Sáng 20/6, ngày thứ 2 phiên tòa phúc thẩm xét xử Đinh La Thăng và 6 người khác, Vũ Khánh Trường (nguyên thành viên HĐTV Tập đoàn dầu khí - PVN) là bị cáo đầu tiên tham gia xét hỏi.
PVN nhận 244 tỷ đồng cổ tức khi góp vốn 800 tỷ
Trả lời luật sư Phan Trung Hoài về cơ sở của việc PVN góp vốn lần 2 (300 tỷ đồng) vào Oceanbank, bị cáo Trường đáp nhà băng lúc đó có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 3.500 tỷ. PVN tham gia 20% vốn góp nên con số 300 tỷ dựa vào tỷ lệ % trên.
“Phương án tăng vốn của Oceanbank có được Ngân hàng Nhà nước cho phép không?”, luật sư Hoài tiếp tục. Bị cáo Trường nói ông không nắm rõ nhưng theo quy định, Oceanbank phải xin ý kiến cổ đông trước.
“PVN là một cổ đông nên tập đoàn phải có ý kiến và chấp thuận việc đó”, nguyên thành viên HĐTV PVN trả lời.
Luật sư Hoài truy tiếp bị cáo Trường việc ông này có nắm được trình tự PVN xin ý kiến cơ quan quản lý Nhà nước. Người đứng ở bục khai báo cho hay, ông ta đã ký nghị quyết về phương án góp tiền để tăng vốn ngân hàng. Tuy nhiên, nghị quyết muốn thực hiện thì phải xin ý kiến các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu Tư, Công Thương và Ngân hàng Nhà nước.
Sau đó, khi cơ quan chức năng có ý kiến truyền đạt, PVN mới thực hiện việc góp vốn lần 2 là 300 tỷ đồng.
"Ông đánh giá thế nào về hiệu quả góp vốn?”. Đáp lại luật sư, bị cáo 64 tuổi nhận định thời điểm đó, việc góp vốn có hiệu quả. Cụ thể, giai đoạn 2009 - 2013, PVN đều nhận được cổ tức của Oceanbank.
“Vậy cơ sở nào để PVN góp thêm 100 tỷ đồng ở lần 3?”, luật sư hỏi dồn dập. Bị cáo điềm tĩnh trả lời, phương án tăng vốn lên 3.500 tỷ là bước một. Bước 2 tăng lên 5.000 tỷ. Tuy nhiên, khi ban Tổng giám đốc PVN trình lên HĐTV thì chỉ được đồng ý tăng lên 4.000 tỷ.
Tiếp tục hỏi Vũ Khánh Trường, luật sư Đỗ Ngọc Quang cho biết sau khi góp 800 tỷ vào Oceanbank, PVN đã nhận được 244 tỷ đồng cổ tức. Vị luật sư hỏi bị cáo Trường, việc tập đoàn nhận cổ tức như vậy có trái quy định không. Người này đã từ chối trả lời câu hỏi trên.
Nguyên thành viên HĐTV PVN nói rằng ông ta chỉ biết trong 3 đợt góp vốn, lần góp thứ 3 (100 tỷ đồng) đã vi phạm Luật các tổ chức tín dụng. “Hai lần trước đó bị cáo nghĩ không sai phạm gì”, ông Trường trả lời.
Theo bản án sơ thẩm, giai đoạn 2008 - 2011, Đinh La Thăng đã chỉ đạo PVN 3 lần góp vốn, với lần lượt các khoản tiền 400 tỷ, 300 tỷ và 100 tỷ vào Oceanbank. Trong đó, lần thứ 3, bị cáo Thăng đi công tác nên đã ủy quyền cho cấp dưới. Tòa sơ thẩm quy kết nguyên Chủ tịch PVN chỉ thị việc góp vốn trước khi xin ý kiến chỉ đạo.
Các bị cáo Vũ Khánh Trường, Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Xuân Thắng, Phan Đình Đức, Nguyễn Thanh Liêm và Ninh Văn Quỳnh đã thực hiện chủ trương nói trên của Đinh La Thăng.
Sai phạm do không nắm rõ luật
Sau hơn một giờ xét hỏi, HĐXX đề nghị bị cáo nêu lý do kháng cáo. Vũ Khánh Trường khai bản thân tham gia đồng ý việc góp vốn lần 3 khi không nắm được Luật các tổ chức tín dụng đã có hiệu lực.
