1. Vụ án Vạn Thịnh Phát
Cuối năm 2023, VKSND Tối cao hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Trương Mỹ Lan (SN 1956) về các tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Rửa tiền", "Tham ô tài sản", "Đưa hối lộ", "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng".
Trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến tháng 10-2022, bà Trương Mỹ Lan đã thâu tóm, nắm giữ gần tuyệt đối số lượng cổ phần của Ngân hàng SCB (từ 85-91,5% cổ phần).
Từ đó, bị can này thao túng toàn bộ hoạt động của Ngân hàng SCB, phục vụ cho các mục đích khác nhau của mình.
Bị can Trương Mỹ Lan cùng nhiều đồng phạm thực hiện một chuỗi hành vi gồm tuyển chọn, bố trí nhân sự thân tín vào các vị trí chủ chốt tại Ngân hàng SCB; thành lập một số đơn vị thuộc Ngân hàng SCB chuyên trách cho vay, giải ngân theo yêu cầu; thành lập, sử dụng hàng ngàn công ty "ma", thuê nhiều cá nhân; câu kết với các cá nhân đứng đầu nhiều doanh nghiệp liên quan để thực hiện tội phạm; thông đồng với nhiều công ty thẩm định giá để nâng khống giá trị tài sản bảo đảm; tạo lập số lượng rất lớn hồ sơ vay vốn khống để rút tiền từ Ngân hàng SCB; lập phương án rút tiền, "cắt đứt" dòng tiền sau giải ngân; bán nợ xấu, bán các khoản cấp tín dụng trả chậm để giảm dư nợ tín dụng, giảm nợ xấu, để che giấu sai phạm; mua chuộc, tác động người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan nhà nước làm trái công vụ.
Từ đó, bị can Trương Mỹ Lan và đồng phạm với những vị trí, vai trò khác nhau thực hiện nhiều tội phạm xâm phạm về sở hữu, xâm phạm hoạt động của Ngân hàng, hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước. Trong đó, nhiều tội phạm được thực hiện dưới dạng đồng phạm có tổ chức, thủ đoạn tinh vi, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, chiếm đoạt và gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn, lên tới 304.000 tỉ đồng.
2. Vụ án tại Bệnh viện TP Thủ Đức
Ngày 1-12-2023, TAND TP HCM tuyên án đối với 9 bị cáo trong vụ vi phạm đấu thầu, tham ô hơn 102 tỉ đồng xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức, giai đoạn 2016-2020.
Theo đó, bị cáo Nguyễn Minh Quân, cựu giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức, bị tuyên phạt 16 năm tù về tội "Tham ô tài sản"; từ 5 năm tù về tội "Rửa tiền". Tổng hợp hình phạt 21 năm tù.
Hồ sơ thể hiện từ năm 2016-2020, bị cáo Nguyễn Minh Quân đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn là giám đốc, có trách nhiệm quản lý Bệnh viện TP Thủ Đức để chỉ đạo bị cáo Nguyễn Văn Lợi thành lập, sử dụng các công ty "sân sau" ký hợp đồng khống, mua bán lòng vòng nâng giá cả máy móc, thiết bị y tế. Sau đó, bị cáo Quân chỉ đạo bị cáo Lợi lập hồ sơ, tham gia đấu thầu vào Bệnh viện TP Thủ Đức.
Tại Bệnh viện TP Thủ Đức, bị cáo Quân chỉ đạo gây sức ép với nhân viên dưới quyền thông đồng với bị cáo Lợi để công ty "sân sau" trúng 27 gói thầu. Khi Bệnh viện TP Thủ Đức thanh toán tiền cho các công ty trúng thầu, bị cáo Lợi rút tiền mặt hoặc chuyển vào tài khoản cho bị cáo Quân.
Cấp xét xử sơ thẩm kết luận số tiền bị cáo Quân chiếm đoạt là 102,52 tỉ đồng. Bị cáo Diễm - vợ bị cáo Quân, là người giúp chồng rửa tiền.
Đối với các bị cáo từng là nhân viên dưới quyền của bị cáo Quân tại Bệnh viện TP Thủ Đức, HĐXX nhận định các bị cáo này biết rõ các công ty tham gia đấu thầu là "sân sau" của bị cáo Quân, do bị cáo Lợi quản lý nhưng vẫn thông đồng, thực hiện hành vi gian lận. Các bị cáo này gây thiệt hại hơn 81 tỉ đồng của nhà nước.
3. Vụ án tại Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM
Tối 31-10-2023, sau 2 ngày xét xử, TAND TP HCM đã tuyên án sơ thẩm đối với bị cáo Phan Minh Tân, cựu giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ TP HCM, cùng 5 đồng phạm gây ra sai phạm tại Sở Khoa học - Công nghệ TP HCM.
Trong đó, bị cáo Phan Minh Tân phạm tội với vai trò chính, lãnh án 5 năm tù giam về tội "Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng"; buộc bồi thường 6,9 tỉ đồng khắc phục hậu quả vụ án.
Theo HĐXX, có đủ cơ sở xác định như sau: Ngày 31-8-2009, Nguyễn Trọng Vũ (Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển công nghệ Huy Hoàng – Công ty Huy Hoàng) có công văn gửi Sở Khoa học - Công nghệ TP HCM đề nghị hỗ trợ kinh phí từ ngân sách sự nghiệp khoa học số tiền hơn 5,1 tỉ đồng để thực hiện dự án 1 "Thiết kế và sản xuất thử nghiệm chip nhận dạng từ xa qua sóng radio TS09-01 Chip RFID".
