Nhìn lại 2 đại án phòng chống dịch COVID-19

17/02/2024 10:13:19

Trong 2 vụ án Việt Á và Chuyến bay giải cứu, nhiều cựu cán bộ, lãnh đạo ở các bộ, ngành đã phải trả giá cho những sai phạm nghiêm trọng vì chia chác, trục lợi trong đại dịch

Hai đại án Việt Á và Chuyến bay giải cứu dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đã được đưa ra xét xử trong năm 2023 và đầu năm 2024. Qua đó, nhiều cựu cán bộ, lãnh đạo ở các bộ, ngành khác nhau đã phải trả giá cho những sai phạm nghiêm trọng vì chia chác, trục lợi trong khi người dân phải gồng mình chống chọi với đại dịch COVID-19 khiến dư luận bức xúc, phẫn nộ.

Nhìn lại 2 đại án phòng chống dịch COVID-19
Các bị cáo trong phiên toà vụ Việt Á

Trong vụ án Việt Á, đầu tháng 1-2024 vừa qua, Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã tuyên cựu bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long 18 năm tù vì đã nhận hối lộ hơn 2,25 triệu USD từ Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á; cựu bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh 3 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và cựu bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng 5 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Cả 3 đều là cựu ủy viên Trung ương Đảng trước khi vướng vòng lao lý.

Ngoài 3 bị cáo trên, hàng loạt các cán bộ, cựu lãnh đạo đạo các bộ ngành, địa phương đã nhận tiền hối lộ, "cảm ơn" từ Công ty Việt Á. Theo đó, các bị cáo đã cấu kết với nhau để Công ty Việt Á sản xuất, nâng giá kít xét nghiệm và tiêu thụ kít xét nghiệm gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng của Nhà nước.

Nhìn lại 2 đại án phòng chống dịch COVID-19 - 1
2 bị cáo Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long (bìa phải) tại phiên toà

Bản án sơ thẩm đánh giá vụ án xảy ra trong bối cảnh đất nước gồng mình chống từng đợt dịch bùng phát bằng nhiều cách, nhiều biện pháp khác nhau. Hành vi của các bị cáo đã xâm phạm uy tín của cơ quan, tổ chức; gây bức xúc xã hội, mất niềm tin trong nhân dân; gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngân sách; thể hiện sự băng hoại giá trị đạo đức trong một bộ phận cán bộ công chức. Việc đưa các bị cáo ra xét xử và có bản án nghiêm khắc là cần thiết, nhằm trừng trị những cá nhân đi ngược lại với lợi ích chung của nhân dân.

Vụ án Chuyến bay giải cứu cũng đã khép lại với bản án dành cho 54 bị cáo về các tội: "đưa hối lộ," "nhận hối lộ," "môi giới hối lộ," "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Vụ án thể hiện sự quyết tâm xử lý tội phạm tham nhũng "không có vùng cấm" của Đảng, Nhà nước.

Trong vụ án có 25 bị cáo là các cựu quan chức cấp cao, cán bộ từng được giao trọng trách thực hiện xét duyệt hồ sơ các chuyến bay combo đưa công dân về nước, nhưng đã cố tình nhũng nhiễu, gây khó khăn để nhận hối lộ của các doanh nghiệp với tổng số tiền gần 165 tỉ đồng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại hơn 10 tỉ đồng…

Trong đó, cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng nắm chức vụ cao nhất về mặt chính quyền trong vụ án đã nhận hối lộ tới 21,5 tỉ đồng; Phạm Trung Kiên, cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế, đã nhận hối lộ "trắng trợn" và nhiều nhất với 253 lần nhận, tổng số 42,6 tỉ đồng

Tại phiên tòa sơ thẩm, các cựu quan chức là bị cáo trong vụ án đã thể hiện sự ân hận, sám hối xin được hưởng khoan hồng. Duy chỉ bị cáo Hoàng Văn Hưng (cựu điều tra viên), một mực không thừa nhận cáo buộc tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nhìn lại 2 đại án phòng chống dịch COVID-19 - 2
Các bị cáo tại phiên toà Chuyến bay giải cứu

Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Hoàng Văn Hưng nhiều lần đề nghị cơ quan tố tụng đưa ra chứng cứ chứng minh bị cáo nhận tiền từ bị cáo Nguyễn Anh Tuấn, cựu phó giám đốc Công an Hà Nội, để chạy án cho tổng giám đốc và phó tổng giám đốc Công ty Bầu Trời Xanh. Trong suốt quá trình tại phiên toà, các bị cáo, luật sư, đại diện viện kiểm sát đã có đối đáp "nóng" về "chiếc cặp số đựng 450.000 USD chạy án hay 4 chai rượu vang" đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Sau bản án sơ thẩm, Hoàng Văn Hưng có đơn kháng cáo kêu oan.

Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của 21 bị cáo diễn ra ngày cuối tháng 12-2023, bị cáo Hoàng Văn Hưng đã bất ngờ nhận tội, xin nộp lại hơn 18 tỉ đồng khắc phục hậu quả vụ án. Tại phiên toà cấp phúc thẩm, bị cáo cho biết trong quá trình trước khi diễn ra phiên toà bị cáo đã suy suy nghĩ lại và quyết định thay đổi toàn bộ nội dung kháng cáo. "Hôm nay, bị cáo mong Hội đồng xét xử, đại diện Viện kiểm sát xem xét cho bị cáo được hưởng khoan hồng của pháp luật, giảm nhẹ hình phạt để bị cáo được sớm trở về làm nghĩa vụ với gia đình, xã hội"- bị cáo này nói.

Sau đó, cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng đã được TAND Cấp cao tại Hà Nội giảm án từ chung thân xuống 20 năm tù giam. Cùng kháng cáo, bị cáo Tô Anh Dũng cũng được giảm từ 16 xuống 14 năm tù.

Theo Nguyễn Hưởng (Nld.com.vn)