Liên quan đến vụ Vạn Thịnh Phát, có 86 người bị truy tố về các tội: “Tham ô tài sản”; “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”; “Đưa hối lộ”; “Nhận hối lộ”; “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Trong số những bị cáo được đưa ra xét xử vào ngày 5/3 tới đây có cả những đại gia “chết chùm” cùng bà Trương Mỹ Lan.
Bắt tay với đại gia rút tiền SCB
Quen nhau vào năm 2020, khoảng tháng 4/2021, bà Trương Mỹ Lan trao đổi, thỏa thuận với ông Dương Tấn Trước (TGĐ Công ty Tường Việt) về việc bà chuyển nhượng dự án Thanh Yến cho ông Trước và Công ty Tường Việt với giá 2.500 tỷ đồng.
Hai bên thỏa thuận, ông Trước không phải thanh toán tiền mà chỉ cần lập hồ sơ vay vốn tại ngân hàng SCB, số tiền nhận nợ là 3.500 tỷ đồng. Trong đó, 2.500 tỷ đồng là tiền nhận chuyển nhượng dự án Thanh Yến; 1.000 tỷ đồng còn lại để bà Lan sử dụng và có trách nhiệm trả cho SCB.
Đại gia Dương Tấn Trước sau đó đã chỉ đạo nhân viên Công ty Tường Việt liên hệ với phía SCB thực hiện phương án vay vốn bằng cách thành lập Công ty Thuận Tiến và Công ty Khánh Minh đứng tên hồ sơ vay vốn.
Đến ngày 19/5/2021, SCB ký thỏa thuận cho vay đối với Công ty Thuận Tiến và Công ty Khánh Minh, số tiền vay giải ngân lần lượt là 1.700 tỷ đồng và 1.800 tỷ đồng.
Sau khi giải ngân, tiền được chuyển lòng vòng vào tài khoản của nhiều cá nhân, công ty thuộc nhóm bà Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát để bà Lan sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau.
Cáo trạng xác định, bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo bà Trần Thị Mỹ Dung (Phó TGĐ SCB) làm hồ sơ cho Công ty Tường Việt vay 1.500 tỷ đồng, thực chất là rút tiền SCB để bà Lan cho ông Trước số tiền trên.
Được bà Chủ tịch “bật đèn xanh” nên dù thời điểm đó Công ty Tường Việt không có phương án kinh doanh, chưa có nhu cầu vay tiền, không có tài sản đảm bảo cho khoản vay, nhưng Tường Việt đã có biên bản họp Hội đồng thành viên đồng ý để công ty vay vốn tại SCB; ký thỏa thuận cấp hạn mức tín dụng với mức hạn mức 1.500 tỷ đồng.
Khoản vay của Công ty Tường Việt thực tế đã được SCB giải ngân 1.498 tỷ đồng. Số tiền này được bà Lan chỉ đạo giữ lại 240 tỷ đồng. Sau đó bà Lan tiếp tục chỉ đạo lập hồ sơ vay vốn khống để rút thêm tiền chuyển cho ông Trước bù vào số tiền bà Lan đã sử dụng là 240 tỷ đồng nói trên.
Như vậy, các bị cáo đã rút của ngân hàng SCB 1.746,5 tỷ đồng. Trong đó bà Lan sử dụng 240 tỷ đồng, đại gia Dương Tấn Trước dùng 1.368,5 tỷ đồng, Công ty Tường Việt dùng cho hoạt động kinh doanh 138 tỷ đồng.
VKSND Tối cao cho rằng, ông Dương Tấn Trước đã giúp sức, đồng phạm với bà Trương Mỹ Lan chiếm đoạt 4.752 tỷ đồng.
Những thương vụ triệu USD và cái kết bất ngờ
Đại gia thứ hai được nhắc tên trong vụ án này là ông Nguyễn Cao Trí (Chủ tịch HĐQT Công ty Văn Lang). Ông Trí được biết đến là người sở hữu 2 hệ sinh thái gồm Tập đoàn Capella có 28 công ty con hoạt động về lĩnh vực bất động sản, kinh doanh nhà hàng khách sạn… và Tập đoàn giáo dục Văn Lang có 7 đơn vị thành viên, hoạt động trong các lĩnh vực giáo dục.
Theo lời khai của Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan, bà biết ông Trí từ khoảng năm 2017, do một người quen tên Hồ Quốc Minh giới thiệu. Sau đó hai bên đã bắt tay hợp tác làm ăn. Bà Lan thống nhất với ông Trí về việc đầu tư mua cổ phần của một số công ty, dự án của ông Trí.
Cụ thể, bà Trương Mỹ Lan mua cổ phần Công ty Cao su Công nghiệp (đã thanh toán 21,25 triệu USD); dự án Hải Hà, Quảng Ninh (đã thanh toán 9,5 triệu USD); dự án Sài Gòn Đại Ninh (đã thanh toán 20 triệu USD).
Hai bên thống nhất các khoản đầu tư với tổng số tiền 1.000 tỷ đồng. Để làm tin cho khoản 1.000 tỷ đồng này, ông Trí đã làm các thủ tục chuyển nhượng 10% vốn điều lệ Công ty Văn Lang (bà Lan không đứng tên mà để ông Hồ Quốc Minh đứng tên sở hữu cổ phần theo chỉ định của bà Lan; việc này đã thống nhất với ông Trí).
Bà Lan khẳng định ông Trí vẫn giữ 1.000 tỷ đồng trên, còn ông Trí mang số tiền trên mua các loại cổ phần, cổ phiếu, bất động sản nhỏ lẻ tại TP.HCM, thanh toán cho dự án Sài Gòn Silicon…
Sau khi bà Trương Mỹ Lan bị khởi tố, bắt tạm giam, ngày 21,22/10/2022, ông Trí chỉ đạo trợ lý soạn thảo các văn bản điều chỉnh giá và thanh lý toàn bộ hợp đồng chuyển nhượng 10% vốn điều lệ Công ty Văn Lang đã ký theo thỏa thuận với bà Lan. Các tài liệu đều được lập khống, hợp thức ngày giao dịch.
Tiếp đó, ông Trí hoàn thiện hồ sơ và làm thủ tục xác nhận chuyển nhượng 10% vốn điều lệ kể trên từ Hồ Quốc Minh sang người thân, quen của mình.
Ông Nguyễn Cao Trí còn hẹn gặp ông Minh và yêu cầu ông này ký hồ sơ thanh lý hợp đồng chuyển nhượng 10% vốn điều lệ Công ty Văn Lang và bản thanh lý hợp đồng ủy thác đầu tư 31,22% vốn điều lệ Công ty Cao su Công nghiệp.
Như vậy, ông Trí đã tự ý lập, hoàn thiện hồ sơ thanh lý hợp đồng chuyển nhượng, thanh lý hợp đồng ủy thác đầu tư trị giá 1.000 tỷ đồng, không trao đổi với bà Lan nhằm xóa bỏ quyền sở hữu đối với 10% vốn điều lệ Công ty Văn Lang, để chiếm đoạt số tiền 1.000 tỷ đồng đã nhận từ bà Lan.
Hành vi của đại gia Nguyễn Cao Trí bị cho là đã phạm vào tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Ngoài 2 đại gia trên, ông Chu Nap Kee Eric (Chu Lập Cơ, quốc tịch Trung Quốc; chồng bà Trương Mỹ Lan) cũng sẽ bị đưa ra xét xử về tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng", với vai trò giúp sức cho vợ.
Theo T.Nhung (VietNamNet)