Ngày 16/8, VKSND huyện Bình Chánh, TP.HCM đã chính thức trao 200 triệu đồng tiền bồi thường oan cho chị Tiết Lệ Trân.
Giữa năm 2014, Pháp Luật TP.HCM nhận được hồ sơ vụ án tai nạn giao thông do luật sư Hồ Tố Trinh (Văn phòng Luật sư Người Nghèo) gửi đến. Tiếp cận hồ sơ, chúng tôi nhận thấy việc khởi tố chị Trân là không ổn.
Theo hồ sơ, giữa tháng 4/2012, chị Trân chạy xe máy chở bạn tên Vân trên quốc lộ 1A hướng từ cầu Bình Điền về chợ Bình Chánh thì xảy ra va chạm với một chiếc xe tải. Hậu quả, chị Trân bị gãy tay, thương tật 13%, còn chị Vân ngồi sau bị xe tải cán qua đùi gây tổn hại sức khỏe lên đến 85%. Nguyên nhân vì sao xe của chị Trân lại va vào xe tải dẫn đến tai nạn vẫn là một uẩn khúc.
Bắt đầu từ năm 2012, trong suốt quá trình điều tra, chị Trân liên tục kêu oan. Khi ấy chị chưa có luật sư. Nhiều lần bị công an mời lên làm việc, chị bị ức chế vì cách hỏi truy vấn theo hướng buộc tội nhưng lại không biết phản biện ra sao.
Hai năm sau, chị Trân chính thức bị khởi tố. Gia đình chị quyết định tìm tới Văn phòng Luật sư Người Nghèo để giúp chị minh oan.
Luật sư Hồ Tố Trinh là người trực tiếp cùng chị Trân đến cơ quan điều tra và liên tục gửi đơn kiến nghị cơ quan chức năng đề nghị xem xét lại kết luận giám định, trong đó có việc vì sao bảng số xe của Trân bị móp vào bên trong nhưng chưa được làm rõ…
Trong khi đó, chị Trân liên tục kêu oan vì thời điểm xảy ra vụ việc có một chiếc xe tải bất ngờ chạy vào làn đường xe máy. Hông bên phải xe tải va vào tay lái xe máy làm chị Trân bị mất thăng bằng.
Thấy vậy xe tải mới chạy sang trái trở về làn đường ôtô rồi thắng đột ngột làm cho chị Vân ngồi sau ngã xuống đường. Tiếp đó, có một lực đẩy đụng vào phía sau đuôi xe của chị Trân làm xe ngã xuống đường rồi bị xe ba gác kéo đi một đoạn…
Thế nhưng chị Trân vẫn bị VKSND huyện Bình Chánh truy tố về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, theo khoản 1 Điều 202 BLHS 1999 (khung hình phạt đến 5 năm tù). Nguyên nhân chính dẫn đến vụ tai nạn được cho là do chị Trân điều khiển xe không đúng phần đường, không làm chủ tốc độ, xử lý kém.
Cuối cùng, tháng 10/2018, Công an huyện Bình Chánh đã ra quyết định đình chỉ điều tra đối với chị Trân vì đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện hành vi phạm tội.
Điều lạ lùng là quyết định này không được trao kịp thời cho chị Trân. Đến khi Pháp Luật TP.HCM lên tiếng thì chị mới được mời lên nhận quyết định. Lúc này cha của chị đã qua đời. Gần một năm sau, tức ngày 16/8, VKSND huyện Bình Chánh đã mời chị lên nhận số tiền bồi thường hơn 200 triệu đồng.
Chị Trân bảo chỉ còn mấy ngày nữa là tới ngày giỗ cha, nhận được tiền bồi thường oan đồng nghĩa với việc mọi thứ chính thức khép lại. "Ở nơi ấy, chắc ba tôi đã yên lòng”, chị Trân trải lòng và nói thêm: "Từ giờ tôi đã thật sự yên tâm lo mưu sinh mà không còn thấp thỏm đợi chờ minh oan như những ngày đầu".
Đồng hành cùng người bị oan, Pháp Luật TP.HCM đã bám sát vụ việc kể từ lúc chị Trân bị truy tố cho tới ngày vụ án được đưa ra xét xử.
Báo đã có bài viết phân tích cho thấy nhiều dấu hiệu bất thường xoay quanh việc không làm chủ được tay lái của chị Trân. Từ sự vào cuộc quyết liệt của báo và luật sư Tố Trinh mà có đến 5 lần TAND huyện Bình Chánh đưa vụ án ra xét xử nhưng không thể tuyên án.
Trong đó, hai lần tòa trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung…Sau này, do luật sư Tố Trinh lập gia đình, chuyển sang Mỹ định cư, hồ sơ vụ án được bàn giao cho luật sư Lê Quang Vũ (cùng Văn phòng Luật sư Người Nghèo, nay là Công ty Luật Công Bình).
Theo Ngân Nga (Pháp Luật TP.HCM)