Sau khi Cơ quan điều tra có 2 bản kết luận điều tra vụ án liên quan đến sai phạm của ông Đinh La Thăng và đồng phạm, dư luận cho rằng như vậy là rất nhanh, thậm chí có người đặt vấn đề kỷ lục về điều tra nhanh. Sau khi nghiên cứu về vụ án này, luật sư (LS) Giang Hồng Thanh (Đoàn LS TP.Hà Nội) cho rằng, dư luận đặt vấn đề điều tra nhanh vì họ lấy thời điểm từ khi ông Thăng bị khởi tố, bắt tạm giam để làm mốc so sánh, còn thực tế toàn bộ hồ sơ của cả 2 vụ án liên quan đến ông Thăng đã được Cơ quan điều tra làm trước đó.
“Điều tra vụ án kinh tế, lại liên quan đến người từng là cán bộ cấp cao không thể làm một cách vội vàng mà phải làm thận trọng, chặt chẽ”, LS Thanh nói.
Ở vụ án thứ nhất, việc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) góp vốn làm mất 800 tỷ đồng tại OceanBank bước đầu đã được Cơ quan điều tra chỉ ra trong quá trình điều tra vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm. Tại bản kết luận điều tra bổ sung vụ án OceanBank (ngày 24.5.2017), Cơ quan điều tra đã nêu một cách khá chi tiết quá trình các cựu lãnh đạo PVN thực hiện việc góp vốn vào OceanBank.
Cơ quan điều tra cho rằng, do thời hiệu điều tra bổ sung vụ án tại OceanBank đã hết và hành vi của những người có trách nhiệm trong việc PVN góp vốn vào OceanBank có dấu hiệu vi phạm pháp luật một cách độc lập so với hành vi của Hà Văn Thắm và đồng phạm, nên Cơ quan điều tra đã tách nhóm hành vi này để giải quyết trong giai đoạn II vụ án Hà Văn Thắm.
Tháng 8.2017, khi TAND TP.Hà Nội tiến hành xét xử vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm, trên cơ sở lời khai của các bị cáo, người liên quan, cùng với tài liệu thu thập trước đó, Cơ quan điều tra đã khởi tố với ông Ninh Văn Quỳnh, nguyên Kế toán trưởng PVN và nhóm người nguyên là thành viên Hội đồng thành viên của PVN để làm rõ sai phạm trong việc PVN góp 800 tỷ đồng vào OceanBank.
Theo LS Giang Hồng Thanh, sau 12 ngày kể từ khi ông Thăng bị bắt, Cơ quan điều tra đã ra kết luận về sai phạm của ông Thăng và các đồng phạm trong việc PVN mất 800 tỷ đồng là do có cả quá trình điều tra trước đó, chứ không phải khi ông Thăng bị bắt mới tiến hành điều tra. Từ lời khai của những bị can bị khởi tố trước, cùng với tài liệu, chứng cứ thu thập được có thể hành vi vi phạm của ông Thăng đã được chỉ rõ. Sau khi ông Thăng bị khởi tố, việc lấy lời khai của ông là để củng cố thêm hồ sơ vụ án chứ không có ý nghĩa nhiều trong việc xác định hành vi phạm tội của ông.
Ở vụ án thứ hai liên quan đến dấu hiệu sai phạm của ông Đinh La Thăng xảy ra tại Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) và Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 cũng tương tự. Vụ án này bắt đầu được điều tra từ tháng 9.2016.
Lúc đầu, Cơ quan điều tra khởi tố Vũ Đức Thuận, nguyên Ủy viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc PVC; Nguyễn Mạnh Tiến nguyên Phó tổng giám đốc; Trương Quốc Dũng, nguyên Phó tổng giám đốc; Phạm Tiến Đạt, nguyên Kế toán trưởng PVC. Sau đó lần lượt khởi tố những người liên quan. Trước khi ông Thăng bị bắt, có thể dấu hiệu phạm tội của ông đã lộ rõ trong quá trình điều tra vụ án. Chính vì thế, Cơ quan điều tra không mất nhiều thời gian (tính từ ngày bị khởi tố, bắt tạm giam) để ra kết luận đề nghị Viện KS truy tố.
Theo quy định tại Điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003, thời hạn điều tra vụ án hình sự không quá hai tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá ba tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá bốn tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra.
Ngoài ra, điều luật này còn quy định về thời hạn trong trường hợp gia hạn điều tra. Đó là những mốc thời gian tối đa để điều tra vụ án hình sự. Không có quy định về thời hạn điều tra tối thiểu. Việc một bị can bị khởi tố, sau đó vài ngày, thậm chí một ngày hoặc trong ngày, Cơ quan điều tra đã có kết luận điều tra ngay, việc đó hoàn toàn đúng.
LS Giang Hồng Thanh
Theo Ngọc Lương (Dân Việt)