Sáng 14/1, TAND thành phố Hoà Bình khai mạc phiên xử Hoàng Công Lương cùng 6 bị cáo khác liên quan sự cố tai biến chạy thận làm 9 người chết tại Bệnh viện Đa khoa Hoà Bình. Vụ án từng được xét xử sơ thẩm song hai lần bị hoãn, một lần toà trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.
Trong 7 ngày thẩm vấn và bốn ngày tranh tụng (14-25/1) nhiều vấn đề liên quan đến sự cố được đưa ra "mổ xẻ" song còn nhiều tranh cãi. Đánh giá vụ án có nhiều phức tạp, HĐXX thông báo sẽ nghị án kéo dài và công bố bản án vào chiều 30/1.
Ai chịu trách nhiệm về nguồn nước chạy thận?
Theo hồ sơ vụ án, chất lượng nguồn nước của hệ thống lọc RO2 là nguyên nhân chính gây ra sự cố y khoa ngày 29/5/2017 ở Bệnh viện đa khoa Hoà Bình. Tuy nhiên qua 11 ngày xét xử, trách nhiệm nguồn nước ở bệnh viện này thuộc về ai vẫn còn nhiều tranh cãi.
Bị cáo Hoàng Công Lương một mực khẳng định chỉ là bác sĩ điều trị, không phải chịu trách nhiệm về nguồn nước. Anh cho rằng theo quy định bệnh viện, chất lượng nước thuộc trưởng khoa. Nhưng ở khoa không có kỹ sư nên trách nhiệm thuộc về kỹ sư Phòng Vật tư kỹ thuật y tế.
Phủ nhận ngay trước toà, bị cáo Trần Văn Sơn (nguyên cán bộ phòng vật tư) cho rằng chỉ được giao nhiệm vụ quản lý, giám sát sửa chữa thiết bị y tế. Anh không được học hay giao nhiệm vụ quản lý chất lượng nước của hệ thống lọc nước RO.
Bị cáo Trương Quý Dương (nguyên giám đốc bệnh viện) cho rằng việc đảm bảo chất lượng nước thuộc trưởng khoa hồi sức tích cực. Trưởng khoa sau đó phân công ai thì người đó chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên trưởng khoa Hoàng Đình Khiếu phản bác lời khai này, cho rằng bệnh viện cũng không có khoa lọc máu mà chỉ có đơn nguyên thận nhân tạo nằm trong khoa hồi sức tích cực do ông quản lý. Vì không phải là trưởng khoa lọc máu nên ông không phải chịu trách nhiệm.
Đại diện VKSND thành phố Hoà Bình khẳng định không cáo buộc Lương phải chịu trách nhiệm nguồn nước. Tuy nhiên, trước khi ra y lệnh chạy thận cho bệnh nhân, Lương đã biết nguồn nước bị can thiệp mà không kiểm tra, bởi vậy đây "là hành vi nguy hiểm" dẫn đến sự cố làm 9 người chết. Hành vi của Lương đủ yếu tố cấu thành tội Vô ý làm chết người.
Có phải xét nghiệm nguồn nước sau sửa chữa hệ thống?
Đại diện công ty Thiên Sơn cho rằng khi sửa chữa hệ thống lọc nước RO đều phải xét nghiệm nước trước khi bàn giao cho bệnh viện. Trong hợp đồng sửa chữa với bệnh viện có điều khoản phải xét nghiệm nước.
Bị cáo Bùi Mạnh Quốc (giám đốc công ty Trâm Anh), người trực tiếp sửa chữa hệ thống RO cũng cho rằng cũng phải xét nghiệm nước trước khi đưa máy vào vận hành sau sửa chữa. Ngày 28/5/2017, anh chưa thực hiện xong mà hẹn hôm sau quay lại lấy mẫu nước đi xét nghiệm thì bệnh viện đã đưa hệ thống vào vận hành.
Trái ngược hai lời khai trên, Lương cùng các bác sĩ, điều dưỡng ở đơn nguyên thận thì cho rằng những lần trước đều đưa máy vào sử dụng ngay sau khi sửa chữa hệ thống mà không phải xét nghiệm nước. Họ cũng không biết trong hợp đồng sửa chữa của bệnh viện có điều khoản phải xét nghiệm nước.
Được mời đến toà để làm rõ hơn điều này, Trưởng khoa thận Bệnh viện Bạch Mai cho hay nếu chỉ sửa chữa và thay màng lọc RO thông thường sẽ không phải dừng chạy thận để chờ xét nghiệm nước vì chạy thận là định kỳ và liên tục. Bệnh viện đa khoa Hoà Bình đưa việc xét nghiệm nước vào điều khoản trong hợp đồng là do họ thoả thuận và pháp luật không nghiêm cấm.
