Theo đó, trong phần tự bào chữa cho mình, bị cáo Nguyễn Văn Dương vẫn giữ thái độ thành khẩn và xin nhận trách nhiệm hình sự và dân sự theo đề nghị của Viện Kiểm sát (VKS) đối với hai tội danh của bị cáo đó là tội “Tổ chức đánh bạc” và tội “Rửa tiền”.
Trước đó, Viện Kiểm sát đề nghị tình tiết giảm nhẹ đối với Nguyễn Văn Dương là trong quá trình điều tra, bị cáo đã thành khẩn khai báo về hành vi của mình và đồng phạm, nên được áp dụng tình tiết giảm nhẹ đối với cả hai tội danh trên.
Theo đó, Cơ quan này đề nghị mức án cho Nguyễn Văn Dương là 8 - 9 năm tù đối với tội Tổ chức đánh bạc, 3 - 4 năm tù đối với tội Rửa tiền. Tổng hợp hình phạt chung, cựu Chủ tịch CNC bị đề nghị từ 11-13 năm tù, đồng thời tịch thu toàn bộ số tiền 1.655 tỷ đồng thu lời bất chính.
“Đây là mức án cao với tôi và cao nhất trong vụ án này”, bị cáo Nguyễn Văn Dương nói: “Tôi biết mình là người có trách nhiệm trong việc Tổ chức đánh bạc. Tôi xin nhận nhưng mong tòa xem xét mức án 8 - 9 năm gần như là mức cao nhất để cho tôi hưởng mức án phù hợp”.
Đối với tội Rửa tiền, đây là tội danh hoàn toàn mới với các doanh nghiệp Việt Nam nên bị cáo mong muốn các luật sư trình bày thêm các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo. Viện Kiểm sát cũng nêu quan điểm xem xét các tình tiết giảm nhẹ đối với tội danh này cho cả Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam vì mặc dù đã có Luật Phòng chống rửa tiền từ lâu nhưng rất hiếm khi có người bị xét xử, do đó nhận thức của các cá nhân về tội danh này chưa rõ ràng.
Nguyễn Văn Dương kết thúc phần tự bào chữa: “Dù mức án như thế nào tôi nhận thức đây là trách nhiệm của tôi. Tôi sẽ không thực hiện quyền kháng án đối với bản án sơ thẩm. Tôi muốn có lời với doanh nghiệp Việt Nam, dù ở hoàn cảnh nào cũng nên hiểu biết và tuân thủ pháp luật để tránh xảy ra các trường hợp.”
Trước đó, khi đối chất với bị cáo Nguyễn Thanh Hóa (cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao – C50), sau khi Nguyễn Thanh Hóa phủ nhận việc C50 có liên quan đến Công ty CNC, Nguyễn Văn Dương nói:
“Với trách nhiệm người đứng đầu CNC, tôi mong HĐXX xét xử tôi với tư cách một doanh nghiệp bình thường, mặc dù như thế mức hình phạt của tôi có thể cao hơn, nhưng tôi chấp nhận điều đó”.
Cũng trong phần tranh luận, sau phần bị cáo Nguyễn Văn Dương tự bào chữa cho mình, luật sư Phan Trung Hoài, luật sư bào chữa cho bị cáo Dương đã đưa ra một số quan điểm như sau:
Về việc thành lập công ty bình phong, trong Báo cáo khả thi Đề án thành lập Công ty bình phong trực thuộc C50 phục vụ các hoạt động nghiệp vụ và công ích, nêu rõ: “Cơ quan quản lý Đề án là do Tổng cục cảnh sát chủ trì, Cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện là C50”.
Về tên gọi và loại hình Công ty, Đề án định nghĩa Công ty bình phong là đơn vị kinh tế nghiệp vụ theo phương thức hợp tác liên doanh (sử dụng doanh nghiệp bên ngoài - chủ yếu là sử dụng con dấu và hồ sơ năng lực kinh nghiệm của doanh nghiệp C50 hợp tác) nhằm thực hiện các yêu cầu công tác theo sự chỉ đạo trực tiếp từ C50 phục vụ nhiệm vụ chính trị.
Mô hình tổ chức và bộ máy quản lý, điều hành: Đơn vị kinh tế nghiệp vụ hợp tác liên doanh được tổ chức theo mô hình Công ty cổ phần và Chi nhánh, được quản lý điều hành bởi Giám đốc và cán bộ C50 cử giữ chức vụ Phó Giám đốc phụ trách lĩnh vực Công nghệ thông tin (sẽ phân định rõ trong văn bản hợp tác, mỗi bên độc lập về tài chính, tự chịu trách nhiệm về chế độ tài chính của mình và tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh lỗ, lãi trong phần việc được giao).
Đáng chú ý, Tổng cục cảnh sát và C50 còn hỗ trợ CNC trong việc xin cấp phép trò chơi điện tử bằng nhiều đề xuất.
Theo luật sư Phan Trung Hoài, đúng như kết quả thẩm tra công khai tại phiên tòa, nếu như vào thời điểm tháng 8/2016, khi nhận được thông tin việc vận hành game bài RikVip có dấu hiệu tổ chức đánh bạc, vi phạm pháp luật, các cơ quan chức năng của Bộ TTTT và của ngành Công an kiên quyết xử lý, ngăn chặn thì hậu quả vụ án không xảy ra đặc biệt nghiêm trọng như Kết luận điều tra và cáo trạng đã nêu.
Về tội danh Rửa tiền, luật sư Hoài mong Viện Kiểm sát và HĐXX xem xét lại việc truy tố và xét xử bị cáo Nguyễn Văn Dương về tội “Rửa tiền” vì chưa đủ căn cứ do không phù hợp về mặt chủ thể trong cấu thành tội phạm cơ bản của tội “Rửa tiền” theo Điều 251 BLHS năm 1999 (sửa đổi 2009).
Luật sư Hoài tiếp tục phân tích: Điều 251 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi 2009) đòi hỏi là phải biết rõ nguồn gốc tài sản do người khác phạm tội mà có chứ không phải do chính Nguyễn Văn Dương thực hiện, không phù hợp với kết quả điều tra, kết quả thẩm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa.
Như vậy, hiểu một cách chính xác, một người chỉ có thể bị truy tố, xét xử về tội “Rửa tiền” khi biết rõ nguồn gốc số tiền do người khác phạm tội mà có, chứ không phải do chính mình thực hiện.
Từ những căn cứ nêu trên, luật sư Phan Trung Hoài đề nghị đại diện Viện kiểm sát và HĐXX TAND tỉnh Phú Thọ áp dụng các tình tiết giảm nhẹ hình phạt và có lợi cho người phạm tội, cân nhắc, xem xét để đưa ra được một bản án khách quan, công tâm, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Theo Mạnh Hùng (Báo Công Lý)