Câu hỏi đặt ra bà Nguyễn Phương Hằng có đồng phạm không và những ai có thể bị coi là đồng phạm của nữ doanh nhân này?
Bà Nguyễn Phương Hằng (SN 1971, ngụ quận 1, TGĐ Công ty CP Đại Nam, trụ sở tại Bình Dương) vừa bị khởi tố để điều tra về tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự.
Tiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân không chỉ do bà Nguyễn Phương Hằng thực hiện, mà đằng sau đó còn cả đội ngũ tư vấn, hỗ trợ và tham gia cùng trên mạng xã hội.
Bởi vậy, ngoài việc xử lý với bà Nguyễn Phương Hằng, cơ quan điều tra (CQĐT) sẽ làm rõ hành vi của các đồng phạm khác.
Theo luật sư, trong vụ án này, CQĐT sẽ làm rõ từng buổi phát trực tiếp trên mạng xã hội, hoạt động thu thập thông tin trái phép, đưa tiền trái phép, những ngôn ngữ, hành động mà cả ekip đã thực hiện trên mạng xã hội suốt thời gian qua; đánh giá những hệ lụy đã gây ra đối với xã hội, với Nhà nước, với các tổ chức cá nhân để làm căn cứ giải quyết triệt để vụ án.
“Rất có thể CQĐT sẽ khởi tố đối với nhiều bị can và về nhiều tội danh khác nhau”, luật sư cho hay.
Ai sẽ bị coi là đồng phạm?
Tiến sỹ Đặng Văn Cường phân tích, về nguyên tắc, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải chịu trách nhiệm pháp lý. Hành vi vi phạm đến đâu phải xử lý đến đó, người nào vi phạm và xúi giục kích động người khác cùng thực hiện hành vi vi phạm thì sẽ bị xác định là người chủ mưu cầm đầu.
Những người có cùng ý chí thực hiện hành vi tội phạm sẽ được xác định là đồng phạm.
Hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ thực hiện trên không gian mạng không chỉ có một người thực hiện mà có cả ekip cùng tham gia.
Bởi vậy, CQĐT sẽ làm rõ hành vi của từng người, làm rõ vai trò, nhận thức, ý thức chủ quan của từng người để xác định những người có tham gia livestream cùng bà Hằng có vi phạm pháp luật hay không.
Nếu có căn cứ cho thấy, ngoài bà Nguyễn Phương Hằng, còn có người khác cùng ý chí thực hiện hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, lúc này, những người đó sẽ đóng vai trò đồng phạm.
Theo quy định của pháp luật, đồng phạm phải là từ hai người trở lên, có cùng ý chí thực hiện một tội phạm. Đồng phạm có thể là người chủ mưu, người thực hành, người giúp sức, người xúi giục.
Người chủ mưu là người lên kế hoạch, quyết định việc thực hiện hành vi xâm phạm đến lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân.
Người thực hành là người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội có những lời lẽ, ngôn ngữ xúc phạm danh dự nhân phẩm của tổ chức, cá nhân.
Người xúi giục là người có sự tác động về mặt tinh thần, xúi giục người thực hiện hành vi phạm tội quyết tâm thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Người giúp sức là người tạo những điều kiện về vật chất, tinh thần cho người khác để thực hiện hành vi phạm tội...
Quan điểm của luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, các hoạt động phát trực tiếp trên mạng xã hội của bà Nguyễn Phương Hằng không chỉ có một mình nữ doanh nhân này tham gia mà còn có những người khác chuẩn bị nội dung, thu thập thông tin, chuẩn bị công cụ phương tiện, thậm chí có những người cùng tham gia tán thưởng, cùng bà Hằng công kích, chửi bới, xúc phạm người khác.
Bởi vậy, CQĐT sẽ làm rõ mục đích, vai trò, nhận thức và hành vi của những người này.
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy, những người này đã có hành vi xúi giục, giúp sức, hoặc cùng bà Nguyễn Phương Hằng trực tiếp thực hiện hành vi xâm phạm đến lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân, những người này cũng sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.
Khi đã xác định được hành vi phạm tội, CQĐT sẽ xác định tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội có người nào xúi giục, giúp sức bị can thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hay không để giải quyết triệt để vụ án theo quy định của pháp luật.
Theo T.Nhung (VietNamNet)