Đối với những gia đình bình thường, chỉ nửa ngày ra tòa thì cuộc hôn nhân kết thúc. Thế nhưng, đối với những vụ ly hôn của những người siêu giàu, tài sản lên tới trăm tỷ, ngàn tỷ thì dù không muốn nhìn mặt nhau nhưng nhiều năm sau vẫn phải đối diện với tại tòa để phân chia tài sản. Có những vụ án kéo dài vài năm hoặc hơn chục năm trời.
Ông chủ Trung Nguyên một mực muốn kết thúc cuộc hôn nhân
Vài năm trước, vụ ly hôn của ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên) và bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã tốn không ít giấy mực của báo chí và sự quan tâm của dư luận.
Tình yêu của vợ chồng ông chủ Trung Nguyên từng được nhiều người ngưỡng mộ, bởi họ bên nhau từ khi khốn khó, từ 2 bàn tay trắng họ đã tạo lập lên Tập đoàn Trung Nguyên nổi tiếng.
Thế nhưng, sau 20 năm bên nhau, năm 2015 bà Thảo bất ngờ đâm đơn ly hôn ông Vũ vì nhiều mâu thuẫn không thể hòa giải.
Sau 10 lần hòa giải bất thành, tháng 2/2019, TAND TP.HCM đã đưa vụ ly hôn của vợ chồng ông chủ Trung Nguyên ra xét xử...
Sau hơn một tháng xét xử, cuối tháng 3/2019, TAND TP.HCM đã công nhận thỏa thuận ly hôn giữa bà Thảo và ông Vũ, giữ nguyên bản án sơ thẩm về những thỏa thuận của ông Vũ và bà Thảo sau hôn nhân, cấp dưỡng.
Chấp nhận sự tự nguyện trợ cấp nuôi con chung của ông Vũ, mỗi cháu 2,5 tỷ đồng/năm, tính từ thời điểm 2013 tới khi học xong đại học.
Giao cho ông Vũ toàn bộ cổ phần trong các công ty của tập đoàn Trung Nguyên. Theo đó, ông Vũ được hưởng 60%, bà Thảo 40% tài sản chung là các cổ phần trong các công ty của Tập đoàn Trung Nguyên.
Tòa yêu cầu bà Thảo giao lại toàn bộ số cổ phần cho ông Vũ và ông có trách nhiệm hoàn lại bằng tiền cho bà Thảo.
Về tiền, vàng có giá trị hơn 1.765 tỷ, HĐXX nhận thấy trong trường hợp không có căn cứ chứng minh đang có tranh chấp là tài sản riêng nên coi là chung và tính đến công sức đóng góp của các bên. Tòa giao bà Thảo tiếp tục quản lý, số tiền chênh lệch được cấn trừ vào số cổ phần ông Vũ nhận lại từ bà Thảo.
Về bất động sản, bà Thảo được sở hữu, quản lý, quyền sử dụng đất và gắn liền với đất gồm 7 bất động sản trị giá 375 tỷ; ông Vũ được quản lý tài sản đất và gắn liền với đất tương đương 6 bất động sản trị giá 350 tỷ.
Sau phiên sơ thẩm, cả ông Vũ và bà Thảo đều kháng có đơn kháng cáo và VKSND TP.HCM cũng có kháng nghị cho rằng tòa cùng cấp đã vi phạm tố tụng.
Đến tháng 12/2019, TAND cấp cao tại TP.HCM đã bác đơn kháng cáo của ông Vũ và bà Thảo, chấp nhận một phần kháng nghị của VKSND TP.HCM.
Cuộc tranh chấp kéo dài hơn thập kỷ của cựu siêu mẫu
Mới đây, vụ án "Tranh chấp quyền sở hữu tài sản và chia tài sản chung sau ly hôn" giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Đức An (quốc tịch Mỹ) với bà Phạm Thị Ngọc Thúy (tức cựu siêu mẫu Ngọc Thúy) cũng khiến dư luận quan tâm. Vụ án kéo dài suốt 13 năm trời.
Đại gia Đức An và cựu siêu mẫu Ngọc Thúy kết hôn năm 2006, nhưng mới hơn một năm cặp đôi nộp đơn ly hôn tại Mỹ.
Khi giải quyết vụ án ly hôn giữa siêu mẫu Ngọc Thúy và chồng, tòa thượng thẩm California, Mỹ đã tuyên: Cấp quyền giữ lại làm tài sản riêng, không có tài sản chung mà các bên có được trong hôn nhân. Nghĩa là, các dự án bất động sản, căn hộ, biệt thự, tài khoản và xe cộ mà ông An nhờ siêu mẫu Ngọc Thúy đứng tên ở Việt Nam đều thuộc tài sản độc quyền của ông An. Ngọc Thúy phải trả lại cho ông An sau khi ly hôn.
Tuy nhiên, do bà Thúy không trả lại tài sản như phán quyết của tòa Mỹ nên ông An đã khởi kiện ra tòa, đòi người cũ trả lại các bất động sản, tiền mặt, với tổng giá trị ước tính là 288 tỷ đồng.
Tại tòa, phía đại gia Đức An khẳng định toàn bộ các bất động sản tại TP.HCM, Vũng Tàu và Phan Thiết có được là do ông gửi tiền về cho Ngọc Thúy mua.
Phía cựu siêu mẫu thì cho rằng, trong quá trình hôn nhân, cả 2 đã tạo lập được khối tài sản chung nên bà Ngọc Thúy yêu cầu được chia đôi số tài sản.
Sau nhiều lần xét xử rồi tạm hoãn, ngày 1/11 vừa qua, TAND TP.HCM đã quyết định chia đôi số tài sản này cho cả đại gia Đức An và cựu siêu mẫu Ngọc Thúy. Bởi theo tòa, đây là tài sản được hình thành trong quá trình hôn nhân.
Vụ ly hôn có khối tài sản tranh chấp hơn 10 ngàn tỷ
Vụ ly hôn của con gái ông chủ Tập đoàn Bảo Sơn được coi là vụ ly hôn có khối tài sản tranh chấp lớn nhất từ trước đến nay.
Theo đó, số tài sản tranh chấp lên tới 500 triệu USD (tính ra tiền Việt là hơn 10 ngàn tỷ đồng).
Theo nội dung vụ việc, sau 6 năm kết hôn, do không còn tiếng nói chung nên tháng 4/2010 bà Nguyễn Thanh Thủy, Phó chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Bảo Sơn (chủ sở hữu Thiên đường Bảo Sơn) đã làm đơn ly hôn chồng là ông Bùi Đức Minh.
Tuy nhiên, TAND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã không phân chia về tài sản và công nợ nên ông Minh đã làm đơn kháng cáo yêu cầu phân chia lại số tài sản thuộc sở hữu chung của cả 2 vợ chồng.
Theo ông, hai vợ chồng có tài sản chung tại Tập đoàn Bảo Sơn và 7 công ty khác do tập đoàn là chủ sở hữu. Các tài sản này đều được hình thành trong thời kỳ hôn nhân, nhưng phần lớn mang tên bà Thủy.
Tuy nhiên, khi vụ tranh chấp đang được thụ lý thì bất ngờ ông Minh bị bắt khi có hành vi nhắn tin bôi nhọ một số lãnh đạo của thành phố. Sau đó, ông Minh bị tuyên phạt 15 tháng tù.
Theo Thanh Phương (VietNamNet)