Chiều 9/1, phiên tòa đại án Phạm Công Danh - Trầm Bê và 44 đồng phạm trong vụ án gây thiệt hại cho Ngân hàng VNCB hơn 6.000 tỷ đồng tiếp tục diễn ra với phần công bố cáo trạng của VKS.
Trước khi phiên tòa buổi chiều diễn ra, chủ tọa thông báo nhận được đơn của ông Trần Bắc Hà - nguyên chủ tịch HDQT BIDV. Trong đơn, ông Hà cho biết sức khỏe yếu, bị bệnh ung thư nên không thể tham dự phiên tòa với tư cách người làm chứng và có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
"Tôi giữ nguyên lời khai với cơ quan điều tra trước đây", ông Hà viết trong đơn. Ngoài ông Hà, các nhân vật khác trong BIDV cũng có đơn xin vắng mặt do bị bệnh, trong đó có 2 phó Tổng giám đốc.
Cũng theo HĐXX, tòa cũng nhận được đơn của luật sư bà Hứa Thị Phấn - nguyên cố vấn cấp cao HĐQT ngân hàng Đại Tín xin không đến phiên tòa. Theo đơn, hội đồng giám định y khoa giám định bà Phấn chỉ còn 7% sức khỏe nên không thể tham dự.
Chủ tọa thẩm phán Phạm Lương Toản cũng hỏi Phạm Công Danh về vấn đề sức khỏe. Bị cáo Danh nói: "Bị cáo rất mệt nhưng sẽ cố gắng". Ông Toản cho bị cáo về chỗ ngồi và dặn "khi nào bị cáo mệt thì báo để chủ tọa cho ra ngoài để được chăm sóc y tế".
Về ông Trần Bắc Hà, theo nội dung vụ án, ông này cùng 2 phó Tổng giám đốc BIDV là Đoàn Ánh Sáng, Trần Lục Lang đã phê duyệt chủ trương cho 12 công ty của ông Danh vay 4.700 tỷ đồng. Việc này gián tiếp gây thiệt hại cho VNCB hơn 2.500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cơ quan điều tra xác định, 3 người này "không biết những công ty này của ông Danh" và việc cho vay không gây thiệt hại cho BIDV nên không có căn cứ xử lý hình sự.
Cơ quan điều tra cũng đã đề nghị kiểm điểm và xử lý hành chính đối với ông Trần Bắc Hà, ông Đoàn Ánh Sáng, ông Trần Lục Lang và nhiều cán bộ khác tại BIDV hội sở chính, BIDV chi nhánh Gia Định, Bến Thành, Nam Sài Gòn, Sở giao dịch 2...
Nói về vấn đề ông Trần Bắc Hà không có mặt tại phiên tòa, luật sư Nguyễn Hoàng Trung (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết: Trong ngày hôm qua và hôm nay một số người có liên quan đến vụ án được tòa triệu tập không tới, trong đó có ông Hà. Như HĐXX đã nói trong phiên tòa, trong hồ sơ vụ án thì ông Hà đã khai nên vắng mặt không ảnh hưởng đến giải quyết vụ án theo thẩm quyền chung nên HĐXX tiếp tục xét xử.
"Tuy nhiên trong vụ án này thì ông Hà không chỉ có tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan mà còn là người làm chứng nên phải có mặt tại tòa. Trong trường hợp này thì ông Hà nên có mặt. Thậm chí, nếu thấy cần thiết thì tòa có thể cưỡng chế đến nhằm phục vụ quá trình thẩm vấn, làm rõ một số vấn đề theo quy định của pháp luật", luật sư phân tích.
Luật sư Nguyễn Xuân Huấn (Đoàn luật sư TP HCM) cho biết: "Trong quá trình xét hỏi các bị cáo HĐXX, luật sư có thể hỏi ông Hà để làm sáng tỏ rất nhiều cần thiết trong vụ án. Vì vậy, việc ông Hà nên có mặt tại tòa".
Theo Viết Dũng (Soha/Trí Thức Trẻ)