Sáng 21/6, TAND Cấp cao tại Hà Nội tiếp tục ngày làm việc thứ 3 xét xử phúc thẩm Đinh La Thăng và 6 bị cáo vụ PVN mất 800 tỷ đồng khi góp vốn vào Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank). Các nhân chứng Nguyễn Thị Thủy Tiên, Lê Hải Ninh và Bùi Hà Châu (đều thuộc Văn phòng PVN) tiếp tục trình bày.
Tại tòa, bà Tiên cung cấp bản sao Dự thảo nghị quyết tăng vốn của Oceanbank. Theo nữ nhân chứng, đây là tài liệu bà đã cung cấp cho đồng nghiệp Châu để đi sao chụp rồi gửi cho các thành viên HĐTV. Chứng cứ này ngay lập tức được HĐXX chuyển cho đại diện VKS để xem xét.
Tiếp đó, HĐXX đề nghị xét hỏi người đại diện pháp luật của PVN. Tuy nhiên, vị đại diện không có mặt nên tòa yêu cầu triệu tập để làm việc sau.
Ngoài ra, HĐXX cũng đề nghị triệu tập nữ nhân chứng Liên Hương - là thư ký HĐTV năm 2008. Bà Hương là người tham gia nhận và chuyển giao văn bản nội bộ của PVN đến các thành viên HĐTV.
Ninh Văn Quỳnh khai đút túi 20 tỷ đồng lãi ngoài
Ngay sau đó, HĐXX xét hỏi bị cáo Ninh Văn Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng PVN). Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Quỳnh có vai trò đồng phạm với Đinh La Thăng về tội Cố ý làm trái khi PVN góp vốn lần 3 vào Oceanbank.
Ngoài ra, bị cáo 60 tuổi còn bị quy kết đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt khoản tiền lãi ngoài Nguyễn Xuân Sơn đưa để chăm sóc lãnh đạo PVN.
Tòa sơ thẩm tuyên bị cáo Quỳnh 23 năm tù cho 2 tội danh. Người này còn phải bồi thường 100 tỷ đồng.
Trả lời tòa phúc thẩm, Ninh Văn Quỳnh khai trong đợt góp vốn lần 3 (100 tỷ đồng), ông ta đã nhận tài liệu rồi báo cáo Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó tổng giám đốc PVN), trình lên thư ký báo cáo để HĐTV ra nghị quyết 1466.
"Trong văn bản bị cáo ký, bị cáo trình bày về nguồn vốn và đề nghị HĐTV cho phép PVN được góp vốn vào Oceanbank", Quỳnh khai.
"Với chức trách là kiểm sát viên tài chính doanh nghiệp, bị cáo có phát hiện PVN góp vốn vào Oceanbank là sai phạm?". Trước câu hỏi của HĐXX, bị cáo Quỳnh nói ông ta không phát hiện được sai phạm.
Tiếp tục trả lời, Ninh Văn Quỳnh giải trình do năng lực chuyên môn của bản thân, không phát hiện ra sai phạm nên bị cáo không có báo cáo nào kiến nghị với cấp trên về việc góp vốn.
"Bị cáo là Kế toán trưởng, nghĩa là người có chức năng kiểm sát tài chính doanh nghiệp. Bị cáo có biết quy định này không?, chủ tọa Nguyễn Vinh Quang truy vấn. Tuy nhiên, ông Quỳnh nói bản thân không nắm được.
"Đó là do nhận thức, kiến thức của mình. Đã xuống nước thì nên biết bơi nếu không rất nguy hiểm", vị chủ tọa ví von.
Tiếp đó, trả lời câu hỏi của HĐXX rằng hàng năm có biết hay không việc Oceanbank chia tiền cho PVN. Ninh Văn Quỳnh đáp ông ta biết và cho rằng đó là tiền cổ tức. Nguyên Kế toán trưởng PVN khai tập đoàn đã nhận được 244 tỷ đồng cổ tức từ 2009-2013.
"Bị cáo có được nhận tiền từ Nguyễn Xuân Sơn không?", trả lời câu hỏi của chủ tọa, Quỳnh ngập ngừng rồi nói ông ta nhận được tổng số 20 tỷ đồng. Trong đó, có 4 tỷ đồng Nguyễn Xuân Sơn (khi đó là Tổng giám đốc Oceanbank) nhờ Nguyễn Xuân Thắng (nguyên thành viên HĐTV PVN) “xách hộ”.
Bị cáo 60 tuổi cho rằng đó là khoản tiền Nguyễn Xuân Sơn đưa để ông ta tạo điều kiện cho hoạt động của Oceanbank được tốt hơn. Tuy nhiên, chủ tọa vội ngắt lời và giải thích, theo bản án sơ thẩm vụ án xảy ra tại Ngân hàng Đại Dương, đó là tiền nhà băng chăm sóc những khách hàng đã gửi tiền vào nơi này, hay còn gọi là “lãi ngoài”.