Bị cáo lý giải ông ta không phụ trách lĩnh vực liên quan đến tài chính, góp vốn nên không biết luật có hiệu lực. Do đó, Vũ Khánh Trường mong tòa xem xét hình phạt sơ thẩm 5 năm tù và miễn bồi thường dân sự 15 tỷ đồng cho PVN.
Ngoài ra, bị cáo 64 tuổi đánh giá Tập đoàn dầu khí mất 800 tỷ khi góp vốn không thuộc trách nhiệm của HĐTV, mà do ban lãnh đạo Ngân hàng Đại Dương và người đại diện phần vốn của PVN tại Oceanbank.
Tuy nhiên, chủ tọa Nguyễn Vinh Quang lập tức ngắt lời và giải thích, tòa sơ thẩm quy kết PVN mất vốn là do góp cổ phần đầu tư sai quy định. Việc quản lý yếu kém của ban lãnh đạo Oceanbank đã được giải quyết ở một vụ án khác.
Tiếp đó, HĐXX xét hỏi bị cáo Nguyễn Xuân Thắng với cùng câu hỏi dành cho các thành viên HĐTV PVN, về việc họ tham gia các lần góp vốn vào nhà băng.
Trả lời chủ tọa, bị cáo Thắng khai ông ta tham gia ký xác nhận đồng ý việc góp vốn lần 3 (100 tỷ đồng) trên cơ sở xem các tờ trình của ban Tổng giám đốc PVN.
Theo lời khai, giai đoạn PVN góp vốn lần 3, ông Thắng được nguyên Chủ tịch Đinh La Thăng ủy quyền chỉ đạo các công việc trong HĐTV khi ông Thăng đi công tác.
Lúc đó, ban Tổng giám đốc PVN trình nghị quyết về việc góp vốn lần 3. Nội dung văn bản nêu, xét đề nghị của Tổng giám đốc Tập đoàn, quyết định chấp thuận điều chỉnh tăng vốn điều lệ của Oceanbank.
Chủ tọa hỏi: “Nghị quyết này chỉ căn cứ vào dự thảo của ban Tổng giám đốc?”. Bị cáo Thắng xác nhận đúng.
Khi HĐXX tiếp tục truy vấn ai là người ra quyết định chuyển 100 tỷ đồng vào nhà băng, âm thanh truyền đến phòng báo chí đột ngột gián đoạn.
Nói về lý do kháng cáo xin được cải tạo ngoài xã hội và miễn bồi thường dân sự 15 tỷ đồng, bị cáo 63 tuổi trình bày thời điểm ký xác nhận nghị quyết góp vốn, ông ta mới nhận công tác nên chưa cập nhật hết các văn bản, điều lệ của tập đoàn.
Ngoài ra, nguyên thành viên HĐTV nói rằng ông ta mắc nhiều bệnh nên muốn được cải tạo bên ngoài để chăm sóc sức khỏe. Về mức bồi thường dân sự của bản án sơ thẩm, ông Thắng cho rằng trong vụ án xảy ra tại Oceanbank, tòa đã tuyên bị cáo phải bồi thường nên trong vụ án này, nếu tiếp tục khắc phục thì sẽ trùng.
Theo bản án sơ thẩm, do không được thành lập Ngân hàng Hồng Việt nên PVN chuyển sang đầu tư mua cổ phần của Oceanbank. Thực hiện chủ trương của Đinh La Thăng, các bị cáo Vũ Khánh Trường, Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Xuân Thắng, Phan Đình Đức, Nguyễn Thanh Liêm và Ninh Văn Quỳnh đã 3 lần góp vốn tổng số tiền 800 tỷ đồng vào nhà băng này.
Tuy nhiên, do năng lực yếu kém, Oceanbank hoạt động không hiệu quả, âm vốn sở hữu. 800 tỷ của PVN mất hoàn toàn khi ngân hàng Đại Dương bị Ngân hàng Nhà nước mua bắt buộc với giá 0 đồng.
Tòa sơ thẩm xác định nguyên nhân PVN mất 800 tỷ do hành vi trái pháp luật của bị cáo Thăng và các đồng phạm. Ngoài ra, bị cáo Ninh Văn Quỳnh còn lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản.
Do đó, tòa buộc ông Thăng phải bồi thường cho PVN 600 tỷ đồng, Ninh Văn Quỳnh 100 tỷ đồng, Vũ Khánh Trường 40 tỷ đồng. Các bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm và Phan Đình Đức bồi thường 15 tỷ đồng mỗi người.
Theo Hoàng Lam (Tri Thức Trực Tuyến)