Ngày 27/3, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM cho biết đang mở rộng điều tra vụ án “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự, liên quan đến bà Nguyễn Phương Hằng (51 tuổi, ngụ TPHCM; Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam, trụ sở tại Bình Dương).
Theo đó, từ khoảng đầu năm 2021, bà Nguyễn Phương Hằng bắt đầu gây sóng gió trên mạng xã hội với các phát ngôn trong livestream tố cáo ông Võ Hoàng Yên vì cho rằng ông Yên đã lừa đảo, chiếm đoạt của vợ chồng bà hàng trăm tỷ đồng thông qua hoạt động cứu trợ bà con miền Trung trong đợt bão lũ; qua hoạt động xây một cơ sở thờ tự tại Bình Thuận và các hoạt động khác. Cùng với các buổi livestream, bà Hằng cũng nộp đơn tố cáo lên Công an TPHCM.
Sau khi tố ông Võ Hoàng Yên, bà Hằng đăng đàn gọi tên nhiều nghệ sĩ như: Nghệ sĩ Hoài Linh, MC Trấn Thành, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Thuỷ Tiên, Vy Oanh… và tố họ ăn chặn tiền từ thiện trong các buổi livestream thu hút lượng người xem kỷ lục. Đơn tố cáo các nghệ sĩ ăn chặn tiền từ thiện cũng được bà Hằng gửi đến cơ quan Công an.
Chuỗi livestream của bà Hằng đã tạo làm "dậy sóng" dư luận, với các phản ứng, chia phe. Tuy nhiên, sự nhầm lẫn giữa tố cáo, khiếu nại có chứng cứ rõ ràng với việc dựng chuyện, suy diễn, vu khống lại là hai "thái cực" khác nhau.
Những người bị xúc phạm cũng gửi đơn tố cáo bà Nguyễn Phương Hằng đến cơ quan CSĐT Công an TPHCM và Công an tỉnh Bình Dương.
Công an 2 địa phương này cũng nhiều lần mời bà Hằng lên trụ sở làm việc, khuyến cáo, nhắc nhở. Trong khoảng thời gian từ tháng 2/2022 đến nay, Công an TPHCM đã có 4 lần làm việc với bà Hằng. Tuy nhiên, bà Hằng vẫn không dừng những buổi livestream mà tiếp tục có những lời lẽ nhắm thẳng đến những người đã tố cáo mình.
Cơ quan điều tra cho rằng, bà Phương Hằng đã lợi dụng sức ảnh hưởng của bản thân, sử dụng chức năng của mạng xã hội trên internet, tổ chức nhiều buổi phát trực tiếp nội dung thông tin không kiểm chứng, liên quan đến đời tư của người khác; trong đó sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
Bên cạnh đó, quá trình điều tra, bà Nguyễn Phương Hằng không hợp tác, coi thường pháp luật, nhiều lần tổ chức tập trung nhiều người đến nhà riêng của các cá nhân có mâu thuẫn gây mất an ninh trật tự tại địa bàn TPHCM và các địa phương khác.
Công an thu giữ nhiều tài liệu sau khi khám xét nhà bà Hằng. |
Đáng chú ý, trong một buổi giao lưu tại khu du lịch Đại Nam, tỉnh Bình Dương mới đây, bà Hằng còn lấy tên của một số nhà báo, nhân vật bị bà tố cáo để đặt cho động vật gây bức xúc dư luận.
Công an khám xét nhà bà Hằng. |
Thậm chí bà Hằng tìm đến tận nhà ở, nơi làm việc của người đã tố cáo mình. Mỗi lần bà Hằng tìm đến nơi ở, nơi làm việc của bất cứ nhân vật nào bị bà điểm mặt cũng có rất đông youtuber, facebooker và người hiếu kỳ tập trung theo dõi, mất an ninh trật tự.
Đỉnh điểm, có nhiều vụ xô xát, đánh nhau giữa những người không liên quan với nhau do những mâu thuẫn từ các buổi livestream của bà Hằng. Mới đây nhất, nhà báo Hàn Ni và nhóm bạn bị một nhóm người tự xưng là "phe chính nghĩa" ủng hộ bà Hằng tấn công ở quận 7, TPHCM.
Theo Công an tỉnh Bình Dương, Cơ quan điều tra tỉnh Bình Dương đã tiếp nhận 6 đơn tố giác bà Nguyễn Phương Hằng của các cá nhân: Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, vợ chồng ca sĩ Thủy Tiên – Công Vinh, nhà báo Nguyễn Đức Hiển, nhà báo Hàn Ni, bà Đinh Thị Lan (cùng ngụ TPHCM).
Được biết, Cơ quan điều tra đang mở rộng điều tra, xác minh làm rõ các hành vi của bà Hằng cũng như vai trò những người liên quan, trong đó có đội ngũ giúp 'hậu cần' giúp bà Hằng thực hiện các buổi livestream, khách mời có phát ngôn trong các livestream của bị can để có biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Theo Ngô Bình (Tiền Phong)