Nỗi đau khổ lớn nhất của ông Phan Văn Vĩnh

23/11/2018 11:20:00

“Bị cáo nhất quán nhận lỗi, lỗi đến đâu chịu đến đó, bị cáo không đổ trách nhiệm cho ai. Bị cáo mong được hạ hình phạt xuống mức thấp nhất” – cựu tổng cục trưởng Phan Văn Vĩnh nói trước tòa.

Sau khi kết thúc phần bào chữa của cựu Cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa và các luật sư, HĐXX mời bị cáo Phan Văn Vĩnh (cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát) bước lên bục khai báo.

Nỗi đau khổ lớn nhất của ông Phan Văn Vĩnh
Bị cáo Phan Văn Vĩnh tại tòa

Trước HĐXX, ông Vĩnh nói: "Trước tiên bị cáo nhận thấy lỗi lầm của mình. Cáo trạng truy tố bị cáo về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Trong suốt quá trình từ khi nhận cáo trạng đến khi ra toà, trước phần thẩm vấn, bị cáo đã nhận rõ ràng, mạch lạc mình đã vi phạm tội Lợi dụng…

Tuy nhiên, do điều kiện hoàn cảnh, đề nghị HĐXX, đại diện VKS phân tích các hành vi trong đó. Bị cáo mong HĐXX, VKS phân tích trên cơ sở hành vi đó để cho bị cáo được hưởng chính sách khoan hồng.

Bị cáo nhất quán nhận lỗi, lỗi đến đâu chịu đến đó, bị cáo không đổ trách nhiệm cho ai. Bị cáo xin được áp dụng tình tiết giảm nhẹ thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Bị cáo mong được hạ hình phạt xuống mức thấp nhất".

Tiếp đó, luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang là người đầu tiên trình bày bài bào chữa cho ông Phan Văn Vĩnh.

Theo luật sư Trang, đối với ông Phan Văn Vĩnh, dù từng là người mang quân hàm Trung tướng, xông pha, quả cảm trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhưng trong điều kiện đứng trước một phiên toà trang nghiêm, đang xét xử chính mình, với hàng chục ống kính chĩa vào ông và sự quan tâm theo dõi của cả xã hội, ông Vĩnh đã không giữ được bình tĩnh. Do vậy, khi thẩm vấn và trình bày lời tự bào chữa vừa rồi, ông đã không nêu hết được nhận thức thừa nhận hành vi phạm tội của mình.

Nỗi đau khổ lớn nhất của ông Phan Văn Vĩnh - 1
Luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang trình bày

Luật sư Trang cho biết từ khi bị khởi tố, bắt tạm giam đến hôm nay, thân chủ của bà đã rất ân hận, day dứt và tự trừng phạt mình, chỉ vì một lỗi lầm không đáng có trong suốt hơn 45 năm cống hiến, ông đã đánh mất đi tất cả, làm đau lòng người mẹ thân sinh của ông, người cả đời cống hiến cho Tổ quốc.

Ông tự hận mình làm khổ các con, nhất là người con trai duy nhất đang còn trên ghế nhà trường, vì việc của ông mà bị trầm cảm.

“Ông Vĩnh nói với tôi rằng: Luật sư Trang à, nỗi đau khổ và ân hận lớn nhất đời tôi mà có chết tôi cũng không tha thứ cho bản thân mình được đó là vì tôi mà lực lượng công an nhân dân, uy tín bị giảm sút. Tôi đã làm ảnh hưởng đến tư cách trong sạch của một đảng viên cộng sản. Tôi làm liên luỵ đến nhiều anh em chiến sỹ. Tôi đã gián tiếp, tôi vô tình nhưng đã đẩy bao nhiêu con người đến sự tan cửa, nát nhà, vì thiếu sự cương quyết, vì sự thiếu hiểu biết về CNTT, vì sự sai lầm của tôi. Tôi có tội với nhân dân, có tội với Tổ quốc, tôi phải chịu trách nhiệm trước Đảng, nhà nước, nhân dân”- luật sư Trang nói và cho biết, đó là ý thức, nhận thức về lỗi lầm của ông Vĩnh.

Cũng theo vị nữ luật sư, lỗi vô ý hay gián tiếp mà ông nói không có nghĩa là ông chối tội, không nhận tội. Nhưng do cách trình bày của ông khiến mọi người khó nhận ra sự ăn năn, thành khẩn của ông Vĩnh.

“Trao đổi với chúng tôi, ông nói các luật sư không được sử dụng tình tiết bệnh tật, sức khoẻ của ông để làm tình tiết giảm nhẹ. Trong phần tự bào chữa, ông cũng không nhắc tới việc ông bệnh tật, ông không đủ sức khoẻ. Ông răn chúng tôi, hãy giữ cho ông, giữ cho ngành công an một chút uy tín cuối cùng mà ông có thể làm được”- luật sư Trang nói tiếp

Luật sư Trang sau đó trình bày các căn cứ để gỡ nhẹ tội cho ông Phan Văn Vĩnh.

Theo Đ.Minh - T.Phan (Pháp Luật TP.HCM)

Nổi bật