Trao đổi với PV, Luật sư Nguyễn Huy Thiệp – Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Huy Thiệp và cộng sự, là luật sư bào chữa cho ông Đinh La Thăng cho biết, nhận bào chữa cho ông Đinh La Thăng còn có luật sư Đào Hữu Đăng, cũng thuộc Văn phòng Luật sư Nguyễn Huy Thiệp và cộng sự.
Theo chia sẻ của luật sư Thiệp, khi nhận bào chữa cho ông Đinh La Thăng, bản thân luật sư Thiệp không có gì là quá áp lực. Ông chỉ mong muốn dư luận trung thực, đánh giá đúng sự thật, không nên áp đặt để bóp méo sự thật. Nguyên tắc của luật sư Thiệp là làm đúng theo quy định của pháp luật.
“Tuy nhiên, đối với vụ án nhạy cảm như vậy, đòi hỏi độ cẩn thận, chỉn chu sẽ là cao hơn bình thường”, luật sư Thiệp nói.
Luật sư Thiệp cũng cho biết thêm, ông đã được cấp ngay giấy chứng nhận bào chữa, cơ quan tiến hành tố tụng cũng rất tạo điều kiện để kịp thời giải quyết vụ án. Luật sư Thiệp đã gặp bị can Đinh La Thăng, hiện tâm lý ông Thăng vẫn ổn định.
Trích lời luật sư Thiệp: “Tinh thần ông Thăng ổn định do xác định được vị trí của mình rất nhanh, thái độ xử sự là người có bản lĩnh. Với tư cách từng là người đứng đầu, ông Thăng nhận trách nhiệm, sai thì nhận là sai và xin cho anh em nhận lệnh của mình mà cũng sai theo”.
Theo quan điểm của luật sư Thiệp thì ông Thăng bị xem xét, xử lý về những việc làm thời gian trước và nó có tính bối cảnh, tính lịch sử. Đến thời điểm hiện tại, ông Thăng đã làm được rất nhiều việc đáng được ghi nhận. Nói về tình người, về lợi ích chung, luật sư Thiệp rất tiếc cho một người như thế.
Luật sư Thiệp cho rằng, tất cả sự thật sẽ được phơi bày ở phiên tòa, muốn đánh giá vụ án này thế nào thì nên theo diễn biến phiên tòa. Vì sự bình đẳng, luật sư Thiệp cho rằng thời điểm này dư luận nên tạm dừng sự phán xét tại đây.
Quá trình gặp thân chủ của mình là bị can Đinh La Thăng, luật sư Thiệp cho biết ông Thăng chỉ yêu cầu luật sư làm đúng theo quy định của pháp luật. Và theo luật sư Thiệp thì yêu cầu rất hợp pháp, rất đúng mực.
Cũng theo thông tin luật sư Thiệp cung cấp, phiên tòa dự kiến sẽ được đưa ra xét xử trước Tết âm lịch.
Trước đó, Cơ quan điều tra, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Đinh La Thăng (sinh năm 1960), nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị (sau này là Hội đồng Thành viên) Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) để điều tra làm rõ về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngày 20.12, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra, gửi hồ sơ đến Viện KSND tối cao đề nghị truy tố ông Thăng cùng 5 bị can khác về tội cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, gồm: Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank); Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường và Phan Đình Đức, cùng nguyên là Thành viên HĐTV PVN; Ninh Văn Quỳnh, Phó tổng giám đốc PVN (bị đề nghị truy tố thêm tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản).
Theo kết luận điều tra, năm 2006, PVN được Chính phủ cho phép thành lập 1 ngân hàng cổ phần dầu khí. Trong đó, PVN nắm giữ 50% vốn điều lệ. PVN đã hoàn thành một số thủ tục để thành lập Ngân hàng Hồng Việt, nhưng đến năm 2008, PVN chuyển sang phương án góp vốn mua cổ phần của Oceanbank.
Dù biết rõ tình hình tại Oceanbank hoạt động kém hiệu quả, cũng như các chỉ đạo của Chính phủ trong việc rà soát cân đối nguồn vốn, nhưng ông Đinh La Thăng đã không có bất cứ chỉ đạo nào đối với HĐQT và Ban điều hành PVN để thống nhất chủ trương, thực hiện thẩm định Oceanbank hay tính toán đến phương án khả thi khi góp vốn.
Ông Đinh La Thăng đã không thông qua HĐQT mà đã ký hợp đồng thỏa thuận góp vốn với Hà Văn Thắm, Chủ tịch Oceanbank khi đó, cũng không báo cáo với Thủ tướng theo quy định. Sau khi ký thỏa thuận, ông Đinh La Thăng tiếp tục có chủ trương, ký ban hành các nghị quyết góp vốn, bổ sung vốn vào Oceanbank cũng chưa có chỉ đạo của Thủ tướng. Việc làm của ông Đinh La Thăng là trái các quy định tại nghị định của Chính phủ, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng, đã gây thiệt hại 800 tỷ đồng cho PVN tại Oceanbank.
Theo Tư Tuyền (Người Đưa Tin)