Những vụ lừa đảo tiền tỉ khó tin nhưng có thật

10/02/2024 21:28:02

Nhiều vụ lừa đảo khiến người nghe cũng khó hiểu nhưng lại diễn ra trong đời thật làm cho nhiều người điêu đứng.

Mặc dù Công an TP HCM liên tục khuyến cáo những chiêu thức lừa đảo tinh vi, lừa công nghệ cao, lừa dựa vào mối quan hệ làm ăn nhưng nhiều người vẫn mất cảnh giác dẫn đến sụp bẫy. Những vụ việc xảy ra khiến người trong cuộc hao tổn về tinh thần, mất mát về tài sản họ dành dụm cả đời.

Mất 15 tỉ sau khi nghe điện thoại

Dù Bộ Công an và Công an TP HCM bằng nhiều hình thức đã cảnh giác người dân phải luôn cảnh giác với những tin nhắn, cuộc gọi từ người lạ nhưng nhiều người vẫn bị lừa. Phổ biến nhất là những chiêu lừa nhắm vào người già, phụ nữ.

Giữa tháng 4-2023, ông Đ.T.L. (SN 1952) đã đến Công an TP HCM trình báo về việc bị lừa gần 15 tỉ đồng. Theo đó, bất ngờ ông nhận được cuộc gọi của một người xưng là công an, đang điều tra vụ án mà ông có liên quan đến đường dây tội phạm. Sau đó, "cán bộ công an" gọi video call thì ông L. nhìn thấy mặc sắc phục công an kèm theo lệnh bắt giam ông.

Những vụ lừa đảo tiền tỉ khó tin nhưng có thật
Ngân hàng cảnh báo chiêu thức lừa mới

Tiếp đến, "cán bộ công an" thông báo chuyển cuộc gọi cho lãnh đạo Bộ Công an. Ít phút sau, ông L. nhận được cuộc gọi khác xưng là Cục trưởng của một Cục thuộc Bộ Công an. "Cục trưởng" cũng gọi video call nói ông L. dính vào vụ án tội phạm về kinh tế và cần xác minh số tiền trong tài khoản ngân hàng. Sau đó, các đối tượng yêu cầu ông L. chuyển tiền vào tài khoản chỉ định để xác minh, nếu tiền "sạch" sẽ hoàn trả cho ông.

Hoảng sợ, ông L. ra ngân hàng chuyển 6 tỉ đồng. Chưa dừng lại, “Cục trưởng” yêu cầu phải đăng ký sim mới. Ông L. làm theo và chuyển gần 15 tỉ đồng cho kẻ lạ. Sau khi biết bị lừa, ông trình báo công an.

Thả con săn sắt, bắt con cá rô

Nhân dịp 20-10-2023, chị N.T.N (SN 1989, ngụ huyện Hóc Môn, TP HCM) nhận được cuộc gọi từ người đàn ông thông báo:

"Dạ chị ơi, em bên nhãn hàng P. Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10. Chị là đại lý nên công ty có gửi tặng một món quà. Chị kết bạn Zalo, em sẽ gửi danh sách quà tặng để chị chọn. Đặc biệt, khi nhận hàng chị không phải thanh toán cước hay bất cứ chi phí gì cả".

Do gia đình kinh doanh hàng điện tử ở huyện Hóc Môn, chị N. tin là thật và đã kết bạn với người lạ. Sau đó nhóm này gửi danh sách quà tặng để chị chọn.

Những vụ lừa đảo tiền tỉ khó tin nhưng có thật - 1
Công an TP HCM bắt một băng lừa đảo

Như lời hứa, nhóm lừa đảo chuyển cho chị 3 nồi inox, yêu cầu chị chụp lại ảnh chuyển vào nhóm zalo. Kế đến, nhóm này rủ chị N. làm nhiệm vụ để cải thiện thu nhập. Mất cảnh giác, chị N. làm theo hướng dẫn.

Ban đầu chị N. chuyển số tiền nhỏ và nhận được cả gốc lẫn lời. Sau khi "cá đã cắn câu", nhóm lừa đảo dụ chị tiếp tục chơi. Tuy nhiên, lúc này tiền thưởng và tiền gốc bị treo, muốn lấy tiền phải tiếp tục chơi. Tổng cộng, chị N. đã bay sạch số tiền gần 400 triệu đồng mượn từ người thân, bạn bè để chuyển cho kẻ lạ.

Buồn đau với trai lạ ở “chiến trường Syria”

Thường xuyên lên mạng xã hội, bà H. (SN 1975, ngụ huyện Hóc Môn) đã kết thân với một người đàn ông tên Mayvvss R.Raut. Anh này nói rằng đang là quân nhân, làm nhiệm vụ ở Syria. Sau một thời gian nói chuyện qua lại, cả hai nảy sinh tình cảm.

Đầu tháng 3-2020, ông Mayvvss R.Raut thông báo rằng sẽ gửi cho bà H. một thùng quà bên trong 700.000 USD. Để bà H. tin tưởng hơn, ông Mayvvss R.Raut nói rằng đây là toàn bộ lương hưu của ông ta để dưỡng già và sau này ông ta sẽ về Việt Nam làm đám cưới, cả hai sẽ sống đến đầu bạc răng long.

Những vụ lừa đảo tiền tỉ khó tin nhưng có thật - 2

Những vụ lừa đảo tiền tỉ khó tin nhưng có thật - 3
Kết bạn làm quen, nói gởi quà để lừa tiền tỉ

Ngày 3-3, bà H. nhận được điện thoại của một phụ nữ xác nhận bà H. có thùng quà gởi từ Syria và yêu cầu chuyển khoản vào một tài khoản cá nhân để hoàn tất thủ tục nhận hàng.

