Xét xử phúc thẩm vụ ông Đinh La Thăng: Nguyên Tổng giám đốc PVN Phùng Đình Thực kêu oan

09/05/2018 07:22:32

Tại tòa phúc thẩm, ông Phùng Đình Thực, nguyên Tổng giám đốc PVN đã kêu oan, khẳng định hành vi của mình trong vụ án rất hạn chế do quy chế phân công, đặc thù của Tập đoàn.

Xét xử phúc thẩm vụ ông Đinh La Thăng: Nguyên Tổng giám đốc PVN Phùng Đình Thực kêu oan
Ông Phùng Đình Thực. Ảnh: TTXVN.

Nguyên Tổng giám đốc PVN kêu oan

Ngày 8/5, TAND Cấp cao tại Hà Nội tiếp tục xét hỏi các bị cáo trong vụ án kinh tế - tham nhũng xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Cty CP xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).

Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Quốc Khánh, nguyên Phó Tổng giám đốc PVN khai không nhận sự chỉ đạo trực tiếp của ông Đinh La Thăng trong việc ký hợp đồng 33 xây dựng nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Sơn cho biết chưa bao giờ nghe trước cuộc họp của PVN về việc hợp đồng 33 không đủ điều kiện. Ông Vũ Đức Thuận trong phần đối chất cam đoan chưa bao giờ nhận được chỉ đạo của ông Phùng Đình Thực về việc ký hợp đồng 33.

Lên bục khai báo, bị cáo Phùng Đình Thực, nguyên TGĐ PVN cho biết ông kháng cáo kêu oan về tội "Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Theo án sơ thẩm, dù biết PVC không đủ năng lực nhưng các bị cáo mà đứng đầu là ông Đinh La Thăng – nguyên Chủ tịch PVN vẫn chỉ định PVC làm tổng thầu Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.

PVC đã ký hợp đồng EPC số 33 xây dựng Thái Bình 2 với chủ đầu tư ban đầu là Tổng Cty CP Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower). Do PVPower không đủ năng lực nên các bị cáo chuyển chủ đầu tư về PVN, vẫn tiếp tục cho PVC xây dựng dự án.

Xét xử phúc thẩm vụ ông Đinh La Thăng: Nguyên Tổng giám đốc PVN Phùng Đình Thực kêu oan - 1
Các bị cáo tại tòa. Ảnh: TTXVN.

Tiếp đến, PVN đã cho PVC ứng hơn 1.000 tỷ đồng để thực hiện Thái Bình 2. Tuy nhiên, Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch PVC và các cấp dưới tại PVC đã chi số tiền này sai mục đích, gây thiệt hại 119 tỷ đồng.

Tòa sơ thẩm xác định ông Phùng Đình Thực biết hợp đồng EPC số 33 có thiếu sót về mặt pháp lý, biết việc PVN cho PVC ứng tiền sai quy định. Vì vậy, TAND TP Hà Nội tuyên phạt 9 năm tù với bị cáo này.

Tại tòa phúc thẩm, ông Phùng Đình Thực kêu oan, khẳng định hành vi của mình trong vụ án rất hạn chế do quy chế phân công, đặc thù của PVN. 

"Tòa sơ thẩm đánh giá bị cáo - TGĐ của PVN như là TGĐ của dự án Thái Bình 2, kết án bị cáo rất nặng 9 năm tù. 

Tòa không xem xét đúng đặc thù của PVN, là một tập đoàn lớn, đa ngành, đa lĩnh vực, có trên 200 Cty lớn nhỏ tại 10 quốc gia khác nhau", ông Thực nói.

Bị cáo Thực cũng cho hay, TGĐ của PVN không chỉ đạo 1 dự án Thái Bình 2 mà điều hành chung hàng chục dự án khác.

"Tại Thái Bình 2, bị cáo đã phân công cho 3 Phó TGĐ phụ trách gồm anh Nguyễn Quốc Khánh phục trách kỹ thuật điện, Nguyễn Xuân Sơn phụ trách tài chính và Phó TGĐ Hà phục trách cơ sở hạ tầng. Phó TGĐ Nguyễn Quốc Khánh chủ trì.

