Ngày 28-9, Cơ quan CSĐT Công an quận Đống Đa cho biết, vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 4 đối tượng về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Từ đối tượng bán giấy khám sức khoẻ giả trên phố Tôn Thất Tùng
Đó là: Nguyễn Văn Chuyên (24 tuổi), trú tại xã Cộng Hoà, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định; Bùi Thanh Tùng (28 tuổi), trú tại xã Khánh Cường, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình; Lê Thanh Hải (25 tuổi), trú xã Sơn Bình, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh và Phạm Văn Đức (24 tuổi), trú thị trấn Liễu Đề, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.
Đây là ổ nhóm chuyên làm giả giấy khám sức khoẻ của Bệnh viện Giao thông vận tải (GTVT) để bán. Khách hàng chỉ cần nộp tiền là có giấy chứng nhận đủ sức khoẻ mà không cần qua bất cứ một bước thăm khám nào.
Theo tài liệu của cơ quan điều tra, khoảng 8h15 ngày 5-9, khi đối tượng Bùi Thanh Tùng đang đứng ở phố Tôn Thất Tùng, phường Khương Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội chờ bán giấy khám sức khoẻ giả cho khách hàng thì bị Công an quận Đống Đa phát hiện, kiểm tra.
Khi được mời về làm việc, Tùng khai: Cách đây hơn 1 tháng qua mạng xã hội quen một người có nick Zalo là “Cường béo”, có khả năng cung cấp giấy khám sức khoẻ đã có xác nhận, chữ ký và đóng dấu của Bệnh viện GTVT.
Do cần tiền trang trải cuộc sống, Tùng đã quyết định phối hợp với “Cường béo” để bán lại các giấy khám sức khoẻ. Đối tượng lập hai Facebook đăng thông tin bán giấy khám sức khoẻ mẫu A4 giá 65.000 đồng, mẫu A3 không giáp lai ảnh giá 85.000 đồng, có lai ảnh giá 150.000 đồng. Ngoài ra còn bán cả giấy ra viện, giấy nghỉ ốm giá 140.000 đồng…
Khách có nhu cầu liên hệ qua Zalo để trao đổi, gửi ảnh, Tùng sẽ chuyển thông tin cho “Cường béo” đặt hàng. Sau khi hoàn thành, “Cường béo” bảo một người tên Thành ship (giao hàng) lại cho Tùng. Cứ như vậy trong 1 tháng, Tùng đã bán cho khoảng 60 người, thu lời khoảng 1,8 triệu đồng.
Từ lời khai của Bùi Thanh Tùng, Công an quận Đống Đa, xác minh làm rõ người chuyên ship giấy khám sức khoẻ là Nguyễn Tiến Thành (22 tuổi), trú thị trấn Phúc Thọ, huyện Phúc Thọ, Hà Nội.
Qua làm việc với Thành, đây chỉ là người ship hàng bình thường cho “Cường béo” mà không hề biết đó là các giấy khám sức khoẻ giả, cũng không tham gia vào việc mua bán các giấy khám sức khoẻ.
Ngoài Tùng, Thành cũng ship giấy khám sức khoẻ cho hai người tên Lê Thanh Hải và Phạm Văn Đức. Công an quận Đống Đa đã phối hợp với Thành làm rõ đối tượng thuê ship giấy khám sức khoẻ có nick Zalo “Cường béo” tên thật là Nguyễn Văn Chuyên.
Đến đối tượng làm giả giấy khám sức khoẻ chuyên nghiệp
Khi làm việc với Chuyên đã lộ ra một đường dây làm giả và tiêu thụ các giấy khám sức khoẻ bất hợp pháp. Chuyên khai nhận đã bắt đầu ship giấy khám sức khoẻ giả cho một đối tượng quen trên Zalo có nick “Bảo Như” từ tháng 4-2017.
Nhận thấy việc bán giấy khám sức khoẻ giả không tốn công sức mà thu lời lớn, Chuyên đã quyết định đặt mua của “Bảo Như” một con dấu tròn đỏ ghi “Công ty CP Bệnh viện GTVT” với giá 9,5 triệu đồng để tự mình làm đầu mối sản xuất giấy khám sức khoẻ giả. Từ tháng 2-2018, Chuyên bắt đầu trực tiếp làm giấy khám sức khoẻ giả.
Về quy trình, Chuyên đặt mua phôi của "Bảo Như" và một số đối tượng khác qua mạng. Tất cả các loại giấy khám sức khoẻ Chuyên làm hoàn thiện đều có đầy đủ thông tin: Phần khám, chữ ký bác sỹ khám, kết luận đủ sức khoẻ và chữ ký phần người kết luận là "Bác sỹ Chuyên khoa I Nguyễn Thị Cúc", đóng dấu xác nhận của "Công ty CP Bệnh viện GTVT". Trong đó chữ ký của bác sỹ là do Chuyên ký nhái.