Tại tòa phúc thẩm, bị cáo Quỳnh tái khẳng định sau khi nhận 20 tỷ đồng từ Nguyễn Xuân Sơn, ông ta không nộp vào PVN mà “đút túi” để chi các khoản như mua căn hộ, đầu tư chứng khoán, sắm ôtô, cho con đi du học, chi để cán bộ cấp dưới đi du lịch.
"Đến nay bị cáo đã nộp lại toàn bộ cho CQĐT và người nhà cũng nộp thêm 200 triệu đồng khắc phục hậu quả của vụ án đang xét xử", Ninh Văn Quỳnh nói.
Nguyễn Xuân Sơn khẳng định đưa 180 tỷ đồng
Cũng trong sáng nay, HĐXX xét hỏi bị cáo Nguyễn Xuân Sơn. Với thái độ khá điềm tĩnh, nguyên Phó tổng giám đốc PVN khai và khẳng định khoản tiền ông ta đã đưa cho bị cáo Ninh Văn Quỳnh là tiền để chăm sóc khách hàng.
Sơn lý giải, giai đoạn PVN góp vốn vào Oceanbank, nhà băng đã thực hiện chính sách chi lãi ngoài để nâng cao quan hệ giữa ngân hàng với khách hàng.
“Bị cáo đã đưa cho ông Quỳnh 180 tỷ đồng, trong đó Nguyễn Xuân Thắng giúp đưa 2 lần, mỗi lần 5 tỷ đồng”, bị cáo Sơn khẳng định và thừa nhận, việc đưa tiền không có chứng từ ghi chép.
Theo nội dung đơn kháng cáo của Nguyễn Xuân Sơn, bị cáo này kiến nghị tòa phúc thẩm xem xét và buộc Ninh Văn Quỳnh phải hoàn trả 180 tỷ đồng, không phải chỉ 20 tỷ đồng như lời khai của nguyên Kế toán trưởng PVN.
Chiều một ngày trước, HĐXX đã cho phiên tòa phải dừng sớm. Một luật sư rời phòng xử án cho biết, theo đại diện VKS, lý do cơ quan công tố đề nghị tạm dừng để làm rõ một số tình tiết mới xuất hiện trong phần xét hỏi cuối buổi sáng cùng ngày.
Theo bản án sơ thẩm, do không được thành lập Ngân hàng Hồng Việt nên PVN chuyển sang đầu tư mua cổ phần của Oceanbank. Thực hiện chủ trương của Đinh La Thăng, các bị cáo Vũ Khánh Trường, Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Xuân Thắng, Phan Đình Đức, Nguyễn Thanh Liêm và Ninh Văn Quỳnh đã 3 lần góp vốn tổng số tiền 800 tỷ đồng vào nhà băng này.
Tuy nhiên, do năng lực yếu kém, Oceanbank hoạt động không hiệu quả, âm vốn sở hữu. 800 tỷ của PVN mất hoàn toàn khi ngân hàng Đại Dương bị Ngân hàng Nhà nước mua bắt buộc với giá 0 đồng.
Tòa sơ thẩm xác định nguyên nhân PVN mất 800 tỷ do hành vi trái pháp luật của bị cáo Thăng và các đồng phạm. Ngoài ra, bị cáo Ninh Văn Quỳnh còn lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản.
Do đó, tòa buộc ông Thăng phải bồi thường cho PVN 600 tỷ đồng, Ninh Văn Quỳnh 100 tỷ đồng, Vũ Khánh Trường 40 tỷ đồng. Các bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm và Phan Đình Đức bồi thường 15 tỷ đồng mỗi người.
Theo bản án sơ thẩm, do không được thành lập Ngân hàng Hồng Việt nên PVN chuyển sang đầu tư mua cổ phần của Oceanbank. Thực hiện chủ trương của Đinh La Thăng, các bị cáo Vũ Khánh Trường, Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Xuân Thắng, Phan Đình Đức, Nguyễn Thanh Liêm và Ninh Văn Quỳnh đã 3 lần góp vốn tổng số tiền 800 tỷ đồng vào nhà băng này.
Tuy nhiên, do năng lực yếu kém, Oceanbank hoạt động không hiệu quả, âm vốn sở hữu. 800 tỷ của PVN mất hoàn toàn khi ngân hàng Đại Dương bị Ngân hàng Nhà nước mua bắt buộc với giá 0 đồng.
Tòa sơ thẩm xác định nguyên nhân PVN mất 800 tỷ do hành vi trái pháp luật của bị cáo Thăng và các đồng phạm. Ngoài ra, bị cáo Ninh Văn Quỳnh còn lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản.
Do đó, tòa buộc ông Thăng phải bồi thường cho PVN 600 tỷ đồng, Ninh Văn Quỳnh 100 tỷ đồng, Vũ Khánh Trường 40 tỷ đồng. Các bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm và Phan Đình Đức bồi thường 15 tỷ đồng mỗi người.
Theo Hoàng Lam (Tri Thức Trực Tuyến)