Xử vụ Trầm Bê: Tòa triệu tập đại gia Trần Bắc Hà

07/01/2018 14:31:00

Bộ Công an xác định đại gia Trần Bắc Hà ký 12 quyết định phê duyệt chủ trương cho 12 công ty vay mua vật liệu xây dựng chứ không cho Phạm Công Danh vay.

Theo dự kiến, sáng mai (8-1), TAND TP HCM sẽ xét xử vụ án tiêu cực xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB) đối với ông Trầm Bê (SN 1959, nguyên Phó chủ tịch thường trực HĐQT Sacombank), Phạm Công Danh (SN 1965, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng (VNCB), Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh) và 20 đồng phạm khác về tội "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Ngoài các bị cáo tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) bị truy tố, để phục vụ công tác xét xử, tòa triệu tập ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT, Trưởng Phân ban rủi ro BIDV) cùng nhiều cá nhân khác tại BIDV với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và là người làm chứng.

Lập công ty sân sau vay tiền

Ngày 24-5-2013, BIDV do ông Đoàn Ánh Sáng (Phó Tổng giám đốc đại diện) và VNCB do ông Đỗ Hoàng Linh (Phó Tổng giám đốc đại diện) đã cùng nhau ký thỏa thuận hợp tác. Nội dung: BIDV ủng hộ VNCB tham gia chuỗi liên kết 4 nhà của BIDV với tư cách là ngân hàng của người bán (nhà phân phối, sản xuất vật liệu xây dựng-thiết bị nội thất) trên cơ sở VNCB có khách hàng, đối tác tham gia tích cực vào chuỗi liên kết này.

Phía BIDV xem xét cấp hạng mức giao dịch liên ngân hàng cho VNCB theo quy định hiện hành của BIDV. Sau đó, ông Phan Thành Mai (lúc đó là Phó Tổng Giám đốc VNCB) đã ký văn bản giới thiệu khách hàng.

Xử vụ Trầm Bê: Tòa triệu tập đại gia Trần Bắc Hà
Ông Trần Bắc Hà

VNCB đã tiếp hành tiếp cận các doanh nghiệp sản xuất và cung ứng VLXD có nhu cầu vay vốn để cung cấp thi công cho các dự án nhà ở, dịch vụ, hạ tầng…, trong đó có Công ty Phong Hiệp.

Do VNCB đang trong giai đoạn tái cơ cấu, chưa thể xem xét đối với nhu cầu khách hàng nên VNCB giới thiệu và đề nghị BIDV tiếp cận, xem xét cho Công ty Phong Hiệp vay 430 tỉ đồng.

Trong trường hợp Công ty Phong Hiệp không đáp ứng được điều kiện về tài sản đảm bảo thì VNCB sẽ dùng tài sản, tiền gửi của VNCB đảm bảo cho nghĩa vụ vay vốn của Công ty Phong Hiệp tại BIDV.

Sau đó, ông Trần Hiệp, Giám đốc Công ty Phong Hiệp, đã đề nghị BIDV thu xếp tín dụng số tiền 430 tỉ đồng với mục đích bổ sung vố kinh doanh thu mua nguyên vật liệu xây dựng. Để hoàn thiện hồ sơ, Công ty Phong Hiệp đề nghị được vay vốn tại BIDV Gia định.

Căn cứ vào đề nghị vay vốn của khách hàng, căn cứ nội dung văn bản giới thiệu của VNCB gửi BIDV Hội sở chính, Ban Khách hàng doanh nghiệp Hội sở chính đã tiếp nhận, nghiên cứu hồ sơ vay vốn ban đầu đề nghị ban lãnh đạo pê duyệt chủ trương cho vay mua vật liệu xây dựng theo mô hình 4 nhà đối với Công ty Phong Hiệp.

Để rút ngăn thời gian xem xét phê duyệt, ban Khách hàng Doanh nghiệp đã trình lãnh đạo xem xét chấp nhận chủ trương cấp tín dụng đối với Công ty Phong Hiệp xem xét cho vay ngăn hạn 430 tỉ đồng, tối đa không quá 12 tháng.

Ông Đoàn Ánh Sáng đã đồng ý và xin chủ trương của Phó Tổng Giám đốc BIDV Trần Lục Lang và Tổng Giám đốc, ủy quyền cho Giám đốc chi nhánh các nội dung về điều kiện cấp tín dụng. Sau khi có ý kiến này, Ban Quản lý rủi ro tín dụng Hội sở chính BIDV đã thẩm định, đánh giá rủi ro theo quy trình và có tờ trình ban lãnh đạo về việc phê duyệt chủ trương cho vay vật liệu xây dựng theo mô hình 4 nhà với Công ty Phong Hiệp.

Tờ trình này được ông Trần Lục Lang ký duyệt và trình Ủy ban quản lý rủi ro đề nghị xem xét, phê duyệt chủ trương theo thẩm quyền (không xin ý kiến tổng giám đốc).

Ủy ban quản lý rủi ro không tiến hành họp mà lấy ý kiến từng thành viên Phân ban rủi ro tín dụng thuộc Ủy ban quản lý rủi ro, sau đó lập báo cáo tổng hợp các ý kiến các thành viên Phân Ban rủi ro tín dụng, đầu tư và được ông Trần Bắc Hà (Trưởng Phân ban) ký phê duyệt.

Ngày 3-10-2013, ông Trần Bắc Hà ký quyết định phê duyệt chủ trương cho vay mua vật liệu xây dựng theo mô hình 4 nhà đối với Công ty Phong Hiệp, đồng ý cho vay 430 tỉ đồng với thời hạn không quá 12 tháng.