Riêng phần thông tin khách hàng để trống, khách nhận giấy sẽ tự điền thông tin của mình vào. Nếu khách nào yêu cầu đóng dấu giáp lai ảnh thì gửi ảnh qua Zalo, Chuyên sẽ tự rửa ảnh rồi mang về phòng trọ dán, đóng dấu giáp lai lên luôn… Chuyên đăng ký nhiều tài khoản Zalo, Facebook có thông tin khác nhau như “Cường béo”, “MRP” để tìm các đầu mối tiêu thụ.
Qua điều tra, các đầu mối thường xuyên lấy các loại giấy khám sức khoẻ của Chuyên có thông tin Zalo là “Tùng”; “Phạm”; “Lê Duy Oanh”; “Đức Hoàng” “Nguyễn Huyền”.
Quá trình bán giấy khám sức khoẻ, Chuyên dặn các mối hàng nên cảnh giác và phải “làm việc” trong giờ hành chính, ngày lễ và cuối tuần thì nghỉ để tránh sự phát hiện của cơ quan Công an. Tinh vi hơn, Chuyên thuê một phòng trọ ở thôn Nhân Mỹ, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội để thực hiện việc đóng dấu, xác nhận phần khám, ký giả chữ ký bác sỹ…
Khi hoàn thiện giấy khám sức khoẻ, Chuyên cho vào phong bì trắng dán kín, điền số điện thoại của mối, giá tiền và địa chỉ nhận hàng để thuê ship mang đi. Hàng ngày, cứ 7h30 và 13h30, Chuyên sẽ gọi điện cho Thành yêu cầu ra trước sảnh toà nhà Keangnam nhận hàng. Giá bán giấy khám sức khoẻ đối với loại giấy khổ A4 là 15.000 đồng/tờ; giấy khổ A3 là 30.000 đồng/tờ; nếu có giáp lai ảnh thì sẽ thu 60.000 đồng/tờ.
Bán giấy khám sức khoẻ giả dễ dàng, thêm thu nhập
Còn Lê Thanh Hải, Phạm Văn Đức chính là hai đầu mối thu mua, phát hành giấy khám sức khoẻ giả của Chuyên. Hải bắt đầu “kinh doanh” từ tháng 4-2018, cũng thông qua Zalo, Facebook để tìm người có nhu cầu trong các hội, nhóm, sau đó bán lại và hưởng tiền chênh lệch. Đối với giấy khám sức khoẻ A3 không ảnh Hải bán lại 80.000 đồng/tờ; có ảnh thì 130.000 đồng/tờ. Công an quận Đống Đa đã tạm giữ 10 giấy khám sức khoẻ ở nhà Hải.
Đức “khởi nghiệp” muộn hơn, khoảng cuối tháng 6-2018, trong một lần nộp hồ sơ vào công ty Grap yêu cầu phải có giấy khám sức khoẻ. Đức vào bệnh viện, thấy thông báo chi phí 320.000 đồng, do không đủ tiền nên đành quay về. Tuy nhiên ra đến cổng lại có người bảo vào mạng mà mua giấy khám sức khoẻ giá rẻ nên đã liên hệ với Chuyên để mua, chỉ mất 120.000 đồng.
Thấy việc bán giấy khám sức khoẻ giả dễ dàng, lại có thêm thu nhập nên Đức đã tình nguyện làm đầu mối bán lại cho Chuyên, hưởng tiền lãi 40.000 đồng/tờ…
Trao đổi với phóng viên, một điều tra viên cho biết, việc làm giả tài liệu, con dấu và buôn bán giấy khám sức khoẻ giả không chỉ gây ảnh hưởng đến uy tín của ngành y tế mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi những giấy tờ giả đó được tiêu thụ trót lọt.
Các cơ quan, tổ chức đã bị đánh lừa và không hề biết tình trạng sức khoẻ thật sự của người lao động mà mình sử dụng. Ngoài ra, theo Điều 341 Bộ luật hình sự, nếu người mua biết đó là giấy tờ giả mà vẫn sử dụng thì có thể bị khởi tố hình sự.
Hiện Công an quận Đống Đa đang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án.
Làm việc với cơ quan điều tra, Chuyên đã tự nguyện giao nộp 2 con dấu, trong đó 1 con dấu ghi “Công ty CP Bệnh viện GTVT”; hơn 3.000 giấy tờ giả các loại, gồm: 1.118 tờ A3 giấy khám sức khoẻ; 156 tờ A3 giấy khám sức khoẻ của người lái xe; 9 tờ A3 giấy khám sức khoẻ có giáp lai ảnh; 1.590 tờ A4 giấy chứng nhận sức khoẻ; 20 tờ A5 giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng Bảo hiểm xã hội; 122 tờ A5 giấy chứng nhận nằm viện; 41 tờ A5 giấy ra viện; 15 tờ A5 biên lai thu tiền. Khám xét phòng trọ của Chuyên, Cơ quan điều tra còn thu giữ 5 giấy khám sức khoẻ các loại.
Theo An Quỳnh (CAND Online)