Hoàng Công Lương có được giao phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo?
Tại phiên sơ thẩm, bị cáo Hoàng Đình Khiếu (nguyên trưởng khoa hồi sức tích cực) khẳng định đã giao nhiệm vụ cho Lương phụ trách chuyên môn ở đơn nguyên thận nhân tạo từ cuối 2015 đầu năm 2016. Việc này được nói các cuộc họp giao ban nên không có văn bản.
Tuy nhiên, bị cáo Lương phản bác, cho rằng chưa bao giờ được giao nhiệm vụ phụ trách đơn nguyên. Không có văn bản, giấy tờ nào chứng minh anh được giao nhiệm vụ "lãnh đạo". Anh chỉ làm chuyên môn điều trị cùng hai bác sĩ khác, công việc, chức trách như nhau.
VKS sau đó xác định bị cáo Khiếu và nguyên phó khoa Hoàng Công Tình, sau khi xảy ra sự cố đã sửa chữa sổ họp giao ban, ghi thêm phần phân công nhiệm vụ cho Lương. Đánh giá chứng cứ buộc Lương tội thiếu trách nhiệm là sổ giao ban không còn khách quan nên VKS chuyển sang cáo buộc phạm tội Vô ý làm chết người.
Công ty Thiên Sơn bán thầu?
Theo cáo buộc, bị cáo Đỗ Anh Tuấn (giám đốc công ty Thiên Sơn) sau khi ký hợp đồng 315 với Bệnh viện Hoà Bình lại ký hợp đồng số 05 với bị cáo Bùi Mạnh Quốc (giám đốc công ty Trâm Anh) về việc sửa chữa này. Ông Tuấn sau đó không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ của mình, bỏ mặc Quốc tự mua hàng hoá, sửa chữa.
Theo luật sư Nguyễn Danh Huế (đại diện Bệnh viện đa khoa Hoà Bình), Công ty Thiên Sơn đã chuyển nhượng 100% gói thầu cho Quốc nên đã vi phạm luật đấu thầu. Chính hành vi trái pháp luật này khiến Quốc tự ý sửa chữa hệ thống và là nguyên nhân dẫn đến sự cố y khoa nghiêm trọng.
Chối bỏ quan điểm trên, đại diện công ty Thiên Sơn khẳng định không bán thầu mà chỉ ký hợp đồng với Công ty Trâm Anh để đảm bảo các điều kiện của hợp đồng 315. Việc ký hợp đồng 05 hay không cũng không làm mất đi bản chất hợp đồng 315.
VKS sau đó cũng xác định không có hành vi bán thầu vì hợp đồng giữa Thiên Sơn và Trâm Anh do hợp đồng 05 không được ký trước khi xảy ra sự cố. VKS xác định Quốc sửa chữa hệ thống với tư cách là người của Thiên Sơn nên cáo buộc giám đốc công ty này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Còn Quốc là người trực tiếp sửa chữa nên phạm tội Vô ý làm chết người.
Trong phần luận tội, đại diện VKS cho rằng phó khoa Hoàng Công Tình có dấu hiệu thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý nên đề nghị HĐXX kiến nghị với cơ quan điều tra xem xét. Tuy nhiên, ông Tình phản bác rằng chỉ được giao nhiệm vụ trách chuyên môn ở đơn nguyên hồi sức tích cực chứ không phải ở cả khoa và đơn nguyên thận nhân tạo. Ông cũng không được giao quản lý máy chạy thận và hệ thống nước RO ở đơn nguyên thận nhân tạo nên không phải chịu trách nhiệm về sự cố y khoa trên.
Phiên xử cuối trước khi nghị án, nhiều luật sư vẫn "đòi" tranh cãi vấn đề này nhưng HĐXX nói sẽ căn cứ chứng cứ và quá trình thẩm vấn công khai tại phiên toà để ra phán quyết.
Liên quan vụ án, Hoàng Công Lương (nguyên bác sĩ Bệnh viện đa khoa Hoà Bình) bị VKS đề nghị phạt 36-42 tháng tù; Quốc 4-5 năm tù về tội Vô ý làm chết người.
Ở nhóm tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, Trần Văn Sơn (cựu cán bộ Bệnh viện đa khoa Hoà Bình) bị đề nghị phạt từ 42 đến 48 tháng tù, Trần Văn Thắng (nguyên trưởng phòng vật tư) 36-42 tháng, Trương Quý Dương (nguyên giám đốc Bệnh viện) 30-36 tháng, Hoàng Đình Khiếu (nguyên phó giám đốc bệnh viện) 36-42 tháng tù.
Theo Phạm Dự (VnExpress.net)