Đến chiều, người phụ nữ tiếp tục thông báo việc thùng hàng đã bị hải quan sân bay giữ lại. Người này nói chị H. phải chuyển các khoản thuế phí, tiền lót tay...Trong nhiều ngày, bà H. đã chuyển khoản 12 lần với số tiền 2,5 tỉ đồng để mong nhận được thùng quà có 700.000 USD.

Sau khi chuyển hết tiền trong tài khoản đến 2 cá nhân đứng tên tài khoản ngân hàng ở Việt Nam, nghi ngờ bị lừa nên bà H. liên hệ tài khoản Mayvvss R.Raut. Lúc này người chồng đại gia cũng đã khóa tài khoản nên bà H. đến công an trình báo.

Khoe của để dụ “con mồi”

Một trong những chiêu lừa “truyền thống” nhưng luôn khiến nhiều người mất cảnh giác là khoe của để tạo uy tín.

Trên mạng xã hội, Phan Công Khanh (SN 1994, tức Khanh "Super") luôn khoe những hình ảnh sang chảnh về siêu xe, đồ hiệu đắt tiền và đặc biệt là hình ảnh đi chùa. Những hình ảnh này kèm những lời có cánh khiến cho nhiều người có tiền không mảy may nghi ngờ.

Năm 2019, Phan Công Khanh và Huỳnh Xuân Vấn (SN 1987) thành lập Công ty K-Supper, mỗi người góp vốn 50%. Khanh làm Giám đốc, là người đại diện pháp luật còn Vấn là Phó Giám đốc, cổ đông.

Sau đó, cửa hàng mua bán, trưng bày siêu xe được khai trương linh đình ở quận 1 (TP HCM) với sự tham dự của nhiều người nổi tiếng trong các lĩnh vực sân khấu, điện ảnh, bóng đá, ca sĩ…

Tháng 6-2023, Phan Công Khanh liên hệ và mượn của anh L.H.P. (SN 1992, quê Kiên Giang) 2 ô tô hiệu Mc Laren và Mercdes G800 Brabus để trưng bày trong ngày khai trương Showroom của Khanh.

Vì quen biết nhau từ trước, đồng thời 2 xe trên đều được mua từ Khanh nên anh P. tin tưởng, đồng ý cho Khanh mượn xe. Đồng thời, anh P. cũng để Khanh giữ bản chính giấy tờ 2 xe này.

Những vụ lừa đảo tiền tỉ khó tin nhưng có thật - 4
Phan Công Khanh lúc mới bị bắt

Do cần tiền tiêu xài và trả nợ, Khanh và Vấn bàn bạc, thống nhất bán ô tô của anh P. được 24,5 tỉ đồng. Đến hạn trả xe, anh P. liên tục thúc dục thì Khanh trả lại cho anh xe Mc Laren còn chiếc Mercdes G800 Brabus vẫn chưa có tiền chuộc. Khi Khanh bị bắt, anh P. đã làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo.

Chưa kể, để có tiền chuộc một siêu xe khác, Khanh đã ra lệnh cho đàn em là Mohamach Da Pha (SN 1996, quê tỉnh An Giang) mang xe của chị Lương Ngọc Thùy H. (SN 1991, ngụ TP Thủ Đức) đem cầm được 2 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, Công an TP HCM còn nhận được đơn của anh K. tố cáo Khanh còn nợ tiền mua hoa tặng cho khách hàng khi mua xe, với số tiền hơn 100 triệu đồng; và chị B. (ngụ Hà Nội) trình báo về việc Khanh còn nợ tiền thuê xe cẩu xe 25 triệu đồng và nợ tiền nhôm kính sửa chữa, xây dựng showroom để khai trương. Với hành vi này, Huỳnh Xuân Vấn, Phan Công Khanh và Mohamach Da Pha đã bị công an tạm giam.

Cẩn thận tránh bị mất tiền oan

Công an TP HCM cho biết một thời gian dài các cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, tin nhắn SMS... để cảnh báo những phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Tuy nhiên, hiện nay loại tội phạm này vẫn còn diễn biến phức tạp, gây hậu quả lớn cho người dân.

Công an TP HCM khuyến cáo người dân khi nhận được cuộc gọi lạ xưng là người của cơ quan công an, bưu chính, viện kiểm sát phải hết sức cẩn thận. Khi nghi ngờ cuộc gọi lừa đảo cần chấm dứt trả lời những câu hỏi mà đối tượng gặng hỏi.

Đặc biệt, không cung cấp giấy tờ tùy thân, không kết bạn zalo vì dễ nhấp vào đường link chứa mã độc. Công an TP HCM khẳng định lực lượng chức năng không làm việc qua điện thoại, nếu cần liên hệ công an sẽ gởi giấy mời có mộc đỏ và chữ ký của thủ trưởng.

Các chị em cũng cần cẩn thận khi kết bạn với những người lạ mặt trên mạng. Chiêu lừa phổ biến là gửi thùng quà có giá trị cao rồi yêu cầu nộp tiền thuế, phí hải quan. Khi chị em nộp tiền kẻ gian sẽ ngắt kết nối, chặn kết bạn. Đồng thời, phải hết sức cẩn thận khi tham gia đầu tư vào sàn ngoại hối, tiền ảo, chứng khoán quốc tế…vì khả năng bị rủi ro rất cao.

Cuối cùng, trong các mối quan hệ làm ăn, người dân phải tự ý thức nguy cơ bị đối tác khoe của, tạo niềm tin để lừa đảo. Nhiều vụ những kẻ không có tiền đã tạo vỏ bọc sang chảnh để lừa tiền tỉ, chục tỉ thậm chí trăm, ngàn tỉ khiến người dân mất trắng tài sản.

Theo Phạm Dũng (Nld.com.vn)