Ông Tân làm chủ tịch hội đồng xét duyệt dự án đã duyệt cấp 4,9 tỉ đồng cho Công ty Huy Hoàng; thời gian 18 tháng (chia thành 3 giai đoạn), đã giải ngân 3,5 tỉ đồng.
Tính đến tháng 3-2010, Công ty Huy Hoàng thực hiện giai đoạn 1 của dự án đạt 60%, chậm hơn kế hoạch. Tuy nhiên, ông Tân cùng đồng phạm vẫn đề xuất, duyệt cấp tiếp kinh phí đợt 2 số tiền 700 triệu đồng. Sau khi nhận kinh phí đợt 2, Công ty Huy Hoàng không hoàn thành được dự án, cũng không hoàn trả kinh phí phải thu hồi.
Trong khi đó, ngày 9-9-2009, Nguyễn Trọng Vũ có công văn gửi Sở Khoa học - Công nghệ đề nghị được vay 10 tỉ đồng thực hiện dự án 2. Hồ sơ vay của Công ty Huy Hoàng cung cấp để thẩm định có 6 phiếu thu thể hiện số tiền góp vốn của cổ đông, thư hứa cấp tín dụng của ngân hàng…
Tháng 4-2010, Quỹ Đầu tư phát triển đô thị TP HCM (HĐXX nhận định quỹ này không có trách nhiệm thẩm định hồ sơ cho vay) ký hợp đồng cho Công ty Huy Hoàng vay 10 tỉ đồng, thời hạn 48 tháng, lãi suất 0%. Sau khi được giải ngân 3 đợt, ngày 24-11-2011, Nguyễn Trọng Vũ xuất cảnh, bỏ trốn sang Mỹ.
HĐXX xác định Nguyễn Trọng Vũ trực tiếp gây ra hậu quả vụ án. Về nguyên tắc, Vũ bị buộc hoàn trả số tiền cho Sở Khoa học - Công nghệ TP HCM đã bị thiệt hại. Tuy nhiên, để đảm bảo thu hồi tài sản của nhà nước, trước khi xét xử Vũ, các bị cáo trong vụ án này phải liên đới bồi thường thiệt hại theo tính chất mức độ, vai trò của từng bị cáo.
4. Vụ án tại Bệnh viện Mắt
Chiều 1-12-2023, sau 4 ngày xét xử, TAND TP HCM tuyên án vụ sai phạm đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện Mắt TP HCM.
Trong 8 bị cáo bị đưa ra xét xử, bị cáo Nguyễn Minh Khải (giám đốc bệnh viện) là chủ mưu. HĐXX nhận định các bị cáo không hưởng lợi trong vụ án này.
Vụ án xảy ra vào năm 2018, khi Bệnh viện Mắt TP HCM được giao tổ chức đấu thầu "Mua sắm thuỷ tinh thể nhân tạo đơn tiêu năm 2018". Hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước. Bị cáo Khải can thiệp bất hợp pháp vào công việc của Hội đồng đánh giá hàng mẫu, chỉ đạo đánh giá không đạt đối với phần kỹ thuật của nhà thầu Codupha. Từ đó, Bệnh viện Mắt TP HCM không chọn nhà thầu có giá trị thấp nhất trong số các công ty dự thầu cùng đáp ứng các yêu cầu của hồ sơ mời thầu là vi phạm quy định của pháp luật về đấu thầu.
7 bị cáo còn lại phạm tội đồng phạm giúp sức trong vụ án, lệ thuộc vào sự chỉ đạo của cấp trên. Các bị cáo thừa nhận trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ của bên mời thầu.
HĐXX tuyên 8 bị cáo phạm tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".
Xem xét các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các bị cáo (như ăn năn hối cãi, có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác, tự nguyện nộp từ 500 triệu đồng đến 3 tỉ đồng để khắc phục hậu quả của vụ án...), HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Minh Khải, cựu giám đốc, 7 năm tù; Võ Thị Chinh Nga, cựu phó giám đốc, 3 năm tù; Phí Duy Tiến, cựu phó giám đốc, 3 năm tù; Nguyễn Quốc Toản, cựu trưởng Khoa phẫu thuật, gây mê hồi sức, 3 năm tù.
Bị cáo Nguyễn Trí Dũng, cựu phó giám đốc, bị tuyên phạt 12 tháng 7 ngày tù; Phan Thị Bích Hạnh, cựu trưởng Phòng Tài chính - Kế toán, 1 năm 6 tháng tù; Nguyễn Đỗ Nguyên, cựu trưởng Khoa Tổng hợp, 12 tháng 7 ngày tù; Lương Ngọc Tuấn, cựu phó trưởng Khoa Khám mắt, 12 tháng 7 ngày tù.
Các bị cáo liên đới bồi thường cho Bệnh viện Mắt TP HCM 14,2 tỉ đồng. HĐXX tuyên không áp dụng hình phạt bổ sung, tạo điều kiện cho các bị cáo tiếp tục tham gia khám chữa bệnh sau khi ra tù.
Theo Trần Thái (Nld.com.vn)
https://nld.com.vn/nhung-dai-an-khien-loat-can-bo-dai-gia-o-tp-hcm-nhung-cham-196240212115528307.htm