Tập đoàn lớn nên phân công, phân quyền rất rộng... Nếu việc xảy ra bình thường thì không phải báo cáo TGĐ, chỉ báo cáo khi bất thường còn không thì chủ động hoàn toàn… Tòa sơ thẩm chưa tính đến việc này", bị cáo Thực khẳng định.

Ngoài ra, bị cáo Phùng Đình Thực nhấn mạnh, không có vai trò trong việc PVN tạm ứng cho PVC trong Thái Bình 2; tòa sơ thẩm chưa cá thể hóa hình phạt, không đánh giá tình tiết giảm nhẹ của ông; nhiều tình tiết gỡ tội cho ông không được đánh giá đầy đủ toàn diện ở sơ thẩm. 

Bị cáo Thực cũng cho biết đã gửi đơn kháng cáo bổ sung gồm 24 chứng cứ trong đó có 11 chứng cứ mới hoàn toàn.

Về hợp đồng EPC số 33, ông Thực khẳng định không được nghiên cứu, không biết hợp đồng này thiếu căn cứ pháp lý.

Được hỏi về trách nhiệm trong việc dự án Thái Bình 2 chậm tiến độ, gây thiệt hại, ông Thực khẳng định lãnh đạo trực tiếp phụ trách phải chịu trách nhiệm chính, việc này được ghi rõ trong quyết định phân công.

Ngoài ra, nếu dự án có khó khăn, cấp dưới phải chuyển công văn lên các bị cáo Nguyễn Quốc Khánh hoặc Nguyễn Xuân Sơn.

Chủ tọa đặt câu hỏi, các văn bản về dự án Thái Bình 2 có chuyển cho TGĐ? 

Ông Thực nói: "Năm 2011, với 7000 văn bản thì không ai gửi cả cho TGĐ. Theo quy chế, chánh văn phòng được chuyển thẳng cho đơn vị, người phụ trách dù văn bản gửi cho nhiều người…

Có nhiều văn bản bị cáo không được nhận, không biết. Giao ban của ban TGĐ chỉ liệt kê những việc đang làm, chủ yếu nêu khó khăn, vướng mắc".

Cũng theo ông Thực, bị cáo Nguyễn Quốc Khánh từng có văn bản ghi rất rõ lý do chuyển chủ đầu tư từ PVPower về PVN gồm PVPower không đủ năng lực tài chính, đưa về cho PVN sẽ chủ động hơn; quan hệ với các bộ ngành dễ hơn.

Ông Đinh La Thăng phủ nhận việc được báo cáo Hợp đồng 33

Trong phần đối chất, bị cáo Vũ Hồng Chương nói có gửi công văn nhờ tháo gỡ vướng mắc hợp đồng 33, gửi về tập đoàn, đề nơi gửi tới Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐTV, Ban lãnh đạo PVN.

Khi HĐXX hỏi lý do vì sao công văn 378 có phải của Ban quản lý dự án không? Ông Chương nói đó là văn bản sau trước đó có nhiều văn bản gửi lên đều không có hồi âm trả lời.

HĐXX hỏi tiếp về việc Ban quản lý có báo cáo trực tiếp ai không? ông Chương đáp: có, bảo lưu lời khai điều tra, sơ thẩm, sau khi gửi công văn gặp ông Thăng được mời về phòng làm việc, hỏi tại sao lại gửi công văn phản đối việc tạm ứng tiền.

Ông Chương cho hay, không gặp trực tiếp ông Phùng Đình Thực và ở phòng làm việc của ông Thăng lúc đó có ông Khánh, Sơn.

Ông Khánh khi đó hỏi sao chưa chuyển tiền, ông Sơn nói có văn bản nhưng chỉ ký nháy sao chuyển được. Ông Thăng nói: ‘tôi không biết làm thế nào các anh chuyển tiền cho PVC sớm".

Trong phần đối chất sau đó, ông Đinh La Thăng phủ nhận lời khai của ông Vũ Huy Quang, nguyên Tổng giám đốc PVPower về cuộc họp ngày 31/3/2011.

Theo đó, ông Thăng khẳng định, không có việc báo cáo của ông Quang về hợp đồng 33, đồng thời, cho rằng, vì đã chuyển chủ đầu tư Dự án từ PVPower sang PVC nên mới yêu cầu rà soát, ký lại hợp đồng 33.

Theo Hoàng Đan (Soha/Thời Đại)

Nổi bật