Ông Đinh La Thăng – nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) được cách ly khi TAND TP Hà Nội tiến hành xét hỏi 11 bị cáo khác trong vụ án thất thoát 543 tỷ đồng tại dự án Ethanol Phú Thọ.
Theo truy tố, Cty CP Hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB) được thành lập năm 2007 để làm chủ đầu tư dự án Ethanol Phú Thọ. Trịnh Xuân Thanh – nguyên Chủ tịch Tổng Cty Xây lắp Dầu khí (PVC) đã xin được chỉ định thầu dự án này dù PVC không đáp ứng các tiêu chí.
Ông Đinh La Thăng – Chủ tịch PVN và với vai trò Trưởng ban chỉ đạo các dự án nhiên liệu sinh học đã tác động để PVB chỉ định thầu cho liên danh của PVC. Đến năm 2013, phía PVC ngừng thi công dẫn tới thiệt hại 543 tỷ đồng cho chủ đầu tư.
Tại tòa các ngày 8 – 9/3, chủ tọa yêu cầu cách ly ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh khi xét hỏi các bị cáo khác. Ông Thăng phản đối việc này nhưng thẩm phán Vũ Quang Huy lý giải, nhiều bị cáo từng là cấp dưới của ông Thăng nên việc cách ly sẽ đảm bảo sự khách quan trong các lời khai. Sau khi kết thúc phần xét hỏi, ông Thăng sẽ được tham dự toàn thời gian.
Tiến hành khai báo, ông Đinh La Thăng phản bác quan điểm của viện kiểm sát khi cáo buộc ông định hướng các đơn vị cần ưu tiên giao thầu cho PVC tại một cuộc họp ngày 10/2/2009. Bị cáo này khẳng định đây là cuộc họp nội bộ của PVN, không có từ “chỉ định thầu” nào trong đó.
Cũng theo ông Thăng, Chính phủ cho phép PVN được chỉ định thầu đối với các đơn vị thành viên thực hiện các dự án đặc thù trong đó vốn đầu tư của PVN chiếm trên 50%; với các đơn vị không đủ vốn chi phối, PVN sẽ có văn bản giới thiệu thành viên của mình tham gia.
“Chủ trương chung của PVN là ưu tiên sử dụng dịch vụ trong ngành dầu khí nhưng phải tuân theo quy định của pháp luật” – ông Thăng nói. Bị cáo cũng lý giải việc này là nhằm phát huy nội lực của ngành dầu khí bởi các cơ quan ở trung ương xác định trữ lượng dầu của Việt Nam có hạn nên ra chủ trương phải tăng doanh thu dịch vụ dầu khí lên 20 – 25%.
Bị cáo Thăng khẳng định PVN đã thực hiện được chủ trương này và với nhiều dịch vụ dầu khí trước đây phải thuê nước ngoài, nay các đơn vị trong nước đã tự làm được.
Trước cáo buộc ông can thiệp để PVB chỉ định thầu cho PVC, ông Đinh La Thăng nói: “Tôi phản bác toàn bộ nội dung cáo trạng vì không phù hợp thực tiễn, không phù hợp chứng cứ khách quan vụ án có trong hồ sơ”.
Ông phân tích, PVN chỉ đạo các thành viên qua người đại diện phần vốn nên ông không thể trực tiếp chỉ đạo PVB, quyền chỉ định thầu thuộc PVB; ông Thăng dù là Trưởng ban chỉ đạo cũng không có trách nhiệm này theo đúng quy chế. “Nguyên tắc xuyên suốt là Ban chỉ đạo không làm thay việc của chủ đầu tư” – ông Thăng nói.
Theo X.A (Tiền Phong)