Ngày 9-1, phiên toà xét xử giai đoạn 2 vụ án Phạm Công Danh (53 tuổi, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Xây dựng (VNCB), Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh), Trầm Bê (59 tuổi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT, Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank) và 44 đồng phạm bước sang ngày xét xử thứ hai. Thực hành quyền công tố tại toà, đại diện VKSND TP Hồ Chí Minh đã dành cả ngày để công bố cáo trạng truy tố các bị cáo.
Như tin đã đưa, lợi dụng là người nắm quyền chi phối VNCB, bị cáo Danh đã chỉ đạo cấp dưới dùng pháp nhân 29 công ty do mình thành lập hoặc mượn pháp nhân đứng tên hồ sơ vay vốn tại 3 ngân hàng Sacombank, Tiên Phong (TPBank) và BIDV.
Sau đó, ông Danh dùng tiền gửi của VNCB tại các ngân hàng này để cầm cố và trả nợ thay, gây thiệt hại cho VNCB trên 6.126 tỷ đồng. Điều dư luận đặc biệt quan tâm, toàn bộ số tiền chiếm đoạt trên ông Danh đã sử dụng vào việc gì?
Theo hồ sơ vụ án, sau khi vay được 1.800 tỷ đồng tại Sacombank, ngay ngày hôm sau (27-4-2013), ông Danh đã chuyển 1.700 tỷ đồng đến BIDV chi nhánh Sở giao dịch 2, trong đó, sử dụng hết 1.633 tỷ đồng để trả cho hai món nợ (1.700 tỷ đồng và 900 tỷ đồng) mà các công ty của Danh vay tại hai chi nhánh BIDV từ năm 2012. Số tiền còn lại trên 166 tỷ đồng, ông Danh chuyển về tài khoản cá nhân mở tại VNCB để sử dụng cùng các khoản tiền khác.
Tại TPBank, sau khi ký hợp đồng tín dụng và được giải ngân toàn bộ số tiền 1.666,8 tỷ đồng cho 11 công ty, cùng ngày, các công ty này đã có uỷ nhiệm chi chuyển 1.000 tỷ đồng vào tài khoản của Tập đoàn Thiên Thanh; chuyển 600 tỷ đồng vào tài khoản của Công ty Trung Dung; chuyển 66,8 tỷ đồng vào tài khoản của Công ty Thạch Hà. Sau đó, tiền tiếp tục được chuyển qua tài khoản của ông Danh tại VNCB chi nhánh Sài Gòn.
Trong đó, ông Danh đã dùng 600 tỷ đồng (khoản vay của 4 Công ty Thịnh Phát, Thạch Hà, Đại Phát Việt Nam và Long Khánh) trả nợ cho bà Hứa Thị Phấn, cùng với 396 tỷ đồng từ nguồn tiền của Trần Ngọc Bích chuyển vào tài khoản của Danh. Sau đó, bà Phấn đã sử dụng toàn bộ số tiền 996 tỷ đồng để tất toán các hợp đồng tín dụng đã vay trước đó của nhóm Phú Mỹ tại VNCB.
Ngoài ra, ông Danh còn khai dùng nguồn tiền này chi 194 tỷ đồng trả lãi ngoài cho ông Trần Quí Thanh nhưng không Thanh không thừa nhận việc này. Ông Thanh khẳng định không có trả lãi ngoài mà chỉ là tiền vay giữa Trần Ngọc Bích (con gái ông Thanh) và Phạm Thị Trang (tức Trang Phố Núi, hiện đang bị truy nã). Do Trang đã xuất cảnh đi Mỹ nên cơ quan điều tra không thể chứng minh tiếp được.
Riêng khoản vay 400 tỷ đồng của 3 công ty (Thuận Phát, An Phát và Khôi Nguyên), Tập đoàn Thiên Thanh đã sử dụng 136 tỷ đồng nộp vào tài khoản của Công ty Quang Đại và Phúc Văn tại BIDV Gia Định và BIDV Sở giao dịch 2 để làm vốn đối ứng vay tiền tại BIDV, chuyển hơn 43 tỷ đồng vào tài khoản của Mai Hữu Khương và Nguyễn Thị Quỳnh Trang (nhân viên Tập đoàn Thiên Thanh) để hai người này rút ra để trả lãi vay cầm cố sổ tiết kiệm của nhóm Dr. Thanh tại VNCB...
Về hành vi cố ý làm trái của ông Danh và các đồng phạm trong việc dùng tiền gửi của VNCB tại BIDV bảo lãnh và trả nợ thay cho 12 công ty của mình vay vốn, gây thiệt hại cho VNCB 2.550 tỷ đồng, theo hồ sơ, sau khi được BIDV chấp nhận giải ngân cho vay 4.700 tỷ đồng, từ ngày 29-10 đến 28-11-2013, toàn bộ số tiền trên được giải ngân vào tài khoản 4 công ty cung cấp vật liệu xây dựng đầu vào (Công ty Quốc Thắng, Hương Việt, Thiên Trang Phạm, Thịnh Quốc). Số tiền 4.700 tỷ đồng được 4 công ty này chuyển đến tài khoản 19 cá nhân mở tại các ngân hàng.
Sau đó, 19 cá nhân này ký rút tiền để các cá nhân khác ký nộp tiền vào tài khoản 3 công ty (Đại Long, Phong Hiệp, Quốc Thắng) để chuyển tiếp vào tài khoản VNCB 4.000 tỷ đồng để tăng vốn.
Số tiền còn lại, Danh chuyển trả cho Công ty Đầu tư phát triển Hải Tiến 623 tỷ đồng, còn lại trên 76 tỷ đồng hoà vào nguồn tiền Danh cho chuyển đến để chứng minh vốn đối ứng (30%) của 12 công ty tại thời điểm BIDV giải ngân từng khoản vay. Sau đó, tiền được chuyển vào tài khoản các cá nhân mở tại BIDV và sử dụng trả lãi cho BIDV.
Sau khi giải ngân, BIDV yêu cầu 12 công ty cung cấp hồ sơ, hoá đơn chứng minh việc mua bán, giao nhận hàng hoá vật liệu xây dựng và phối hợp để BIDV tiến hành việc kiểm tra việc sử dụng vốn vay nhưng các công ty không cung cấp với lý do chưa giao nhận hàng hoá.
Thực tế, sau khi vay 4.700 tỷ của BIDV, các công ty vay vốn đều không kinh doanh theo phương án trả nợ nên không có hoá đơn, chứng từ gì. Các công ty đã trả được một phần để lấy tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất. Số nợ còn lại, VNCB phải dùng tiền gửi trả thay cho 12 công ty mà VNCB bảo lãnh, gây thiệt hại cho VNCB hơn 2.550 tỷ đồng.
Theo A.Huy (CAND Online)