Sáng nay, 9.5, Hội đồng xét xử Tòa án Cấp cao tại Hà Nội tiếp tục phần xét hỏi các bị cáo trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) liên quan Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
Khi Hội đồng xét xử xét hỏi, bị cáo Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (nay là Hội đồng thành viên) PVN, khẳng định mình giữ nguyên đơn kháng cáo và cho rằng mình không phạm tội cố ý làm trái như cấp sơ thẩm quy kết. Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm, TAND TP.Hà Nội tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng mức án 13 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Trả lời Hội đồng xét xử sáng 9.5 về lý do kháng cáo về tội cố ý làm trái, bị cáo Đinh La Thăng cho biết, việc thẩm tra công khai chứng cứ tại phiên sơ thẩm và ý kiến bào chữa của luật sư đã không được Hội đồng xét xử xem xét một cách thấu đáo. Toà sơ thẩm không đặt dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 trong tổng thể nhiệm vụ chính trị của PVN là phát huy nội lực, xây dựng tập đoàn kinh tế đa ngành.
Ngoài ra, theo bị cáo Đinh La Thăng, dự án này được Thủ tướng cho phép chỉ định thầu, không phải chủ trương nhất thời. “Thủ tướng cho phép PVN chủ động thực hiện dự án, tháng 2.2009 tiếp tục cho PVN chỉ định các đơn vị thành viên thực hiện thầu. Đây là dự án tổng thể của Nhà nước trong sơ đồ điện 6 và 7, được hưởng cơ chế đặc thù”, bị cáo Đinh La Thăng khẳng định.
“Dự án này Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải trực tiếp chỉ đạo, giao ban thường xuyên liên tục”, bị cáo nói thêm, đồng thời cho rằng, trong bản án sơ thẩm chưa xác định rõ phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của bị cáo. Bị cáo có nhận trách nhiệm người đứng đầu, thiếu kiểm tra giám sát, dẫn tới hậu quả của vụ án.
“Tuy nhiên, xin Hội đồng xét xử xem xét vai trò người đứng đầu phải đúng theo quy định của tập đoàn, dự án được phân công rõ ràng, được HĐTV giao cho chủ đầu tư là Tổng công ty điện lực dầu khí Việt Nam (PVPower) và giao cho tổng giám đốc chỉ đạo, HĐTV của PVPower thực hiện theo pháp luật. PVPower lập Ban chỉ đạo dự án và phân công 3 phó tổng chỉ đạo. PVPower là công ty thành viên có tư cách pháp nhân độc lập, chịu trách nhiệm trước PVN và pháp luật”, bị cáo Đinh La Thăng nói.
Tại toà, Hội đồng xét xử nhắc lại bản án sơ thẩm, cho rằng Thủ tướng cho cơ chế đặc thù, nhưng PVN lại chỉ định thầu, chọn PVC làm tổng thầu, yếu kém năng lực tài chính, yếu kém về kinh nghiệm. Ngoài ra, các bị cáo trong phiên xét xử hôm qua cũng trình bày rõ là hợp đồng ký kết số 33 không đủ căn cứ pháp lý, PVC đang thua lỗ, đầu tư dàn trải, nguy cơ mất vốn. “Bị cáo khi chỉ định PVPower làm chủ đầu tư và PVC làm tổng thầu có biết không?”, Hội đồng xét xử hỏi.
Bị cáo Đinh La Thăng trả lời: “Bị cáo không nhận được bất cứ văn bản nào về việc hợp đồng số 33 không đủ căn cứ pháp luật, cũng như không nhận được bất cứ văn bản nào báo cáo về năng lực tài chính yếu kém của PVC”.
Hội đồng xét xử hỏi bị cáo tại sao không nhận được văn bản, nói không biết gì nhưng các bị cáo khác lại khai rằng có nhận được chỉ đạo, có dự giao ban với bị cáo? Ngoài ra, bị cáo cũng tham dự nhiều cuộc họp về việc triển khai dự án Nhiệt Điện Thái Bình 2. Như vậy, có phải là đổ toàn bộ trách nhiệm cho cấp dưới?.
Theo Anh Vũ (Thanh Niên Online)