Cùng ngày, ông Trần Lục Lang đã ký công văn 6077/CV-QLRRTC về việc chủ trương cho vay mua vật liệu xây dựng đối với Công ty Phong Hiệp trên cơ sở xem xét đề nghị của Ban khách hàng doanh nghiệp và căn cư Quyết định của Ủy ban quản lý rủi ro, phê duyệt chủ trương cho vay.

Một tuần sau, BIDV Chi nhánh Gia Định nhận được văn bản số 6077/CV-QLRRTD của Hội sở về việc chấp thuận chủ trương cho Công ty Phong Hiệp vay 430 tỉ đồng.

BIDV Chi nhánh Gia Định được giao nhiệm vụ thực hiện tiếp nhận hồ sơ vay vốn, thẩm định khách hàng, phương án kinh doanh, xem xét quyết định cấp tín dụng đảm bảo thu đủ nợ gốc và lãi.

Ngày 16-10-2013, ông Nguyễn Ngọc Sơn (Trưởng Phòng khách hàng 1 thuộc BIDV Chi nhánh Gia Định) giao cho Nguyễn Vũ Bảo tiếp nhận hồ sơ vay vốn. Sau đó, Bảo đã lập báo cáo tín dụng cho Công ty Phong Hiệp vay 430 tỉ đồng với thời hạn 6 tháng.

Báo cáo đề xuất tín dụng này được Nguyễn Ngọc Sơn kiểm soát nội dung, cùng ký trình ông Hoàng Long Hà, Phó Giám đốc Phụ trách Phòng Khách hàng 1 phê duyệt.

Xử vụ Trầm Bê: Tòa triệu tập đại gia Trần Bắc Hà - 1
Phạm Công Danh tại phiên tòa giai đoạn 1

Ngày 5-5-2014, BIDV Chi nhánh Gia Định, Công ty Phong Hiệp và VNCB đã thống nhất thanh lý các hợp đồng. Hai bên thống nhất kể từ ngày thanh lý thì mọi vấn đề liên quan đến hợp đồng tín dụng sẽ không còn giá trị.

Theo Bộ Công an, Hoàng Long Hà đã ký duyệt báo cáo đề xuất tín dụng cho Công ty Phong Hiệp vay vốn BIDV, ký biên bản họp hội đồng tín dụng cơ sở, hợp đồng tín dụng, hợp đồng cấp cố thế chấp tài sản bên thứ ba để Công ty Phong Hiệp vay 430 tỉ đồng tại BIDV Chi nhánh Gia Định. Các hợp đồng này thể hiện ông Trần Hiệp là thành viên HĐQT VNCB, gây thiệt hại cho VNCB trên 337 tỉ đồng.

Với các hành vi này, Hoàng Long Hà, Nguyễn Ngọc Sơn và Nguyễn Vũ Bảo (đều là BIDV Chi nhánh Gia Định) đã bị truy tố cùng với Phạm Công Danh về tội "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Vai trò của ông Trần Bắc Hà?

Tương tự Công ty Phong Hiệp, ông Phạm Công Danh đã lập các hồ sơ vay vốn khống (4.700 tỉ đồng) để thực hiện đề án tăng vốn điều lệ VNCB từ 3.000 tỉ đồng lên 4.700 tỉ đồng. Phạm Công Danh trả các khoản vay cũ của Tập đoàn Thiên Thanh bằng cách gửi tiền sang BIDV để cầm cố, bảo lãnh và trả nợ các khoản vay do 12 công ty do Danh thành lập, đứng tên trên hồ sơ vay vốn ngân hàng gây thiệt hại cho VNCB số tiền 2.550 tỉ đồng.

Bộ Công an xác định ông Trần Bắc Hà đã ký 12 báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên Phân ban rủi ro trên cơ sở các thành viên Phân ban rủi ro tín dụng đầu tư đánh dấu đồng ý vào Phiếu lấy ý kiến về chủ trương cho 12 công ty vay vốn mua vật liệu xây dựng theo mô hình 4 nhà, ký 12 quyết định phê duyệt chủ trương cho 12 công ty vay mua vật liệu xây dựng với số tiền 4.700 tỉ đồng, giao thẩm quyền cho 4 chi nhánh: Gia Định, Bến Thành, Sở Giao dịch 2 và Nam Sài Gòn thực hiện cho vay và thu nợ theo quy trình của BIDV.

Đến nay xác định ông Trần Bắc Hà đồng ý chủ trương cho 12 công ty vay vốn theo giới thiệu của VNCB chứ không cho Phạm Công Danh vay và không biết các công ty do Danh thành lập. BIDV đã thu đủ gốc, lãi các khoản vay từ chính khách hàng vay vốn, ngân hàng này không bị thiệt thiệt hại.

Tương tự đối với ông Đoàn Ánh Sáng, ông Trần Lục Lang cũng đã ký tờ trình phê duyệt cho 12 công ty vay vốn. Tuy nhiên, đến nay không đủ căn cứ xác định những người này có liên quan đến Phạm Công Danh nên không xử lý hình sự.

Theo kết quả điều tra và kết luận giám định của Đoàn Giám định Ngân hàng Nhà nước chỉ rõ hành vi vi phạm trong quá trình xét duyệt hồ sơ vay vốn của khách hàng. Chính vì vậy, Cơ quan CSĐT Bộ Công an có văn bản kiến nghị cơ quan chủ quản có hình thức xử lý hành chính nghiêm khắc.

Theo Phạm Dũng (Nld.com.vn)