảng 7.006 tỷ đồng, trong đó thiệt hại do mua nợ phải trả của AVG 1.134 tỷ đồng.
Ngày 12/3, nhóm cổ đông AVG và Hội đồng thành viên, Ban tổng giám đốc MobiFone đã chấm dứt hợp đồng mua bán. Cuộc họp thống nhất nguyên tắc nhóm cổ đông và MobiFone chấm dứt hợp đồng; MobiFone hoàn trả lại toàn bộ cổ phần AVG cho nhóm cổ đông. Còn nhóm cổ đông hoàn trả lại đầy đủ số tiền MobiFone đã thanh toán, cộng với tiền lãi và các chi phí liên quan.
Theo Hoàng Lam (Tri Thức Trực Tuyến)