Video: Những con số trong đại án Trầm Bê - Phạm Công Danh
Hơn 7h ngày 8/1, trong chiếc áo sơ mi tối màu, ông Phạm Công Danh (cựu Chủ tịch HĐQT VNCB, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh) trông già đi nhiều, tóc bạc trắng khi được đưa đến TAND TP HCM.
Có mặt cùng lúc, ông Trầm Bê (nguyên Phó chủ tịch thường trực HĐQT Sacombank) gầy rộc, vẻ tiều tụy, tay cầm túi nylon thuốc tây. Trên đường bị dẫn giải vào phòng xét xử, ông cười khá tươi khi thấy người thân bước lại gần.
Trước đó, luật sư của ông Bê cho biết ông bị bệnh tiểu đường, sức khỏe giảm sút so với thời điểm bị bắt hơn 4 tháng trước. Ông thường chóng mặt khi đứng lâu nên sẽ xin tòa cho phép được ngồi trong quá trình xét xử.
Phiên toà sẽ được áp dụng thông tư mới của TAND Tối cao về phòng xử án (có hiệu lực từ ngày 1/1) do đó không có vành móng ngựa. Các bị cáo được bố trí ghế ngồi trong quá trình thẩm vấn. Thẩm phán Phạm Lương Toản (Chánh tòa Hình sự TAND TP HCM) làm chủ tọa.
Có 70 luật sư tham gia bào chữa và bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Khoảng 200 người, đơn vị có quyền và nghĩa vụ liên quan được tòa triệu tập phục vụ cho công tác xét xử.
Theo cáo buộc của VKSND Tối cao, sau khi được Ngân hàng nhà nước chấp thuận chủ trương phương án tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín – TrustBank (9/2012), ông Danh nắm quyền kiểm soát chi phối ngân hàng này sau đó đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng - VNCB. Trong khi ngân hàng này đang bị Ngân hàng nhà nước đặt trong tình trạng kiểm soát, mọi giao dịch có giá trị từ 5 tỷ đồng trở lên phải có ý kiến của Tổ giám sát.
Do cần tiền chi chăm sóc khách hàng, trả nợ mua cổ phần TrustBank của nhóm cổ đông Phú Mỹ do bà Hứa Thị Phấn đại diện và sử dụng cá nhân, ông Danh đã lợi dụng nắm quyền chi phối với vai trò Chủ tịch HĐQT VNCB đã chỉ đạo dàn lãnh đạo cấp dưới của nhà băng và Tập đoàn Thiên Thanh lập hồ sơ vay vốn khống rút hàng nghìn tỷ đồng của nhà băng gửi sang ba ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV.
Để hợp thức hóa việc rút tiền, ông dùng 29 lượt công ty do mình thành lập hoặc mượn pháp nhân để vay các ngân hàng sau đó dùng tiền của VNCB để bảo lãnh và trả nợ cho các công ty này gây thiệt hại cho VNCB hơn 6.000 tỷ đồng.
Trong đó, ông Bê cùng cấp dưới Phan Huy Khang (nguyên Tổng giám đốc Sacombank) được xác định là đã giúp sức cho ông Danh rút trái phép hơn 1.800 tỷ đồng của VNCB.
Tương tự, ông Danh thực hiện các hợp đồng vay khống với TPBank vay 1.666 tỷ đồng gây thiệt hại 1.700 tỷ đồng cho VNCB. Ông cũng sử dụng 12 pháp nhân công ty do mình thành lập vây 4.700 tỷ đồng của BIDV. Sau khi tất toán, các hợp đồng này gây thiệt hại cho VNCB 2.550 tỷ đồng.
Phiên xử dự kiến kéo dài đến 7/2.
Trước đó, trong giai đoạn điều tra ban đầu về những sai phạm tại VNCB, ông Danh bị TAND Cấp cao tại TP HCM giữ nguyên mức án 30 năm tù về các tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Ông và đồng phạm bị buộc phải nộp lại 9.000 tỷ đồng thiệt hại cho VNCB.
Theo Hải Duyên (VnExpress.net)